Tấm lòng của người nữ chiến sĩ Trường Sơn

16/10/2024 - 06:05

PNO - Không chỉ dũng cảm nơi chiến trường khốc liệt, trong thời bình, nữ chiến sĩ Trường Sơn Nguyễn Thị Bình, 68 tuổi, còn hết lòng vì đồng đội cũ.

Ký ức Trường Sơn

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng xã Mỹ Thọ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, từ nhỏ bà Nguyễn Thị Bình đã được hun đúc tinh thần yêu nước và ý chí cách mạng từ người cha - một đảng viên. Thấy cha tiếc nuối vì không có con trai vào bộ đội, người thiếu nữ Nguyễn Thị Bình đã tình nguyện nhập ngũ.

Bà kể, lúc ấy, bà bé người, không đủ cân nặng nên phải giấu kín chùm chìa khóa trong người cho đủ cân để nhập ngũ. “Hay tin tôi đủ tiêu chuẩn vào quân ngũ, cha tôi vừa mừng vừa lo. Trước khi đi, ông dặn dò, dù là con gái cũng phải học tập, rèn luyện và chiến đấu hết mình vì Tổ quốc, không được bỏ cuộc trở về và tôi luôn khắc sâu lời dặn dò ấy” - bà Bình kể.

Nữ chiến sĩ Trường Sơn Nguyễn Thị Bình (bìa phải) tài trợ xây dựng bia tưởng niệm  đoạn đường hữu nghị Việt Nam - Cu Ba
Nữ chiến sĩ Trường Sơn Nguyễn Thị Bình (bìa phải) tài trợ xây dựng bia tưởng niệm đoạn đường hữu nghị Việt Nam - Cu Ba

Tháng 8/1973, tròn 17 tuổi, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bà Bình đã vào quân ngũ và trở thành chiến sĩ Tiểu đoàn D2, đơn vị nữ Hà Nam đóng quân tại xã Nhân Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Bằng sự chăm chỉ và tích cực rèn luyện, bà được giao giữ chức vụ Tiểu đội trưởng Tiểu đội Liên lạc, phụ trách đưa thư từ, công văn. Sau đó, bà vào chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tham gia chiến đấu trong các đơn vị trực thuộc Sư đoàn Công binh 473, đoàn 559.

Những năm tháng chiến đấu tại Trường Sơn là quãng thời gian không thể nào quên đối với bà Nguyễn Thị Bình. Nhằm cắt đứt tuyến giao thông huyết mạch - đường Hồ Chí Minh và tiêu diệt các phương tiện của ta, địch ngày đêm trút mưa bom bão đạn. Mỗi bước chân qua đều đối diện với tử thần. Sự sống và cái chết đôi khi chỉ trong gang tấc.

Và trong những ngày đêm không ngủ, lội suối, băng rừng để thông tin chiến trường được nối liền, bà Bình từng bị rắn rết cắn bầm tím đôi chân, nổi mẩn đỏ khắp người, nhưng bà quyết tâm không dừng bước, bỏ cuộc, bởi bà nghĩ, hễ thông tin đến trễ có thể sẽ làm mất đi thời cơ vàng cho quân ta giành chiến thắng.

Dù phải đối mặt với bao gian khổ, hiểm nguy, thiếu thốn, các nữ chiến sĩ vẫn luôn giữ vững tinh thần lạc quan, kiên cường bám trụ, chiến đấu để giữ cho con đường Trường Sơn luôn thông suốt. “Tôi vẫn nhớ đồng đội tôi đã tháo gỡ hàng ngàn quả bom, mìn mỗi ngày với những công cụ thô sơ như cuốc, xẻng; nhớ những người mẹ Trường Sơn đã ân cần trong từng bữa cơm giữa bom đạn rền vang; nhớ từng viên thuốc trong cơn sốt rét rừng, từng ngụm nước sẻ chia giữa trưa nắng cháy… Giờ đây, mọi thứ đã trở thành ký ức, biểu tượng của tình đồng đội, sự hy sinh và yêu thương vô bờ. Những năm tháng chiến đấu ấy đã khắc sâu trong trái tim tôi, trở thành động lực và niềm tự hào mà tôi không thể nào quên” - bà Bình ngấn lệ.

Hết lòng vì đồng đội

Sau khi đất nước thống nhất, tháng 11/1976, bà Nguyễn Thị Bình xuất ngũ trở về địa phương. Bà được cử đi học lớp quản lý thương nghiệp rồi về công tác tại Sở Du lịch tỉnh Hà Nam Ninh. Năm 1986, vợ chồng bà cùng 3 con chuyển vào TPHCM, bà tiếp tục công tác tại Trung tâm Thống kê công nghệ - Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM.

Ngoài việc nhà nước, vợ chồng bà tranh thủ làm kinh tế vườn, chăn nuôi, cung cấp con giống, cây giống, hỗ trợ vốn cho đồng đội và gia đình các cựu chiến sĩ Trường Sơn có hoàn cảnh khó khăn. Trang trại của họ nằm ở vùng ven thành phố thường xuyên đón đồng đội cũ đến thăm quan, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức giúp mọi người thoát nghèo.

Nữ chiến sĩ Trường Sơn Nguyễn Thị Bình (bìa trái) và chồng tặng quà cho nữ cựu chiến binh khó khăn
Nữ chiến sĩ Trường Sơn Nguyễn Thị Bình (bìa trái) và chồng tặng quà cho nữ cựu chiến binh khó khăn

Những năm gần đây, bà Bình cùng chồng là ông Nguyễn Khắc Dụng - một sĩ quan hải quân năm xưa, thành lập Công ty Công nghệ xanh, chuyên cung cấp thiết bị y tế.

Gần 50 năm đã trôi qua sau chiến tranh, cuộc sống ngày càng tốt hơn, bà Nguyễn Thị Bình vẫn không quên những đồng đội cũ một thời vào sinh ra tử. Bà chia sẻ: “Tôi là người may mắn còn sống sót trở về, nhưng rất nhiều đồng đội đã nằm xuống hoặc đang phải sống trong hoàn cảnh khốn khó, bệnh tật, mất mát. Chính điều này đã thôi thúc tôi tìm cách kết nối các chiến sĩ Trường Sơn, cùng nhau giúp đỡ, động viên thông qua các tổ chức hội”.

Hiện tại, bà Nguyễn Thị Bình đang là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Trường Sơn Việt Nam, phụ trách khối các tỉnh Nam Bộ; Ủy viên thường vụ Ban Liên lạc Trường Sơn tại TPHCM… Nhờ sự góp sức của bà, Ban Liên lạc nữ chiến sĩ Trường Sơn đã được thành lập tại 8 tỉnh, thành với 15.000 hội viên, tổ chức các nhóm hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, đặc biệt thường xuyên thăm hỏi, trợ cấp suốt đời cho 15 nữ đồng đội khó khăn, mỗi tháng 500.000 đồng.

Bên cạnh đó, bà Bình đã có sáng kiến thành lập Câu lạc bộ Gia đình nữ doanh nhân Trường Sơn. Sau 3 năm hoạt động, câu lạc bộ đã phát triển vượt bậc, góp phần hỗ trợ các hoạt động tri ân liệt sĩ, xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm và quà cho hội viên nghèo.

Mới đây, nhân kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7), vợ chồng bà đã vận động xây nhà tình nghĩa cho một nữ cựu thanh niên xung phong tại xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Bà Bình tâm sự: “Nhìn những chiến sĩ năm xưa đang phải đối mặt với cảnh sống thiếu thốn, tôi không thể nào chịu được. Tôi mong, sự giúp đỡ nho nhỏ của mình sẽ giúp họ có cuộc sống tốt hơn”.

Ông Trần Minh Xiêm - Phó ban Liên lạc truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, TPHCM - chia sẻ: “Bà Nguyễn Thị Bình luôn sẵn sàng hỗ trợ những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ xây nhà, mua con giống để phát triển sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo. Dù địa bàn hoạt động rộng lớn, bà vẫn không ngại khó khăn, thường xuyên đến tận nơi để hiểu rõ tình hình kinh tế và đời sống của đồng đội, từ đó có hướng giúp đỡ phù hợp. Bà là tấm gương sáng về lòng thủy chung và nhân ái, không chỉ trong những năm tháng chiến tranh gian khổ mà cả khi trở về cuộc sống đời thường”.

Gần 10 năm làm công tác thiện nguyện hỗ trợ hơn 4 tỉ đồng

Từ năm 2015 đến nay, gia đình bà Nguyễn Thị Bình đã tích cực ủng hộ các chương trình nghệ thuật, triển lãm tranh Ký ức Trường Sơn, ra mắt sách Nữ chiến sĩ Trường Sơn ngày ấy, bây giờ, xây dựng “Bia lưu niệm đoạn đường hữu nghị Việt Nam - Cuba” và di tích lịch sử “Chỉ huy sở Bộ Tư lệnh 559”. Vợ chồng bà Bình cũng tham gia cứu trợ bão lụt, tặng quà cho thương binh, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam; tài trợ khám chữa bệnh miễn phí, giúp đỡ hội viên khó khăn, xây dựng nhà tình nghĩa cho hội viên nữ, ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19.

Trong cơn bão Yagi vừa qua, bà Bình đóng góp 30 triệu đồng vào quỹ Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam và 20 triệu đồng thông qua Ủy ban MTTQ TPHCM. Tổng giá trị tiền và vật chất mà gia đình bà đã tri ân và giúp đỡ, hỗ trợ đồng đội, đồng bào có hoàn cảnh khó khăn trong gần 10 năm qua đã hơn 4 tỉ đồng.

Với những đóng góp to lớn cho công tác nghĩa tình, bà Nguyễn Thị Bình được Thủ tướng Chính phủ trao tặng bằng khen năm 2022 nhân Đại hội đại biểu Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam lần thứ ba. Trong quá trình cống hiến, bà cũng đã nhận 9 bằng khen và 3 bằng vinh danh từ Trung ương Hội Truyền thống Trường Sơn Việt Nam; bằng khen từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Ngọc Trăm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI