Tạm ngưng thử nghiệm vắc-xin Oxford: Bước đi thận trọng tránh vết xe đổ ở thế kỷ XX

11/09/2020 - 17:51

PNO - Thử nghiệm vắc-xin Oxford bị dừng sau khi một người phụ nữ Anh tham gia thử nghiệm mắc chứng rối loạn thần kinh hiếm gặp khiến nhiều người chợt liên tưởng đến vụ việc từng xảy ra năm 1976 tại Mỹ.

Đầu năm 1976, một chủng cúm mới bùng phát tại căn cứ quân sự Fort Dix ở New Jersey, khiến khoảng 200 quân nhân có các triệu chứng sốt, khó thở, trong số đó có 13 người phải nhập viện và một ca tử vong.

Lo sợ rằng đó là khởi đầu của một đại dịch như thảm kịch từng diễn ra vào năm 1918 với dịch cúm Tây Ban Nha đã giết chết hàng chục triệu người và khiến quân đội các nước châu Âu lao đao, Tổng thống Gerald Ford vội vàng thông qua việc cấp phép cho một loại vắc-xin cúm mới vào năm 1976.

Quyết định này không nhận được sự đồng tình của các nhà khoa học khi họ vẫn đang lo ngại về vắc-xin có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm về thần kinh. 

Năm đó, đại dịch chưa bao giờ đến, nhưng Tổng thống Ford và các cộng sự của ông gặp đại nạn. Vắc-xin đã gây ra hội chứng Guillain-Barré, một tình trạng thần kinh có thể dẫn đến tê liệt ở hơn 450 người trong số 45 triệu người được tiêm. Hơn 30 người chết. 

Trở lại sự cố vừa xảy ra với vắc-xin của AstraZeneca và Đại học Oxford, Giám đốc điều hành của AstraZeneca, Pascal Soriot, cho biết người phụ nữ nghi ngờ có tác dụng phụ sau khi tiêm vắc-xin đang hồi phục và dự kiến ​​sẽ xuất viện trong ngày hôm nay 10/9.

Ông Soriot cho biết thêm, việc thử nghiệm cũng từng bị tạm dừng vào tháng 7 sau khi một người tham gia khác gặp các triệu chứng thần kinh. Tuy nhiên, sau đó có những chứng minh cho thấy các triệu chứng không liên quan đến vắc-xin.

Lô vắc-xin COVID-19 nào sẽ chính thức được thế giới công nhận đầu tiên vẫn còn là 1 ẩn số
Lô vắc-xin COVID-19 nào sẽ chính thức được thế giới công nhận đầu tiên vẫn còn là một ẩn số

Việc tạm dừng lần này sẽ làm chậm tiến độ đưa vắc-xin ra sử dụng, nhưng các chuyên gia tin rằng cuộc thử nghiệm chắc chắn sẽ tiếp tục và các dữ liệu sẽ được thu thập và đánh giá thêm.

Một số thông tin nghi ngờ chứng rối loạn thần kinh của cô gái có liên quan đến bệnh viêm tủy cắt ngang, tuy nhiên AstraZeneca phủ nhận thông tin này.

Hội chứng Guillain-Barré và viêm tủy cắt ngang là những bệnh lý khác nhau nhưng có liên quan đến nhau. Cả hai đều ảnh hưởng đến hệ thần kinh và có thể do nhiễm virus hoặc vắc-xin.

Các chuyên gia cho biết AstraZeneca vẫn xem xét tỷ lệ mắc bệnh viêm tủy cắt ngang trong dân số để biết tỷ lệ những người mắc bệnh có hay không liên quan đến việc tiêm chủng.

Một đơn vị độc lập sẽ xem xét dữ liệu an toàn của vắc-xin để xác định bệnh được báo cáo ở người tham gia thử nghiệm là do vắc-xin hay là chứng bệnh đã tiềm ẩn trong cơ thể từ trước và không liên quan đến việc tiêm chủng.

Hôm nay, 10/9, Nga bắt đầu Nga đã được tiêm vắc xin Sputnik V ngừa COVID-19 do nước này sản xuất cho những người tình nguyện
Hôm nay, 10/9, Nga bắt đầu tiêm vắc xin Sputnik V ngừa COVID-19 do nước này sản xuất cho những người tình nguyện

Các chuyên gia cho biết, việc tạm dừng thử nghiệm là một bước nhằm chứng minh sự an toàn cho bệnh nhân quan trọng hàng đầu không hẳn vì vắc-xin “có vấn đề”.

Đại diện của AstraZeneca cũng khẳng định quyết định tạm dừng thử nghiệm là biện pháp phòng ngừa tiêu chuẩn trong các thử nghiệm, nhằm đảm bảo vắc-xin không gây ra phản ứng nghiêm trọng cho những người tham gia. Đây là một phần trong các bước thực hiện thử nghiệm toàn cầu.

Được biết, cho đến nay đã có khoảng 17.000 người tại Anh, Brazil, Nam Phi đã tham gia tiêm thử nghiệm đợt 3. Dự kiến số lượng thử nghiệm vắc-xin đợt 3 trên toàn cầu là 50.000-60.000 người (gồm các quốc gia Mỹ, Anh, Mỹ Latinh, châu Á, châu Âu và châu Phi).

Vắc-xin Oxford không phải là lựa chọn duy nhất, mà chỉ là một trong số các loại vắc-xin đang trong giai đoạn thử nghiệm thứ 3 (bước cuối cùng trước khi được phê duyệt) trên khắp thế giới.

Ngoài Oxford, chính phủ Anh cũng đã ký một thỏa thuận cung cấp 90 triệu liều vắc xin khác, do BioNTech, Pfizer và Valneva phối hợp phát triển.

Chính phủ Úc khi công bố thỏa thuận đối với vắc-xin Oxford đồng thời cũng công bố thỏa thuận với công ty CSL về 51 triệu liều vắc-xin của Đại học Queensland, hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng.

Một loại vắc-xin khác của công ty Moderna của Mỹ, cũng đang trong giai đoạn 3 của thử nghiệm và là một lựa chọn đầy hứa hẹn.

Hôm nay (10/9), những tình nguyện viên đầu tiên ở Nga đã được tiêm chủng vắc-xin Sputnik V ngừa COVID-19 do nước này sản xuất. Đợt thử nghiệm lâm sàng thứ 3 với quy mô lớn, dự kiến sẽ có 40.000 tình nguyện viên tham gia.

Các chuyên gia vẫn kỳ vọng loại vắc-xin đầu tiên chính thức được quốc tế chấp nhận sau các thử nghiệm sẽ có mặt vào đầu năm 2021.

Khánh Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI