Tâm huyết của những người Việt xa xứ nặng lòng với quê hương

01/02/2023 - 06:06

PNO - Dù sinh sống ở quốc gia, vùng lãnh thổ nào, kiều bào Việt Nam đều luôn hướng về Tổ quốc, mong muốn được đóng góp thật nhiều cho sự giàu mạnh của đất nước. Họ trăn trở điều gì trong những ngày đầu năm Quý Mão này?

Nặng lòng với quê hương

5 năm trở về trước, các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Tháp phải mất 90 phút để hoàn thành ca phẫu thuật nội soi nhưng kể từ năm 2018, họ chỉ cần 15-30 phút. Đó là nhờ họ được tham gia khóa đào tạo ngắn hạn ở Đài Loan (Trung Quốc) mà người kết nối là bà Ngô Phẩm Trân. 

Bà Đinh Thị Phương Thảo (trái) - Phó chủ nhiệu Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM - trao Huy hiệu TPHCM do UBND thành phố trao tặng cho bà Ngô Phẩm Trân vì có những đóng góp cho sự phát triển của thành phố
Bà Đinh Thị Phương Thảo (trái) - Phó chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM - trao Huy hiệu TPHCM do UBND thành phố trao tặng cho bà Ngô Phẩm Trân vì có những đóng góp cho sự phát triển của thành phố

26 năm trước, bà Ngô Phẩm Trân sang Đài Loan du học, ở lại làm việc cho Bộ Văn hóa Đài Loan. Theo bà, thời điểm này, phần lớn người Việt ở Đài Loan là phụ nữ lấy chồng rồi di cư theo chồng. Họ có những bất đồng ngôn ngữ, tập quán, văn hóa với người bản xứ, từ đó xảy ra mâu thuẫn nhưng không biết nhờ ai tư vấn, giải quyết. Bà đã ra mắt Tạp chí Quê Hương để tư vấn cách thích nghi, giới thiệu chỗ làm, phúc lợi dành cho người Việt ở Đài Loan… 

Bà còn hỗ trợ sinh viên Việt Nam sang Đài Loan du học, kết nối các chương trình nâng cao tay nghề cho kỹ sư, cử nhân Việt Nam. Năm 2016, Đài Loan ban hành chính sách “tân hướng nam” nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Đông Nam Á. Nhân cơ hội này, bà Ngô Phẩm Trân thành lập Hiệp hội Phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục Đài - Việt, xúc tiến nhiều chương trình hợp tác, đưa doanh nhân Đài Loan sang Việt Nam đầu tư, mở rộng thị trường. 

Hơn 20 năm trước, ông Võ Thành Đăng sang New Zealand du học, sau đó sống và làm việc ở Singapore. Câu nói của vị sếp tập đoàn nơi ông làm việc khiến ông trăn trở: “Ở đây, dù thành công, bạn cũng không là ai cả nhưng nếu về Việt Nam, bạn có thể là một ai đó”. Năm 2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tập đoàn của Singapore mở chi nhánh ở Việt Nam. Ông Võ Thành Đăng đã quyết định về nước làm việc. 

Ông Võ Thành Đăng
Ông Võ Thành Đăng

Không lâu sau, ông giữ chức Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài. Trong cương vị của mình ở hiệp hội, ông đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá sản phẩm với thế giới, gần đây nhất là đưa nước đông trùng hạ thảo đến với thị trường Mỹ, Canada thông qua kênh thương mại điện tử Amazon. Ông cũng kết nối các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Năm 2006, đang là chuyên gia về an toàn thực phẩm, làm việc cho Phòng Thí nghiệm quốc gia Mỹ, ông Bùi Xuân Hoàng Henry - khi đó đã định cư ở Mỹ 30 năm - đọc được một bài báo ở Việt Nam viết về ô nhiễm nước sinh hoạt. Bài báo khiến ông rất trăn trở. Năm 2007, ông bỏ lại tất cả, trở về Việt Nam lập Trung tâm Phân tích Hoàn Vũ - một đơn vị kiểm thử chất lượng hàng xuất cảng mà kết quả kiểm định được công nhận toàn cầu. 

Ông Bùi Xuân Hoàng Henry tại trụ sở trung tâm kiểm thử Hoàn Vũ do ông sáng lập
Ông Bùi Xuân Hoàng Henry tại trụ sở trung tâm kiểm thử Hoàn Vũ do ông sáng lập

Theo ông Henry, bấy giờ, Việt Nam chỉ mới chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng các nước tiên tiến đã quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc, quá trình sản xuất sản phẩm. Đây là lý do khiến nhiều lô hàng không được xuất cảng hoặc khi đến các thị trường khó tính thì bị trả về hoặc phải tiêu hủy. Ông Henry đã tư vấn cho doanh nghiệp cách làm để hàng đạt chuẩn, giúp hàng ngàn container xuất cảng thành công. Ông còn đến các nông trường gặp gỡ nông dân, hướng dẫn cách canh tác để sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu từ các thị trường khó tính.

Khi nói về trái tim của kiều bào khắp thế giới dành cho nước nhà, ông Trần Bá Phúc - Việt kiều Úc - khẳng định: “Dù ở đâu, họ vẫn một tấm lòng khao khát, sẵn sàng làm gì đó cho quê hương”.

Ông kể, nhiều chương trình thiện nguyện trong nước được kiều bào khắp nơi hưởng ứng. Cộng đồng người Việt ở Úc cũng từng đóng góp xây trường học ở quần đảo Trường Sa và một số cây cầu cho các địa phương ở Việt Nam. Trong đại dịch COVID-19, kiều bào khắp nơi đã ủng hộ tiền để duy trì các bữa cơm 0 đồng, siêu thị 0 đồng.

Trăn trở về hạ tầng, nhân lực, vốn

Là người “siêng” đề xuất giải pháp trong các buổi gặp gỡ lãnh đạo TPHCM, ông Võ Thành Đăng đúc kết: “Cần tạo cơ chế để mọi kiều bào đều có thể gõ cửa các cơ quan, ban ngành để đề xuất ý tưởng”. Ông cũng cho rằng, chính quyền TPHCM cần tổ chức nhiều hoạt động lắng nghe kiều bào phản biện, góp ý, qua đó tận dụng được kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm và kỹ năng của kiều bào. 

Bà Lê Thị Mỹ Châu - Việt kiều Mỹ - trao quà tặng cho bà con nghèo tại Việt Nam
Bà Lê Thị Mỹ Châu - Việt kiều Mỹ - trao quà tặng cho bà con nghèo tại Việt Nam

Ông nói: “Tôi mong chính quyền TPHCM lập ban cố vấn gồm nhiều kiều bào về xây dựng và phát triển thương hiệu cho những sản phẩm mà chính quyền thành phố hướng đến”. Theo ông, thương hiệu của TPHCM sẽ trở thành sức mạnh, lực hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài và cần bắt đầu với các sản phẩm đậm tính địa phương như du lịch, ẩm thực. Ông nói: “Một vấn đề mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hàng đầu là thoái vốn ra sao. Do đó, chính sách này cần rõ ràng, minh bạch, thuận lợi”. 

Theo ông Trần Bá Quốc, chính cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng là thị trường lớn. Ông kể, năm 2022, ông và bạn bè đã đưa một lượng lớn hàng Việt Nam vào thị trường bán lẻ ở Úc. Thoạt đầu, ông lo rằng người Việt sẽ không đánh giá cao hoặc không cảm nhận được “tính quê hương” của hàng hóa trong nước nhưng không ngờ, các lô hàng nhanh chóng hết sạch, phải đặt thêm. Để mặt hàng trong nước vươn xa, theo ông, TPHCM nên có các trung tâm xúc tiến, phối hợp nước sở tại đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, sản phẩm đặc trưng.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cùng lãnh đạo thành phố gặp gỡ bà con kiều bào dịp tết Quý Mão 2023 - ẢNH: VIỆT DŨNG
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cùng lãnh đạo thành phố gặp gỡ bà con kiều bào dịp tết Quý Mão 2023 - Ảnh: Việt Dũng

Quan tâm đến nguồn đầu tư nước ngoài (FDI), ông Steve Bùi - Chủ tịch Tập đoàn Delta E&C - khẳng định, TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung đang có những chính sách cởi mở so với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là đang có làn sóng chuyển dịch đầu tư từ các nước đến Việt Nam: “Đây là cơ hội lớn cho TPHCM và các tỉnh lân cận”. Dù vậy, theo ông, hạ tầng đang là điểm nghẽn lớn khiến doanh nghiệp FDI ngần ngại. 

