Tấm lòng của người nữ thương binh

27/07/2024 - 06:25

PNO - 8 năm làm chi hội trưởng chi hội phụ nữ, dì Võ Thị Sáu (67 tuổi) đã từng bước gầy dựng phong trào phụ nữ và hoạt động hội của khu phố ngày càng khởi sắc. Dì cũng là người luôn hết lòng chăm lo cho phụ nữ, trẻ em nghèo.

Cho thành phố thêm đẹp, hội thêm vui

Buổi sáng, dì Sáu đạp xe quanh các tuyến đường Dương Đình Hội, ra Đỗ Xuân Hợp, rồi hướng lên cầu Năm Lý, phường Phước Long B, TP Thủ Đức (TPHCM). Từ trong xóm trọ, tiệm tạp hóa vọng ra tiếng gọi dì. Có người hỏi: “Chuẩn bị đi hốt rác hả dì Sáu, để con lấy chổi?”. Chị Trần Thị Thiện Hồng - 53 tuổi, nhà ở hẻm 539 Đỗ Xuân Hợp - chia sẻ: “Dì Sáu luôn mang đến cho chúng tôi nguồn năng lượng tích cực. Hễ thấy dì đạp xe vô xóm là biết dì đi tặng cây, cho thực phẩm hoặc rủ bà con dọn dẹp vệ sinh”.

Dì Sáu cùng chiếc xe đạp cũ là hình ảnh thân thương trong tâm trí của nhiều chị em hội viên phụ nữ khu phố 30, phường Phước Long B, TP Thủ Đức
Dì Sáu cùng chiếc xe đạp cũ là hình ảnh thân thương trong tâm trí của nhiều chị em hội viên phụ nữ khu phố 30, phường Phước Long B, TP Thủ Đức

Mặc dù đang chống chọi với căn bệnh suy thận và tiểu đường type 2 nhưng dì Sáu chưa ngày nào ngơi tay việc hội. Cùng tập thể Chi hội Phụ nữ khu phố 30, phường Phước Long B, dì xây dựng được 3 tuyến đường “Xanh - sạch - đẹp - thân thiện môi trường” tại hẻm 539 Đỗ Xuân Hợp, đường 10 khu dân cư Khang Điền và đường D3 khu dân cư Nam Long.

Trên các tuyến đường này, bên cạnh việc vệ sinh, thu gom rác thường xuyên, dì Sáu còn kêu gọi bà con treo cờ tổ quốc, trồng cây xanh trước nhà, phân loại rác và không đổ nước thải ra đường.

Để việc trồng cây trở thành thói quen của bà con, dì đem tặng những chậu mười giờ, lộc vừng, đinh lăng… Dì Sáu kể: “Vợ chồng tôi rất thích cây. Đi đâu thấy có loại cây nào đẹp, dễ trồng là chúng tôi xin cây con hoặc hạt giống về gieo. Vào những ngày cận tết, tôi đạp xe ra các chợ hoa hỏi xin lại những chậu nhỏ mà người ta định vứt bỏ rồi đem về sử dụng dần. Qua các xóm, thấy nhà nào chưa có cây thì tôi chở tới tặng rồi rủ họ trồng thêm, riết thành quen”.

Tháng Tư vừa qua, sau khi địa phương sắp xếp lại khu phố, dì Sáu bàn giao 2 tuyến đường cho các khu phố khác, chỉ còn phụ trách hẻm 539 Đỗ Xuân Hợp thuộc khu phố 30, phường Phước Long B nơi dì làm chi hội trưởng. Ở đây có nhiều khu nhà trọ, dì vào vận động chị em chú ý bỏ rác đúng nơi quy định, phân loại để lấy rác tái chế đổi lấy quà trong các ngày hội Góp xanh - sống sạch do Hội LHPN TP Thủ Đức tổ chức.

“Quà của hội là cây xanh, rau trái, gia vị, dụng cụ vệ sinh… tuy giá trị không quá lớn, nhưng chị em đều vui. Đây cũng là cách chúng tôi kết nối, thu hút thêm nhiều chị em lao động nhập cư tìm hiểu phong trào phụ nữ để lâu dần thành tin yêu, gắn bó” - dì Sáu lý giải.

Năm 2013, gia đình dì Sáu rời Khánh Hòa vào TP Thủ Đức sinh sống. Chỉ 1 năm sau, dì đã là gương mặt thân quen với hội viên phụ nữ khu phố trong vai trò chi hội phó. Bấy giờ địa bàn thuộc khu phố 6 cũ, phong trào phụ nữ chưa mạnh. Dì tới từng nhà hỏi thăm hoàn cảnh, tâm tư. Biết nhiều người thích văn nghệ, thể thao, dì bèn rủ lập các nhóm nhỏ cùng sở thích múa hát, dân vũ, dưỡng sinh.

Từ nền móng này, năm 2019, dì tham mưu Hội Phụ nữ phường thành lập Câu lạc bộ Dân vũ vui - khỏe, duy trì tập luyện mỗi buổi sáng và mở lớp dạy khiêu vũ miễn phí vào thứ Năm hằng tuần tại công viên Kiến Á. Dì Sáu đúc kết: “Các hoạt động thiết thực về bảo vệ môi trường, văn nghệ, thể thao giúp hội tiếp cận được nhiều tầng lớp phụ nữ. Khi tôi làm chi hội trưởng vào tháng 7/2016, khu phố có vỏn vẹn 40 hội viên, giờ đã lên hơn 300 người”.

Cho bà con nghèo bớt khổ

Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng ở xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, cha là thương binh, 3 người chú hy sinh, bà nội là Mẹ Việt Nam anh hùng, nên không lạ khi dì Sáu thoát ly gia đình đi làm giao liên khi mới 14 tuổi.

Dì tâm sự: “Nhà tôi có 4 chị em gái, tôi là út. Cha đi kháng chiến biền biệt, mẹ một mình buôn gánh bán bưng nuôi con, chờ chồng. Biết tôi có ý định thoát ly, mẹ cản vì tôi còn nhỏ quá. Tôi nói với mẹ đất nước đang trong thời chiến, con không thể ngồi yên. Tôi bị bắt và bị đày ra Côn Đảo năm 15 tuổi. Khi ấy, tôi cứ day dứt mãi lời hẹn với mẹ, sợ sẽ không được trở về bên mẹ nữa”.

Cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2011, với cấp bậc trung tá, dì Sáu đã có 36 năm công tác tại công an 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên. Là nữ thương binh hạng 4/4, dì Sáu được đơn vị bố trí làm việc tại bộ phận tổng hợp và công tác Hội Phụ nữ. Suốt những năm tháng đương nhiệm, dì đã vận động quần áo, tập sách và thực hiện rất nhiều chuyến về vùng sâu vùng xa của 2 tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên để tặng phụ nữ, trẻ em nghèo.

Dì Sáu (phải) trao tiền hỗ trợ  chị Trần Thị Thiện Hồng mua bảo hiểm y tế
Dì Sáu (phải) trao tiền hỗ trợ chị Trần Thị Thiện Hồng mua bảo hiểm y tế

Khi vào TP Thủ Đức, dì đặc biệt quan tâm đời sống chị em và tìm cách giúp họ. Chị Trần Thị Thiện Hồng bị teo cơ chân từ nhỏ, sống cùng mẹ già cũng bị bệnh nằm một chỗ, cuộc sống khá chật vật. Thấy thế, nhiều năm qua dì Sáu đều đặn tặng bảo hiểm y tế cho chị và thực phẩm khi cần.

Dì Sáu cũng thực hiện chương trình tặng 10kg gạo mỗi tháng trong vòng 1 năm cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài được hưởng chương trình này, bà Nguyễn Thị Khởi - 76 tuổi, mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo - còn được dì Sáu giúp nhu yếu phẩm, cháu gái bà được giới thiệu nhận học bổng.

Trường hợp khác là bà Bùi Thị Xuân Thảo - 74 tuổi, neo đơn, đi nước dạo - cũng được hưởng 10kg gạo/tháng. Mới đây, dì Sáu còn đề xuất cho bà nhận 5,5 triệu đồng vốn phục hồi sinh kế. Dì Sáu tâm tình: “Tôi duy trì chương trình này 5 năm rồi. Cứ hộ nào bớt chật vật thì gạo sẽ được đưa đến cho hộ khác cần hơn. Việc gây quỹ ban đầu rất khó. Sau những ngày tôi đạp xe thăm hỏi đời sống bà con thì một số hộ có điều kiện đã chủ động tiếp sức”.

Cùng với các hoạt động vừa nêu, dì Sáu cũng thường xuyên gom góp quà tặng chị em trong các dịp lễ, tết. Có những đợt được nhà hảo tâm ủng hộ 10 suất quà, nhưng thấy còn nhiều hộ thiếu thốn, dì lại trích tiền túi mua thêm. Sức không được khỏe, lại đau khớp gối, nhưng ngày nào dì Sáu cũng đội nắng, đội mưa đạp xe đi lo việc hội.

Thấy chồng con xót, dì lại bảo còn nhiều hoàn cảnh lao đao quá, dì không đành lòng. Chừng nào còn sức đạp xe ra đường là dì còn đến với bà con nghèo.

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI