Tam Kỳ là một thành phố bé xíu của tỉnh Quảng Nam, cách Đà Nẵng khoảng 65km và cách Hội An khoảng 45km. Muốn bay trực tiếp đến Tam Kỳ, bạn có thể chọn điểm đến là sân bay Chu Lai.
Thật sự Tam Kỳ chưa bao giờ nằm trong danh sách những điểm sẽ-đến/ sắp-đến/phải đến… của tôi. Chính lời rủ rê bất ngờ cùng sự tò mò đã đưa đường dẫn lối cho chúng tôi đến vùng đất này. Nào ngờ Tam Kỳ thật biết cách làm chúng tôi quyến luyến.
|
Một cụ bà đang giới thiệu đặc sản nước mắm của quê hương |
Theo tạp chí Kiến trúc, “với diện tích hơn 9.000ha trải dài từ tây sang đông, Tam Kỳ hưởng trọn ba dòng sông chảy qua như một hệ thống huyết mạch mạnh khỏe trong cơ thể. Sông Tam Kỳ hướng từ núi xuống biển. Hai dòng Bàn Thạch và Trường Giang chảy song song từ bắc sang nam rồi cùng hòa dòng chung chảy ra vịnh Kỳ Hà.
Hai hồ nước lớn là hồ Phú Ninh và hồ sông Đầm như hai lá phổi xanh tạo sự điều hòa nước và không khí cho thành phố. Không gian toàn đô thị tràn ra phía đông gặp bờ biển Tam Thanh”. Một mảng xanh trù phú từ sông, hồ, biển và rừng cây tạo ấn tượng mạnh mẽ trong tâm trí chúng tôi khi máy bay gần hạ cánh.
Thời tiết miền Trung vào mùa hè cực kỳ khó chịu. Vừa mở cửa xe, một làn hơi nóng phả vào mặt chúng tôi và cảm giác bình yên cũng cùng lúc ùa về. Đường sá ở đây thoáng, rộng, sạch sẽ, có lẽ nhờ lượng dân cư không quá đông đúc. Con người Tam Kỳ đôn hậu, hòa nhã. Kiến trúc nhà cửa, trường học, quán xá… và bản thân thành phố Tam Kỳ không có gì quá đặc biệt, ngoại trừ những quán ăn lâu đời với những món ngon tuyệt đỉnh nằm trên mặt đường lớn hay trong những con hẻm nhỏ sâu hun hút mà người địa phương gọi là “kiệt”.
|
Tam Tiến - chợ cá lớn và gần như là đầu mối hải sản ở khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng |
Nhưng rõ ràng, nơi đây là một điểm giao thú vị khi những con đường chạy khắp thành phố đều dẫn đến những địa danh hoang sơ xinh đẹp đến ngỡ ngàng. Đơn cử là làng bích họa Tam Thanh, hồ Phú Ninh, bãi sậy sông Đầm, chợ cá Tam Tiến, đảo Tam Hải… bên cạnh những địa danh quen thuộc như phố cổ Hội An, cù lao Chàm, thánh địa Mỹ Sơn.
Chính vì vậy, Tam Kỳ trong lòng tôi giống như một giấc mơ trưa. Những giấc mơ trưa thường không kéo dài, ít mộng mị. Mọi trải nghiệm chỉ xảy đến trong một khoảng thời gian rất ngắn nhưng êm đềm, trọn vẹn và cho ta năng lượng để tiếp tục sống, mơ, yêu, bước đi trong những ngày dài…
Tình yêu từ những bức bích họa
“Xuất hiện từ năm 2016, Tam Thanh là ngôi làng bích họa đầu tiên ở nước ta, sản phẩm của dự án giao lưu mỹ thuật cộng đồng Hàn Quốc - Việt Nam. Các họa sĩ hai nước đã “phù phép” cho bức tường cũ kỹ của hơn 100 ngôi nhà trong làng trở thành những bức tranh sinh động, độc đáo” - một bài giới thiệu trên báo mạng khiến chúng tôi rất háo hức.
|
Tam Thanh - làng bích họa đầu tiên của nước ta |
Làng Tam Thanh nằm ở vị trí đặc biệt. Nhìn từ trên cao (qua góc nhìn của… chiếc flycam), làng Tam Thanh là một dải đất nổi lên giữa hai phía mênh mông nước: một bên là sông và một bên là biển. Gần đây, làng còn có thêm một khu vực trưng bày những chiếc thuyền thúng có tranh vẽ sống động, bắt mắt. Chúng tôi cứ chạy xe dọc theo con đường chính trong làng, thấy nhà nào có tranh đẹp thì dừng lại xin phép chụp.
Người dân địa phương dễ thương lắm, thấy chúng tôi cứ vẫy tay bảo vào sân chụp ảnh thoải mái đi. Một bác lớn tuổi cười toe, bảo “tranh ni vẽ lòa để các chố chộp ẻn đóa!” (tranh này vẽ là để các cháu chụp ảnh đó!). Thời gian phù hợp để chụp ảnh ở làng bích họa Tam Thanh là khoảng 6 - 8g và 16 - 18g.
Trong làng Tam Thanh còn có những gia đình làm nước mắm truyền thống chỉ với hai nguyên liệu chính là cá cơm và muối. Bạn có thể thoải mái ghé thăm các nơi sản xuất nước mắm này. Vị nước mắm Tam Thanh mặn nhưng thanh. Thật sự những giọt nước mắm thuần tự nhiên như thế này mới cứu rỗi được chiếc lưỡi đã bị quá nhiều hóa chất làm cho lệch lạc hẳn đi. Nếu bạn muốn ở tại Tam Thanh, ở đây có một vài homestay xinh xắn nằm sát bãi biển.
Hồ trên núi
Phú Ninh - hồ nước nhân tạo được hình thành từ công trình thủy lợi Phú Ninh - là một thiên đường du lịch sinh thái vẫn còn rất ít người biết. Hồ Phú Ninh thuộc địa phận huyện Núi Thành và huyện Phú Ninh của tỉnh Quảng Nam, nằm cách trung tâm thành phố Tam Kỳ khoảng 7km về phía tây.
Hồ Phú Ninh được ví như một vịnh Hạ Long thu nhỏ với những bãi bồi, đảo nổi đẹp thơ mộng. Mặt hồ xanh ngắt, phẳng lặng như một tấm gương lớn phản chiếu bóng mây thênh thang và rừng cây rộng lớn. Thời gian thích hợp nhất để hòa vào thiên nhiên là sáng sớm hoặc xế chiều. Tại đây, bạn có thể đi thuyền dạo chơi trên hồ, trải nghiệm zipline, đạp xe đạp, uống cà phê, cắm trại bên bờ hồ…
Ngàn năm lau sậy
Bãi sậy sông Đầm là một vùng đầm nước rộng lớn với diện tích tự nhiên hơn 180ha, điều kiện tự nhiên phong phú, thảm thực vật, hệ động vật đa dạng, cá tôm, chim muông, lau sậy, cói, sen… hòa quyện, tạo nên vẻ đẹp nguyên sơ. Đến đây bạn có thể thuê thuyền của người dân địa phương để đi sâu vào bãi sậy. Vào những buổi hoàng hôn, ánh sáng huyền diệu sẽ cho bạn những bức ảnh tuyệt vời.
Đi xem chợ cá
4g30, khi mặt trời vẫn còn ngái ngủ, người dân làng chài đã tập trung đông đủ ở chợ cá Tam Tiến.
Chú L. - một trong những trưởng lão của làng chài - kể với chúng tôi: “Hồi trước ấp chỉ có 11, bây giờ đến hơn 700 hộ dân sinh sống tại làng chài”. Những chiếc thuyền đi đánh cá từ đêm hôm trước đã xếp hàng dài đợi người nhà bơi thuyền thúng ra chở theo những mẻ cá tươi ngon cùng niềm vui rộn ràng của một chuyến ra khơi suôn sẻ.
|
Chợ cá Tam Tiến buổi sớm |
Chợ cá Tam Tiến thuộc huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam là chợ cá lớn và gần như là đầu mối hải sản ở khu vực Đà Nẵng - Quảng Nam. Trời chưa hửng sáng, bãi biển đã tấp nập, được lấp đầy bằng đủ mọi sắc màu và âm thanh huyên náo. Người ta bắt đầu phân loại cá vào từng rổ/ thùng hoặc trải đầy trên những tấm bạt lớn. Mối lái đã có mặt sẵn để thu mua.
|
Ngư dân đang phơi cá tại chợ cá Tam Tiến |
Hoạt động mua bán diễn ra nhanh chóng vì mọi người đều quen mặt nhau, biết giá cả. Đến tầm gần 7g, chợ tan gần hết, trả lại bãi biển vắng vẻ cho những đợt sóng lô xô.
Hòn đảo vô vàn điều thú vị
Từ trung tâm thành phố Tam Kỳ, chúng tôi chạy xe máy khoảng 45 phút dọc theo đường biển ra đến bến phà Tam Hải, đón chuyến phà vào buổi xế chiều, băng qua sông Trường Giang để đến bờ bên kia là đảo Tam Hải - một hòn đảo nhỏ xinh đẹp thuộc huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, hiện vẫn còn rất ít người biết đến. Ánh mặt trời lấp loáng trên mặt sông và trên gương mặt của những người lao động trên cùng chuyến phà.
Cứ mỗi 15 phút đến nửa tiếng sẽ có một chuyến phà. Ở đây có hai nghề chính là hái rau mơ (một loại rong biển) và đánh bắt cá chuồn. Nghề nào cũng đòi hỏi phải có sức khỏe bền bỉ để dãi nắng dầm mưa, chưa kể vào những ngày biển động thường rất nguy hiểm.
|
Những bức tranh sinh động trên tường nhà cũ kỹ |
Đặt chân lên đảo, chúng tôi như tách biệt khỏi sự rộn rã của một vùng đô thị đang trên đà phát triển và trở về với những giá trị cốt lõi đơn thuần, hồn nhiên nhất của cảnh vật và con người. Chúng tôi chạy xe máy dọc con đường chính ôm quanh đảo. Chạy một lúc, xe vào đến làng bích họa Tam Hải.
Cách đây khoảng một năm, những ngôi nhà trong làng vừa được tô điểm bởi những bức tranh mang đậm màu sắc đại dương với hình các loại sinh vật biển và ngư dân trong sinh hoạt đời thường. Nếu bạn từng yêu mến những bức tranh vẽ trên tường nhà dân tại làng bích họa Tam Thanh thì làng bích họa Tam Hải càng khiến bạn thương mến hơn. Mật độ tranh tuy không quá dày nhưng lại nối tiếp nhau trên một con đường nhỏ dẫn ra biển tạo nên một tổng thể hài hòa.
Bạn vừa ngắm tranh; vừa ngửi mùi biển; vừa nghe tiếng sóng, tiếng gió, giọng Quảng đặc sệt; vừa chạm tay vào những vật thể hữu hình. Tất cả giác quan cùng lúc được đánh thức. Lúc này, bạn sẽ được đắm chìm trong một không gian nghệ thuật thật sự, một thứ nghệ thuật đặc sắc có lẫn mùi “đời”.
Người dân trên đảo thân thiện và hiền lành. Phía cuối con đường bích họa là bãi biển phẳng lặng, nơi người dân phơi rau mơ, tắm biển... Khung cảnh lãng mạn hiện ra trước mắt chúng tôi khi mặt trời buông lơi sau những đám mây, kéo tấm rèm ánh sáng xuống thấp và dịu dần.
Sáng hôm sau, chúng tôi thuê thuyền theo chân các cô chú đi hái rong. Hôm sau nữa, chúng tôi lại lên thuyền ra khu vực có nhiều san hô, lặn biển chừng một tiếng rồi vào hòn Mang tắm biển.
Nước biển trong veo như soi thấu tuổi trẻ của chúng tôi.
Lê Ngọc
Đến Tam Kỳ đừng nên bỏ qua
• Cơm gà bà Luận (707 Phan Châu Trinh): Tuy hơi đắt nhưng món ăn ngon, sạch sẽ. Thích hợp ăn theo nhóm từ 4 người trở lên.
• Mì Quảng Cây Mít (bà Láng) - đường Lê Thánh Tông, gần tượng Mẹ Thứ: sợi mì được tráng tay, ăn tới đâu tráng tới đó.
• Nem nướng Ngọc (19 Tôn Đức Thắng): ở đây đặc biệt có nem bò
thơm lừng.
• Mít hông bà Nam (25 Hoàng Diệu): “hông” nghĩa là “hấp”. Hạt mít và đậu xanh hấp chín, xay nhuyễn, trộn gia vị, nhồi vào những múi mít và hấp thêm lần nữa, ăn kèm với đậu phộng rang và cơm dừa nạo rất lạ miệng.
• Bánh bèo bà Hai (kiệt 265 Trần Cao Vân): bột bánh tự ngâm, xay bằng cối đá. Quán mở sáng sớm tầm 5 - 6g. Quán nằm sâu trong hẻm nên muốn đến đây, bạn hãy hỏi người dân nhé.
|
Bánh bèo Bà Hai - một địa chỉ không thể bỏ qua khi đến Tam Kỳ |
• Bún chả cá Thanh Thủy (108 Huỳnh Thúc Kháng): nước dùng nấu từ xương cá, bí đỏ. Bún ăn kèm với chả cá dứa, măng, bắp cải, đồ chua, rau sống, mắm tôm.
• Bánh rôm, bánh chập (góc đường Nguyễn Trường Tộ - Trần Đình Tri): bánh chập chính là bánh đập, gồm có một lớp bánh tráng nướng giòn tan và một lớp bánh ướt dày “chập” vào nhau. Bánh rôm là một phiên bản khác của bánh chập với lớp bánh ướt cuộn lấy lớp bánh tráng. Cả hai món này đều ăn kèm với mắm nêm thơm phức.
• Chè Hồng Linh (155 Huỳnh Thúc Kháng): quán chè lâu đời với nhiều loại, đặc biệt là chè thập cẩm thơm ngon.
• Cháo vịt (464 Hùng Vương): quán bán buổi tối, thịt vịt chắc ngọt, đĩa gỏi với bắp cải được xắt nhuyễn đẹp mắt.
• Bột báng cô Hà (đường Thanh Hóa, gần ra tới đường Phan Chu Trinh): Những tưởng bột báng chỉ dùng để nấu các loại chè nhưng ở Tam Kỳ có một món ăn đặc biệt là xúp bột báng với phần nước dùng từ xương heo và hải sản. Quán bán từ 15 - 16g.
• Bánh đúc (594 Phan Chu Trinh): gánh hàng rong bán vào buổi trưa, chiều, có bánh bèo và bánh đúc. Bánh đúc Tam Kỳ đặc biệt được làm từ gạo lứt nên có màu đỏ, ăn kèm với mắm nêm.
|