Người mẹ già mong một lần được đưa con đi chữa bệnh
Ở tuổi 73, đáng nhẽ ra bà Triệu Thị Sảng (trú tại Khu 12, thị trấn Trùng Khánh, Cao Bằng) đáng ra phải được hưởng cuộc sống an nhàn, hạnh phúc cùng con cháu nhưng bà lại vẫn phải chật vật để chăm lo cho 2 cô con gái kém may mắn của mình.
Thường ngày, ngoài việc trông nom 2 con gái ngây ngô bà vẫn luôn tranh thủ thời gian làm nương rẫy, buôn bán nhỏ lẻ ở chợ Co Sầu để kiếm tiền chăm lo cho cuộc sống. Hai người con mặc dù đã lớn tuổi nhưng hành động, suy nghĩ đều như đứa trẻ lên 3, mọi sinh hoạt hàng ngày từ ăn uống, tắm giặt,... đều do đôi bàn tay gầy guộc của bà chăm sóc. Mỗi lần nhớ về những ký ức, câu chuyện xưa kia bà lại không kìm được những giọt nước mắt.
|
Bà Sảng vẫn tự tay chăm lo cho 2 con gái tất cả mọi thứ. Ảnh: Nguyễn Việt Anh |
Bà từng có những tháng ngày hạnh phúc với người chồng là ông Hoàng Văn Tinh. Hai ông bà gặp và bén duyên với nhau trong quân đội. Ông là sĩ quan biên phòng, bà công tác bên quân y thuộc trạm y tế Tổng Cọt - Hà Quảng.
Rồi hai người con gái lần lượt ra đời, người con cả Hoàng Thị Hạnh (sinh năm 1982) và Hoàng Thị Phương (sinh năm 1984), trong niềm hạnh phúc của anh em họ hàng. Quãng thời gian bình yên đó không được bao lâu, đến khi hai người con gái tập lẫy, tập bò thì ông bà đau đớn nhận ra rằng, cả hai người con gái của mình không phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Hai cô con gái không biết nói cười, chỉ ê a những câu vô nghĩa, thường xuyên ốm đau và nằm bệt một chỗ.
Ngày bà xin nghỉ đưa hai con thơ dại về quê cũng là ngày bà phát hiện trong bụng mình có thêm một sinh linh bé nhỏ, năm 1985 - Hoàng Văn Hồng người con trai út ra đời.
Một mình chăm sóc 3 con, bà Sảng không thể làm được việc gì hơn, hàng tháng trông chờ vào đồng lương ít ỏi của người chồng gửi về, tranh thủ cải tạo chút vườn tược cằn cỗi, tằn tiện sống qua ngày đoạn tháng.
Rồi cũng tới ngày ông xuất ngũ trở về quê nhà đoàn tụ cùng gia đình, gánh vác nỗi nhọc nhằn thay bà. Nhưng niềm vui chẳng tày gang, được ít lâu ông mắc trọng bệnh, người hao gầy và nằm bẹp một chỗ, tài sản trong nhà lần lượt ra đi khi phải bán, gom tiền đưa ông đi chữa bệnh. Rồi ông cũng qua đời.
|
Bà Sảng chăm chút, lo lắng cho cô con gái ngây ngô. Ảnh: Nguyễn Việt Anh |
Bà lại lam lũ chạy ngược xuôi lo cơm áo gạo tiền, chỉ còn cách trông chờ vào số tiền trợ cấp tàn tật 800.000đ/ tháng của hai người con gái tật nguyền, và mảnh lúa, nương ngô nuôi chúng qua ngày.
Đến khi, người con út có ý định lấy vợ, thương con trai bà để lại căn nhà đang ở cho con, bán mảnh vườn được 18 triệu đồng để dựng một căn nhà tạm đủ che mưa che nắng sống cùng 2 con tật nguyền.
Người mẹ già vẫn hàng ngày chăm lo cho các con từng ly, từng tí, mong con "trưởng thành". Nhưng tuổi càng cao, nỗi lo sợ của người mẹ già ngày một lớn lên. Bà lo nhỡ mình có chuyện thì 2 người con ngây ngô của mình sẽ ra sao? Bà chỉ mong khi mình nhắm mắt xuôi tay, các con của mình có một nơi chăm sóc.
Niềm vui cuối đời của người mẹ
Một ngày, bà may mắn gặp được Câu lạc bộ thiện nguyện Cao Bằng Discovery - một nhóm tình nguyện trong tỉnh thường xuyên tìm kiếm hoàn cảnh khó khăn, kêu gọi các tấm lòng cùng chung tay giúp sức.
Sau một thời gian kêu gọi, CLB đã tích được một khoản tiết kiệm để đưa hai người con của bà đi khám. Anh Nguyễn Việt Anh - Trưởng CLB chia sẻ, sau khi trao sổ tiết kiệm cho gia đình, mọi thành viên ra về vẫn đau đáu không yên, mong sớm sắp xếp công việc để sớm đưa hai chị xuống viện bệnh viện thăm khám, dù biết rằng cơ hội dành cho hai chị thật mỏng manh.
|
CLB thiện nguyện Cao Bằng Discovery đưa bà và hai con đi khám bệnh tại Bệnh viện Trung ương 1. Ảnh: Nguyễn Việt Anh |
"Nhưng tôi hiểu, đó là ước nguyện lớn lao của người mẹ già mang nặng đẻ đau, muốn hoàn thành tâm nguyện trước khi nhắm mắt xuôi tay", đó là suy nghĩ đã thôi thúc người Trưởng nhóm Việt Anh.
Tối ngày 24/10, đại diện CLB thiện nguyện đã lên đường đưa các con của bà Triệu Thị Sảng xuống Bệnh viện thần kinh Trung ương 1 (Sơn Tây, Hà Tây). Tại đây, bác sĩ đã tiến hành khám chữa và đưa ra những nhận định: Tình trạng bệnh của hai chị là di chứng nặng của căn bệnh câm điếc bẩm sinh, không được khám chữa, học tập ngôn ngữ kí hiệu, hạn chế tiếp xúc với xã hội sinh ra bệnh tự kỉ dẫn đến chứng bệnh tâm thần phân liệt.
Đồng thời, bác sĩ chia sẻ, do gia đình chưa đưa hai chị đi thăm khám tại bệnh viện tuyến trên, nên không nhận được giấy xác nhận tâm thần để được nhận hỗ trợ chính sách của nhà nước. Bác sĩ cũng đưa ra lời khuyên, gia đình nên nhập viện cho hai chị ít nhất là khoảng thời gian 1 tuần có người nhà chăm sóc, cốt yếu để sau khi xuất viện được cấp giấy xác nhận bệnh nhân có triệu chứng tâm thần, qua đó có thể làm hồ sơ xét duyệt và nhận chế độ xã hội..
Với ý định xin bác sĩ miễn giảm chi phí điều trị cho gia đình và mong bệnh viện giúp bà có biên bản giám định sức khỏe tâm thần cho hai người con tâm thần, anh Việt Anh đã trình bày rõ về hoàn cảnh gia đình bà Sảng với bác sĩ. Thấu hiểu được sự khó khăn, hoàn cảnh của gia đình bà các bác sĩ đã hết sức tạo điều kiện, giám định luôn cho 2 nữ bệnh nhân mà không yêu cầu phải ở lại viện điều trị.
Khi nhận được kết quả này, người mẹ già cũng như tất cả các thành viên vỡ òa vì hạnh phúc. "Từ nay về sau, hai chị hoàn toàn có thể nhận được sự hỗ trợ về chính sách từ cơ quan nhà nước, nhận được sự trợ cấp lâu dài. Khi đó, tôi nhìn thấy giọt nước mắt hạnh phúc trên khuôn mặt người mẹ già 73 tuổi", anh Việt Anh bày tỏ.
|
Anh Việt Anh - Trưởng CLB hiểu rõ tâm nguyện của người mẹ già. |
Anh chia sẻ thêm, các bác sĩ cho biết, bệnh tình của hai chị vẫn mãi như vậy, không có cách nào điều trị được nhưng có giấy chứng nhận là đã có thể giúp gia đình bớt đi một phần khó khăn.
"Với tôi, điều quan trong hơn nữa là có thể giúp người mẹ già đưa hai con đi khám một lần. Bà cũng không còn áy náy khi đã tai nghe mắt thấy những gì bác sĩ nói về 2 con. Có lẽ tôi đồng cảm với cụ. hoàn thành cho một người mẹ mà cả đời lam lũ vất vả tâm nguyện cuối đời.
Nói về dự định sắp tới, vị Trưởng CLB thiện nguyện Cao Bằng Discovery vui vẻ, sắp tới nhóm sẽ thực hiện chương trình trao cặp sách và áo ấm cho các em nhỏ vùng cao. "Và cứ đầu tháng tôi lại gửi gạo nhu yếu phẩm lên núi cho bà cụ 107 tuổi sống 1 mình không nơi nương tựa", anh Việt Anh nói.
Hoàng Trang