Tấm lòng vàng của cô thợ may nghèo

02/01/2014 - 17:40

PNO - PN - Thông thường, khi đã đủ ăn, đủ mặc thì người ta mới nghĩ đến việc làm từ thiện, nhưng với chị Nguyễn Thị Kim Loan (40 tuổi), ngụ ấp Bình Trung, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TP.HCM thì khác. Gia đình thuộc diện xóa đói...

edf40wrjww2tblPage:Content

Trong căn nhà nhỏ lợp bằng lá dừa nước, chị Loan cần mẫn hướng dẫn từng chị sử dụng máy may, cách cắt may. Chị nào tiếp thu chậm, chị nào chưa nắm kỹ bài đều được “cô giáo” tận tình giảng giải đến lúc nào hiểu và làm được mới thôi.

Vốn là thợ may có tay nghề nhưng may đồ tại nhà không đủ để trang trải cuộc sống, chị Loan đã liên lạc nhiều nơi để nhận thêm hàng về gia công. “Hồi đầu, nhiều cơ sở không tin tưởng, mình phải ra sức thuyết phục họ song song với việc giới thiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, mình nhờ Hội Phụ nữ (PN) bảo lãnh, giới thiệu… Ít lâu sau, lượng hàng gia công mình nhận được ngày càng nhiều”.

Tham gia sinh hoạt tổ PN, chị Loan biết được nhiều chị em mong có việc làm. Từ đó, chị bàn với họ về việc may gia công và truyền nghề miễn phí cho họ.

Lúc đầu, chị nhận ba phụ nữ đến học nghề. “Cô - trò” dìu nhau vừa học, vừa thực hành. Sau khoảng ba tháng, khi “học trò” sử dụng máy may thành thục, chị Loan đi tìm thêm mối hàng, phân cho chị em gia công, đồng thời tư vấn, thiết kế kiểu dáng quần áo thời trang khi có khách đặt may tại nhà.

Tam long vang cua co tho may ngheo

Chị Loan (bìa trái) tuy nghèo nhưng vẫn dạy may miễn phí và kiếm việc làm cho chị em đồng cảnh ngộ

Có thời điểm “đứt” hàng quần áo gia công, chị Loan lại lặn lội sang Q.8 tìm nguồn hàng. Từ mũ nón trẻ em, quần short, khẩu trang… chị đều nhận về làm. Nhờ vậy, nguồn thu nhập của chị em luôn ổn định, từ 2,5-3 triệu đồng/tháng. Tiếng lành đồn xa, thêm nhiều chị em tìm đến chị Loan xin học may, tìm việc làm.

Để có vốn mua thêm máy may, chị quyết định “cầu cứu” Hội PN. Với 15 triệu đồng từ nguồn vốn Hội, chị mua thêm máy may, máy vắt sổ, bàn ủi, phụ liệu may. “Cái khó nhất của lớp học đã được Hội giải quyết, mình tự nhủ phải giúp đỡ nhiều chị em hơn như một cách trả ơn Hội”. Hết khóa này đến khóa khác, lần lượt nhiều chị tìm được việc làm. Chị Loan còn giới thiệu họ vào sinh hoạt Hội PN, giúp họ thủ tục vay vốn Hội mua máy may để làm việc tại nhà.

Gắn bó với lớp may ngay từ những buổi đầu, chị Nguyễn Thị Kiều bộc bạch: “Không phải ai cũng có điều kiện học nghề nên lớp học của chị Loan thực sự rất cần thiết. Điều đáng quý là dù gia đình rất khó khăn nhưng chị không hề thu học phí ai".

Gia đình chị Loan thuộc diện xóa đói giảm nghèo, kinh tế gia đình phụ thuộc nhiều vào đồng lương công nhân cầu đường của chồng chị, chưa tới năm triệu đồng/tháng. Thu nhập khiêm tốn, chị Loan phải “co kéo” cho sáu người, trong đó có các con đang tuổi ăn tuổi học và người chị chồng khuyết tật. Thắc mắc: “Với nghề dạy may, gia đình chị sẽ “dễ thở” hơn khi có thêm đồng ra đồng vào, sao chị lại “nói không?”. Mỉm cười hiền lành, chị lý giải: “Với tôi, tiền cần lắm chứ, nhất là gia đình rất khó khăn; nhưng có điều còn quan trọng hơn tiền, đó chính là cái tình, cái nghĩa. Người dân xã mình còn nghèo, chị em ít được học hành, đa số làm thuê. Mình may mắn có cái nghề lại biết chút chữ nghĩa nên muốn làm gì đó giúp chị em”.

Đến nay, từ lớp may của chị Loan, hơn chục chị đã được đào tạo nghề và nhiều người có việc làm ổn định tại nhà. Thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm của mình với hội viên trong ấp, chị Loan còn tích cực tham gia các phong trào Hội như đóng góp ý kiến xây dựng hoạt động PN tại địa phương, giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hành tiết kiệm điện, phòng chống bạo lực gia đình…

 Lê Uyên Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI