“Tâm lý học đại dịch” - cuốn sách bị bỏ quên cho đến khi COVID-19 tàn phá thế giới

04/09/2021 - 07:13

PNO - Cuốn sách dự đoán tất cả, từ tâm lý chống vắc xin cho đến giải thích cách hình thành các thuyết âm mưu trong một đại dịch.

Tháng 10/2019, một tháng trước khi COVID-19 bắt đầu bùng phát từ thành phố công nghiệp Vũ Hán (Trung Quốc), nhà tâm lý học người Úc Steven Taylor (Đại học British Columbia, Vancouver) đã cho xuất bản quyển Tâm lý học đại dịch (The Psychology of Pandemics). Nhưng, cuốn sách đã hoàn toàn không được quan tâm cho đến khi những gì được viết ra hệt như lời tiên tri. Đến thời điểm này, tác phẩm của Taylor lại đang trở thành bản hướng dẫn hữu ích cho cả hành tinh trong cơn đại dịch tồi tệ nhất lịch sử.

Từ “phản ứng tâm lý” tự do bị đe dọa

Ngay từ đầu khi cầm bản thảo của tác giả, các nhà xuất bản đều tỏ ra nghi ngờ về khả năng thương mại của nó. Nhưng 22 tháng sau, Tâm lý học đại dịch đã trở thành một cuốn sách bán chạy nhất trên chuyên trang về du lịch Lonely Planet guide. Hướng dẫn của Taylor đang được truyền đi khắp thế giới với những dự báo cho các mốc hành trình sức khỏe toàn cầu.

Hàng ngàn người đã biểu tình vào ngày 31/7 ở Toulouse chống việc tiêm chủng bắt buộc ở Pháp. Ảnh: Shutterstock
Hàng ngàn người đã biểu tình vào ngày 31/7 ở Toulouse chống việc tiêm chủng bắt buộc ở Pháp - Ảnh: Shutterstock

Từ lời tựa, cuốn sách đã vẽ ra một bức tranh về cách tác động của con người liên quan sự lây lan dịch bệnh và các rối loạn cảm xúc. Các chương là những cột mốc đề cập đến định kiến, vai trò của phương tiện truyền thông, thái độ đối với việc tiêm chủng, cách các chính phủ quản lý tin đồn và bàn về cả tâm lý của các thuyết âm mưu.

Đáng kinh ngạc, ở Chương 10, cuốn sách chỉ ra phương Tây, vốn có năng lực chăm sóc sức khỏe đáng tự hào so với phần lớn còn lại của địa cầu, sẽ phải đối mặt với thách thức làm sao để cải thiện tâm lý chống vắc xin.

Dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) cho thấy, dù vắc xin luôn sẵn có khắp toàn quốc, nhưng có đến 90 triệu người Mỹ trưởng thành vẫn không được bảo vệ vì không chịu tiêm bất kỳ loại vắc xin nào. Điều đó cho thấy những phức tạp tâm lý xung quanh “sự do dự” là phổ biến chứ không phải như mô tả “tỷ lệ ít” của các hệ thống chính trị.

Về điểm này, trước COVID-19, Taylor đã đề cập đến một thuật ngữ đã được các chuyên gia sử dụng gần 60 năm qua, đó là “phản ứng tâm lý”. Và phản ứng đối với việc tiêm chủng có động cơ xuất phát từ những nỗ lực “thuyết phục” bị coi là đe dọa đến quyền tự chủ và tự do lựa chọn của dân chúng.

Mặc dù vậy, Taylor cho rằng giữa những gì người ta nghĩ hay nói về vắc xin sẽ hoàn toàn trái ngược với hành động đối với việc tiêm chủng. Điều này đúng trên thực tế, bởi từ trước khi vắc xin được chính thức lưu hành, các nghiên cứu đã dự đoán mức tiêu thụ sẽ khá thấp. Nhưng khi đối diện với một con virus có thể gây tử vong hàng loạt, những gì đã diễn ra cho thấy vắc xin đang phải được sản xuất hết công suất.

Đó là một dấu hiệu lạc quan. Tương tự, khi biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh xuất hiện, tỷ lệ tiêm chủng đã gia tăng, đặc biệt trong số những người trước đó từ chối vắc xin.

Điều này cũng được Taylor viết rõ ràng trong sách, sự tức giận đối với các nhóm do dự tiêm chủng không cần thiết. Bởi khi có sự lây lan lớn xảy ra, vắc xin sẽ được chấp nhận, nhất là khi vắc xin càng ngày càng chứng minh sự an toàn và hiệu quả cao trước virus.

“Phản ứng tâm lý” mà ông đề cập với vắc xin cũng tương tự các phản ứng đối với các vấn đề liên quan các hướng dẫn sức khỏe cộng đồng, như tăng cường ăn rau củ quả, vệ sinh cá nhân hay đeo khẩu trang. “Kiểu phản ứng với tiêm chủng hệt như kiểu bạn không phải là sếp của tôi nên đừng áp đặt. Phản ứng tâm lý này thường thấy ở những người lớn lên trong các nền văn hóa luôn tự hào về tự do và chủ nghĩa cá nhân”, Taylor nói với tờ The Guardian của Anh.

Theo tâm lý gia Úc, khi càng cố gắng thúc đẩy, thuyết phục những người có phản ứng tâm lý này, càng có khả năng thất bại, vì họ cảm thấy quyền tự do đang bị đe dọa.

Đến “tư duy có động cơ” tạo ra các thuyết âm mưu

Từ đây, cuốn sách dẫn đến cái mà các nhà tâm lý học gọi là “tư duy có động cơ” hay nói cách khác là tư duy tưởng tượng, tiền đề cho các thuyết âm mưu liên quan. Theo đó COVID-19, cũng như vấn đề biến đổi khí hậu lâu nay, sẽ được xem là trò lừa bịp. 

“Đưa các chất, vật thể lạ vào cơ thể thông qua một cây kim, theo quan điểm tiến hóa của các nhóm này, sẽ làm ô nhiễm con người. Một số người đã phát triển quan điểm về điều này”, ông Taylor cho hay.

Chuyên gia tâm lý Steven Taylor đã có 30 năm nghiên cứu về chứng rối loạn lo âu, bao gồm nỗi sợ hãi và ám ảnh thái quá hay chứng loạn cảm xúc. Ông quyết định viết cuốn Tâm lý học đại dịch vào năm 2018 sau khi đọc về dịch cúm Tây Ban Nha xảy ra một thế kỷ trước đó và các dự đoán đại dịch tiếp theo từ các mô hình dịch bệnh.

Nếu nhìn lại sự tranh đấu chống đeo khẩu trang xảy ở San Francisco năm 1919 trong đại dịch cúm Tây Ban Nha, những lý do được đưa ra cũng hao hao COVID-19 hôm nay.

Ông cho rằng đại dịch “về cơ bản là một hiện tượng tâm lý hành vi, thái độ và cảm xúc”. Theo Taylor, nói điều đó không phải hạ thấp mức độ nghiêm trọng mà căn bệnh này đã gây ra với hàng chục triệu người đã nhiễm bệnh và tử vong, mà ông chỉ muốn người ta chú ý hơn đến khía cạnh tác động của COVID-19 đối với tâm lý.

Taylor phân tích bổ sung cho cuốn sách của mình bằng một bài báo khoa học trên Tạp chí Tâm lý học Canada, trong đó ông viết “đại dịch không chỉ đơn giản là những sự kiện xung quanh những con virus có hại và lây lan”.

“Tâm lý học đóng một vai trò trung tâm trong đại dịch, ảnh hưởng đến sự lây lan cũng như ngăn chặn dịch bệnh. Đồng thời, tâm lý học giúp giải thích sự hình thành đau khổ liên quan các hiện tượng gây rối, chia rẽ, gây hại trong xã hội như mua bán hoảng loạn, phân biệt chủng tộc và phản đối các biện pháp giãn cách trong đại dịch”, ông viết.

Theo Taylor, thêm một ngoại lệ trong COVID-19 là sự trỗi dậy mạnh mẽ của tư duy “thuyết âm mưu”. 

Ông đưa ra giả thuyết rằng, với sự gia tăng của biến thể Delta, bất kỳ biện pháp tái phong tỏa nào cũng có thể gây ra phản ứng dữ dội, thậm chí nổi loạn. Đây là một phần của hiện tượng tâm lý, thường được gọi là “đại dịch mệt mỏi”.

Theo tâm lý gia, “lockdown” không phải là một chiến lược bền vững để quản lý đại dịch. Có thể đó là một “tội ác cần thiết” nhưng nếu cứ có một làn sóng lây lan mới mà lại phong tỏa sẽ khiến người ta mất tinh thần và tổn hại lớn sức khỏe tâm thần.

Đồng thời, ông cho rằng, mong muốn trở lại cuộc sống bình thường trước đại dịch của người dân không liên quan đến khả năng phục hồi sức khỏe thể lý, mà chủ yếu là phản ứng tâm lý.

“Hậu quả của việc mọi người đổ xô ra đường quá sớm là một phản ứng tâm lý bấp bênh lo âu. Họ có thể bao gồm cả người tự xem mình quá yếu hoặc quá khỏe. Chúng ta sẽ còn đối mặt với các đợt tái phát của COVID-19, nhưng song song đó cũng sẽ thấy, mong muốn được hòa nhập xã hội sẽ mạnh hơn nỗi sợ bị lây nhiễm”, nhà tâm lý học Taylor chỉ ra.

Nam Anh (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI