Tấm lòng nhà giáo

16/07/2016 - 11:40

PNO - Ở tuổi 72, bà Thiền cùng chồng - ông Nguyễn Phan, 74 tuổi, không đếm xuể đã dạy cho bao nhiêu thế hệ học trò, dù lớp học của họ không có bục giảng, cũng chẳng phấn trắng bảng đen.

Tam long nha giao
Duy trì được lớp học không phải là điều dễ dàng

Cúi người nhìn cuốn nhạc đang mở trước mắt cô học trò, bà Nguyễn Thị Thiền (Q.7, TP.HCM) khẽ cất giọng chậm rãi theo ngón tay chỉ vào từng con chữ: “Lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào, tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào”. Ngồi lọt thỏm trong lòng bà giáo, cô trò nhỏ đánh vần: “O ngờ ong, lờ ong long huyền lòng; mờ e me nặng mẹ…”. Quệt giọt mồ hôi đang lăn dài trên má, bà Thiền trần tình: “Nhiều em thích nghe hát, tiếp thu nhanh nếu đánh vần gắn với âm nhạc”.

Ở tuổi 72, bà Thiền cùng chồng - ông Nguyễn Phan, 74 tuổi, không đếm xuể đã dạy cho bao nhiêu thế hệ học trò, dù lớp học của họ không có bục giảng, cũng chẳng phấn trắng bảng đen. Dăm chiếc bàn, vài cái ghế đã sụt chân, cao thấp chênh nhau; học sinh thì lệch tuổi, dáng vóc khác nhau khiến ông bà giáo khi khom người giảng dạy, lúc ngồi bệt cho vừa tầm học trò.

Trìu mến nhìn cô bé có mái đầu khét nắng, bà Thiền từ tốn, khoe: “Đây là cô bé đến với lớp bằng khát khao viết được tên mình. Nay thì đọc báo ro ro”… Học trò của họ, ở tuổi 8, 9, có em chưa từng biết mặt chữ. Phần lớn chung hoàn cảnh gia đình khó khăn, không được đến trường như chúng bạn.

Bà Thiền vốn là giảng viên Trường Nghiệp vụ Ngân hàng (tiền thân Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM). Năm 1991, các con lần lượt vào đại học, đời sống khó khăn, bà Thiền thôi việc, lui về chăm lo gia đình, mở một quán cơm ngay trước nhà. Quãng ấy, nhiều học trò trong xóm biết chủ quán từng là giảng viên nên thi nhau đến hỏi bài.

Dăm ba câu hỏi của học trò khơi dậy niềm đam mê được giảng dạy, ban ngày mở quán cơm, buổi đêm bà mở một lớp dạy kèm ngay tại nhà, không nhận thù lao. Lớp học của bà ngày càng mở rộng thêm thành phần học trò. Đó là một sáng, có người thanh niên tần ngần đứng trước cửa xin bà hướng dẫn cách điền vào đơn xin việc.

Là một chiều có cô bé nằng nặc đòi mẹ đưa đến bà học chữ. Là một tối từ lớp học, bà giật mình nhìn ra cửa thấy bóng dáng một cậu bé gầy nhom, lấp ló coi bà dạy học. Bà hỏi thăm, biết ý định của cậu bé mang giấc mơ được đi học mà bà ngoại không có tiền… Bấy giờ, chuyện giảng dạy của bà Thiền không còn đơn giản là một đam mê hay gieo vần con chữ.

Năm 2006, UBND P.Phú Thuận mở lớp tình thương dành cho trẻ em không có điều kiện đến trường, bà Thiền đăng ký giảng dạy. Học sinh nghèo của bà cũng theo chân cô giáo đến lớp học tình thương. Sáu năm sau, sức khỏe yếu, bà thôi dạy. Lũ trẻ quyến luyến, lại theo chân bà về nhà. Lớp học đơn sơ tại gia được mở lại, lần này, có thêm sự trợ lực của ông Phan - đã thôi dạy sau thời gian công tác tại Trường Dự bị Đại học TP.HCM.

Tam long nha giao
Vợ chồng bà giáo Nguyễn Thị Thiền - Nguyễn Phan

Hễ tích cóp được ít tiền, họ lại ân cần đưa nhau vào cửa hàng sách cũ, khi mua sách giáo khoa, lúc bộ giải đề hay các loại sách về thần đồng, nhân tài đất Việt hoặc chuyện cổ tích thiếu nhi... Đôi vợ chồng nhà giáo quan niệm, không chỉ dạy chữ mà còn muốn các em được trưởng thành nhân cách, giàu có trong tâm hồn cũng như có nền tảng kiến thức về lịch sử dân tộc… Sinh ra trong gia đình túng khó hoặc lớn lên chứng kiến sự đổ vỡ của cha mẹ, gặp nghịch cảnh… đối với các em, bài học về nghị lực, ý chí vươn lên luôn cần thiết. Và, những câu chuyện được kể, được đọc cũng là một cách tiếp thu.

Chặng đường hơn 20 năm “đứng lớp” giảng dạy cho trò nghèo, được hồi tưởng bằng một giọng hồn nhiên, đượm tình của đôi vợ chồng bà giáo. Nhưng, để duy trì lớp học, với họ chưa bao giờ dễ dàng. Bà Thiền nhớ lại lần nhập viện cách đây chưa lâu. Hôm ấy, bà nhận được lá thư của một cậu trò. Đọc thư, nước mắt bà chảy dài, rơi nhòe cùng dòng chữ nguệch ngoạc vốn dĩ cũng đã nhòe bởi nước mắt của cậu bé nhà nghèo: “Thưa cô, con cảm ơn cô đã dạy con lâu nay. Nhưng giờ mẹ bắt con nghỉ học để đi bán vé số. Ngày nào bán hết sớm, con đi học nữa nha cô”. Cơn xúc động, buồn thương cậu trò nghèo khiến bà lên cơn thở dốc. Vội vàng nhập viện nhưng chỉ được một hôm, bà nài nỉ bác sĩ: “Cho tui về, lũ nhỏ đang chờ”.

Lớp học tự phát, học sinh đều ham học nhưng phần lớn do hoàn cảnh khó khăn, phải phụ giúp gia đình mưu sinh hoặc theo cha mẹ chuyển chỗ trọ, các em không dễ dàng đến lớp học thường xuyên. Thương giấc mơ con chữ của trò nghèo dang dở, vợ chồng bà tranh thủ đến từng nhà, thuyết phục người thân cho các em đi học.

Tiếp xúc nhiều, để rồi trong hành trình giảng dạy của đôi vợ chồng nhà giáo, còn có lời động viên, an ủi lẫn làm chỗ dựa tinh thần cho trò nghèo. Em P. - cha mẹ vừa đánh nhau vì “không còn tiền đi chợ”. Em H. - 12 tuổi, mẹ bỏ đi, em sống với cha và bà nội trong căn trọ ọp ẹp, cha muốn H. tìm việc để tự lo thân mình…

Muốn hỗ trợ các em, ngoài mua tặng vở, vợ chồng bà Thiền còn nhiều lần dùng các khoản tiền ít ỏi gom góp được tạo phần thưởng trao trò nghèo hiếu học. Dịp lễ, tết, Ngày Nhà giáo Việt Nam… hai người thầy cộng điểm cho các trò rồi xếp loại - 200.000đ/ trò giỏi được vợ chồng chia nhau mang xuống trao tận tay phụ huynh, nói để cải thiện bữa ăn cho sắp nhỏ. Học trò nào khổ quá, sẽ được đôi nhà giáo “bao” luôn cơm…

***

Bà Thiền tiếp tôi trong bộ bà ba cũ kỹ. Các con mua cho xấp vải, bộ đồ, bà bảo cứ cất đó, dành… làm phần thưởng cho học trò mang về cho bà nội/ ngoại. Ông Phan dốc lòng: “Nhiều đứa trẻ lớn lên không biết viết tên mình, cầm tờ báo chỉ biết coi hình. Nghĩ điều đó chúng tôi cứ chạnh lòng, xót xa, chỉ biết giúp gì được thì giúp trong khả năng của mình”. Tấm lòng ấy của họ, bao la và cao đẹp. Để, chẳng ai ngạc nhiên khi hay họ đồng lòng đi đến quyết định thực hiện một nghĩa cử cùng tận: hiến xác cho y khoa…

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI