Tấm lòng thơm thảo

05/11/2015 - 07:05

PNO - "Sống ngày nào là phải cố gắng chia sẻ với người nghèo ngày đó".

Đưa chúng tôi vào nhiều ngôi nhà bé như hộp diêm, gặp những cảnh đời cùng quẫn, dì Lê Thị Hồng Phúc (SN 1954, Ủy viên Ban chấp hành Hội LHPN P.5, Q.8, TP. HCM) tâm sự: "Sống ngày nào là phải cố gắng chia sẻ với người nghèo ngày đó".

Chuyện xưa

11g trưa ngày 17/9/1978, ở góc đường Huỳnh Mẫn Đạt - Trần Hưng Đạo (Q.5, TP.HCM) một ông lão mù ngồi rúm ró chờ người qua đường bố thí. Đạp xe ngang qua, dì Hồng Phúc khi đó đang là công nhân của Liên hiệp xí nghiệp dệt Hồng Gấm chạnh lòng.

Ghé lại hỏi thăm mới biết ông tên Nguyễn Văn Ngọc (64 tuổi) trôi dạt từ miền Trung vào Nam, không nhà, không vợ con. Cứ mỗi sáng ông Ngọc ra góc đường này ngồi, đêm thì vô chợ Bàu Sen (Q.5) ngủ. Sau lần gặp gỡ tình cờ ấy, dì Phúc đã nhận chăm lo từ bữa ăn, bộ quần áo đến viên thuốc cho ông Ngọc như người nhà suốt 10 năm.

Lần khác, chiều về ngang nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (nay là công viên Lê Văn Tám, Q.1, TP.HCM), dì Phúc thấy hai vợ chồng nọ đang ôm đứa con nhỏ gần như chỉ có da bọc xương co ro trú mưa.

Đói quá, họ không đứng dậy nổi. Dì liền chạy về cơ quan kêu gọi đồng nghiệp giúp sức, người bộ quần áo, người lon sữa, cân đường. Hồi đó, lương dì Phúc được 36đ/tháng, tiền thuê nhà trọ đã hết 15đ, nhưng vẫn trích ra 10đ cho họ.

Bữa đang ngồi uống cà phê với bạn, dì Phúc giật mình khi một cậu bé nhỏ thó, bị cụt cả hai chân lết vào mời mua vé số. Em tên Nhịnh (16 tuổi, quê Đồng Tháp) một thân một mình lên TP.HCM. Nhiều lần bị giật hết xấp vé số, cụt vốn, Nhịnh chỉ biết khóc. Cám cảnh, dì Phúc thuê nhà trọ cho Nhịnh ở, giúp em tiền làm vốn buôn bán.

Từ năm 14 tuổi, dì Phúc đã bôn ba mưu sinh, khi dọn dẹp nhà, giữ em bé thuê, lúc bán vé số. Dì nói, cứ nghĩ mình vậy là khổ lắm rồi, nhưng gặp nhiều mảnh đời, dì đã suy nghĩ khác: “Mình còn sáng mắt, còn đi lại, chạy nhảy được thì may mắn hơn biết bao người”.

Tam long thom thao
Dì Phúc (phải) hỏi thăm sức khỏe, cuộc sống của bà Năm

Chuyện nay

11g trưa ngày 26/10/2015, bà Nguyễn Thị Lệ Hằng (SN 1953, ngụ KP.1, P.5, Q.8) ngồi bên cửa nhà, rấm rứt khóc. Ngày giỗ của cha mẹ mà trong nhà một đĩa trái cây cũng không có. Vợ chồng bà không có con. Căn nhà chưa đầy 8m2 chẳng có gì quý giá ngoài thuốc men và nồi cơm trống.

Bà Hằng bị suy thận đã mấy năm nay, còn ông Nguyễn Văn Quý (SN 1950, chồng bà) thì nhỏ thó, hom hem đến nỗi chạy xe ôm mà khách ngại không dám đi. Ghé thăm bà Hằng, ngoài 500.000đ tiền hỗ trợ hằng tháng, dì Phúc còn dúi thêm 200.000đ nữa, nói để mua miếng thịt, bó rau về cúng mẹ.

“Tôi mừng quá, cả người lạnh toát hết. Chị Dung (bà Nguyễn Thị Lệ Dung, chị ruột bà Hằng - P.V) bị tai biến đi cà nhắc, không chồng, không con cũng được chị Phúc giúp 500.000đ mỗi tháng. Anh trai tôi ở Long An lên TP.HCM trị bệnh, vợ anh bị ung thư vú phải phẫu thuật, tất cả đều nhờ chị Phúc. Vợ chồng, anh em tôi mang ơn chị, không biết làm sao mới trả hết” - bà Hằng bộc bạch.

Cách đây ba năm, lại nhà bà Phạm Thị Năm (SN 1952) chơi, dì Phúc hoảng hốt trước cảnh tượng nước ngập lênh láng, cửa, cột kèo đều mục nát chực đổ. Đêm về dì không ngủ được, cứ sợ bà Năm và đứa cháu ngoại gặp chuyện chẳng lành.

Vậy là, ngay hôm sau, dì cầm 7.000.000đ qua, gọi thợ sửa nhà chống dột cho bà Năm. Hay như hoàn cảnh bà Nguyễn Thị Ánh Hoa (SN 1957) cũng éo le chẳng kém bà Hằng, bà Năm.

Ông Phạm Văn Thông (SN 1956, chồng bà Hoa) bị đột quỵ từ bốn năm trước, giờ chỉ ngồi một chỗ. Tháng nào dì Phúc cũng hỗ trợ gạo và 1.000.000đ cho gia đình này vì “thấy thương quá, biết làm sao”.

Tam long thom thao

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI