Nhận thức phi tính, rằng mình là một con người hoàn thiện với đầy đủ sức khỏe, sự phát triển bình thường về tâm thần, hay những tổn thương tinh thần mình đang có cũng như bao người khác, đều không phụ thuộc vào việc mình là nam hay nữ. Từ khi khởi nghiệp kinh doanh đến nay, tôi chưa bao giờ gặp cản trở hay lợi thế nào, chỉ vì/bởi vì mình là nữ.
Tôi cho rằng trong thời đại này, điều cản trở lớn nhất của con người đến với mục tiêu hiện thực hóa bản thân của họ, không phải là câu chuyện về giới, mà chính là câu chuyện tầm nhìn. Trong quá khứ, phụ nữ chịu nhiều rào cản về giới bởi họ được mặc quá nhiều “chiếc áo” về luật lệ, lề lối, khiến họ không thể thoát ra để tìm đường đến con người họ muốn trở thành. Nhưng giờ đây, khi cả thế giới đã trở thành “một ngôi làng” với sự phát triển của xã hội mà đòn bẩy công nghệ đã mang đến quá nhiều tiện ích, thì cơ hội để khám phá chính mình của tất cả mọi người đều như nhau, kể cả phụ nữ.
|
Ngô Phương Thảo - sáng lập Anbooks và Wemaster |
Những điều khá phức tạp để giải thích trong xã hội trước đây, như trầm cảm trước và sau sinh; làm sao để tự mình hướng dẫn con mình làm quen với lập trình và tại sao phải học nó; như là làm sao để xây dựng được mô hình kinh doanh trong khi mình chưa từng học một ngày nào trong ngành kinh tế; hay làm sao để huy động vốn trong cộng đồng… giờ đây nằm trong tay phụ nữ; hay nói khác hơn, nằm trong tay bất kỳ người nào.
Cơ hội để trưởng thành, bao gồm trưởng thành về nhận thức, kiến thức, tư tưởng hay trưởng thành về tâm linh (hoặc dùng từ tinh thần), đều chia đều cho mọi người, mọi giới, mọi lứa tuổi. Vào cái ngày chúng ta tự thấy mình bị giới hạn bởi chính mình, chính là ngày chúng ta có cơ hội để tạo dựng một tầm nhìn mới.
Ngày tôi bỏ tập đoàn đi khởi nghiệp, bài toán về tài chính là một bài toán hết sức rủi ro và muôn vàn khó nhọc, nhưng tầm nhìn của tôi về cơ hội tư duy tốt lớn hơn cả cơ hội tài chính tốt. Tôi thấy rõ bức tranh nghèo nàn lạc hậu về tri thức, cạn kiệt sức khỏe tinh thần của mình trong vài năm tới, nếu tôi không quyết liệt thay đổi. Không thể nói cái nào quan trọng hơn cái nào: cơm áo hay tư duy, nhưng tôi hiểu rằng nếu tôi tư duy đúng, thì ít nhất sẽ không phải đau khổ về cơm áo, và không dằn vặt về tinh thần. Cái hoang mang vì không biết mình là ai, lớn hơn cái hoang mang vì mình nghèo.
Rất khó có một lời khuyên hay một công thức nào đúng cho tất cả mọi người, kể cả là đúng cho phụ nữ. Điểm xuất phát khác nhau, mục tiêu cuộc đời khác nhau sẽ khiến cho mọi hiểu biết trên đời này của từng người chỉ có giá trị cho chính người đó nhiều nhất; nhưng mở rộng tầm nhìn của mình, đối với tôi, chính là vai trò bắt buộc của người phụ nữ.
Hơn ai hết, phần lớn phụ nữ nhạy cảm, quan sát tốt hơn nam giới, nên họ có nhiều dữ liệu hơn về những người xung quanh mình. Và như vậy, họ cảm nhận nhanh hơn những thay đổi của xã hội. Nếu phụ nữ được trang bị cho tư duy hệ thống và tư duy phản biện, tôi tin rằng họ có nhiều lợi thế hơn nam giới trong việc quan sát chuyển động xã hội, và từ đó, những đóng góp của họ cũng trở nên thiết thực, kịp thời.
Trong kinh doanh, tính “nữ” nổi trội ở khả năng lắng nghe, khả năng điều hòa cảm xúc; khả năng chi tiết tỉ mỉ. Nhưng tôi đồ rằng cả nam giới cũng có nhiều người làm tốt các điều này; do đó, chẳng có giới hạn nào cho những điều chỉnh phù hợp. Điều duy nhất cản trở một người mở rộng tầm nhìn hay không thể hiện thực hóa tầm nhìn của họ chính là những tổn thương hiện hữu mà họ đang mang.
Tôi cho rằng nhìn nhận đúng về giới hạn của con người thì mới có giải pháp đúng cho chính họ. Giới hạn của phụ nữ, tôi nghĩ rằng bởi họ chịu tổn thương nhiều hơn nam giới. Họ dành nhiều thời gian và nguồn lực để vật vã, hay chữa lành các thương tổn của mình nhiều hơn nam giới; bởi vì phần lớn trong số họ nhạy cảm hơn nam giới; bởi vì vòng quan tâm và yêu thương của họ nhỏ hơn nam giới. Bởi họ quan tâm ít người hơn, yêu thương sâu sắc hơn, nên khổ tâm hơn.
Thế hệ của chúng tôi (những người sinh năm 1980 trở về sau) giờ đây khác thế hệ của bà, của mẹ tôi ngày trước là vì chúng tôi dám nghĩ lớn. Cái khó khăn mà chúng tôi phải vượt qua hiện nay không phải là tư duy “ao làng” luẩn quẩn, mà là làm sao để chuẩn bị nội lực và nguồn lực đủ để “ra biển lớn”, hiện thực hóa tầm nhìn của mình.
Nghĩ lớn thôi chưa đủ. Trong một xã hội thay đổi từng giờ (không phải từng ngày), chỉ là một người tư duy đúng chưa thể giải quyết được bài toán phức tạp, mà phải có các nguồn lực tương ứng bổ trợ và có kỹ năng để tiếp cận và sử dụng các nguồn lực đó hiệu quả, để không mất đi chi phí cơ hội. Tôi không ít lần bị “hụt chân” vì kỹ năng và nguồn lực không đi kịp tầm nhìn. Vẫn biết rằng điểm xuất phát của mình bị giới hạn, nhưng đâu phải vì thế mà nhắm mắt lờ đi bức tranh mình đã thấy ở tương lai? Tôi nghĩ rằng cả cái khó khăn này, cũng chẳng phải là khó khăn riêng của phụ nữ.
Vài chục năm trước đây, thế hệ của bà tôi, mẹ tôi, ít người bàn tới hai chữ “sáng tạo”. Nhưng vào thời của chúng tôi khi vận hành doanh nghiệp, không sáng tạo đồng nghĩa với đóng cửa công ty. Vào cái thời mà mối quan hệ chẳng phải đặc quyền đặc lợi của ai, thông tin cũng thế, kênh phân phối cũng vậy, thì chỉ có sáng tạo là “cửa sống” cho doanh nghiệp. Tới đây thì vai trò về giới xuất hiện: làm sao để vẫn làm những việc mà hầu hết phụ nữ phải làm trong gia đình (tã sữa, lau chùi quét dọn, giặt giũ, lo trường lớp học hành cho con, lo giỗ nội cơm ngoại…) mà vẫn sáng tạo?
Tôi cho rằng đây mới là thách thức lớn nhất. Một mặt, vì như đã nói ở trên, tình thương của người phụ nữ là loại tình thương “gần sát”: cơm phải nóng, canh phải dẻo; quần áo phải kịp thời. Họ hạnh phúc bởi những chuyện tưởng như “vặt vãnh” đó.
Tôi không biết cái nào làm cho người ta hạnh phúc hơn: được xướng danh và trao hoa trên sân khấu trăm người, hay xách giỏ đi chợ mà mua được miếng thịt bò ngon và ngồi nhìn con ăn ngon lành rồi vét sạch dĩa. Với tôi, thú thật là cái thứ hai khiến tôi hạnh phúc hơn. Đây mới là những điều “giới hạn” phụ nữ: không phải họ không nghĩ lớn, mà đối với họ, cái gì quan trọng hơn?
Và thật may mắn cho những ai có quyền lựa chọn cái gì quan trọng hơn để tập trung cho điều đó, còn với những người thiếu may mắn hơn như tôi: hai thứ đó đều quan trọng như nhau. Bởi nếu không đạt được thành tựu trong công việc, tôi cũng chẳng thể nuôi nổi con mình. Vai trò trụ cột gia đình, khi rơi vào vai phụ nữ, thì thách thức về sáng tạo trở nên to lớn hơn nhiều: phải hiệu quả về kinh tế, phải hài hòa về tinh thần, thì mới có chỗ cho sáng tạo.
Do đó, việc giữ gìn sự hài hòa về tinh thần bỗng dưng bị đẩy lên hàng “tối quan trọng”. Không có nó, không có gì diễn ra êm đẹp cả. Cốt lõi trong sự thành công của phụ nữ, trong hiểu biết của tôi, chính là sự hài hòa tinh thần.
Ngô Phương Thảo (sáng lập Anbooks và Wemaster)