Bà Ngô Phẩm Trân cũng nhận định, Việt Nam đang trên đà phát triển và nằm trong số các quốc gia có hiệp định thương mại tự do nhiều nhất thế giới. TPHCM nói riêng cần trân trọng giai đoạn này, tận dụng dòng chuyển dịch đầu tư. Do đó, chính quyền thành phố cần tập trung khắc phục các hạn chế để thu hút FDI.

Thông qua quỹ học bổng mang tên chồng (Võ Tá Hân), bà Lê Thị Mỹ Châu - Việt kiều Mỹ - đã trao hàng ngàn suất học bổng cho học sinh khó khăn và quà tặng cho bà con nghèo trên khắp mọi miền đất nước
Thông qua quỹ học bổng mang tên chồng (Võ Tá Hân), bà Lê Thị Mỹ Châu - Việt kiều Mỹ - đã trao hàng ngàn suất học bổng cho học sinh khó khăn và quà tặng cho bà con nghèo trên khắp mọi miền đất nước

Theo bà, nhân lực là điểm hạn chế lớn nhất của Việt Nam: “Doanh nghiệp FDI thường chỉ mang dàn nhân sự cấp cao sang Việt Nam, còn lại là người tại chỗ. Nhưng trong thời gian qua, nhân lực tại chỗ chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư”. Thông qua hiệp hội của bà, dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2023, sẽ có 3 tập đoàn FDI làm lễ động thổ tại TPHCM nhưng 1 doanh nghiệp khác lại có ý định rút nhà máy khỏi 1 địa phương do khó tuyển được nhân sự. Bà cho rằng, Việt Nam nói chung cần một chiến lược cụ thể về đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhất là lĩnh vực công nghệ cao.

Ông Henry cho hay, Hoàn Vũ là một trong số ít đơn vị kiểm thử ở Đông Nam Á cho kết quả được công nhận toàn cầu, trong khi ở các quốc gia phát triển, có rất nhiều đơn vị như vậy: “Nói vậy để thấy, chúng ta cần chú trọng đào tạo hoặc thu hút chuyên gia, nhà khoa học song song với đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cao”.

Ông Nguyễn Hồ Hải (Phó bí thư Thành ủy TPHCM): Tiếp tục có chính sách mới đãi ngộ kiều bào đóng góp cho quê hương

Dù sống xa quê hương, cộng đồng kiều bào luôn hướng về Tổ quốc, cội nguồn bằng tinh thần yêu nước, bằng việc gìn giữ truyền thống văn hóa, đóng góp về trí lực, tài lực, vật lực. Trân trọng đóng góp đó, hằng năm, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đều có những hoạt động, chương trình hướng về họ. 

Ông Nguyễn Hồ Hải
Ông Nguyễn Hồ Hải

Trong những năm qua, chính quyền TPHCM liên tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các chính sách dành cho kiều bào nhằm thu hút, tạo điều kiện về thủ tục đầu tư, làm ăn, sinh sống. Qua đó, đã có hơn 400 chuyên gia, trí thức kiều bào về làm việc dài hạn, gần 200 trí thức hợp tác trực tiếp với các trường đại học, khu công nghệ cao, bệnh viện. Đã có gần 3.000 công ty có vốn của kiều bào được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với tổng vốn điều lệ hơn 45.000 tỉ đồng. 

Mỗi năm, có khoảng 30.000 người Việt trẻ ở nước ngoài về thăm quê, tìm cơ hội kinh doanh bằng các dự án khởi nghiệp ở TPHCM. Đặc biệt, có khá nhiều dự án xuất phát từ ý tưởng khởi nghiệp của các kiều bào trẻ tuổi về nước từ các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Pháp, Canada, Úc… 

Đảng và Nhà nước ta đánh giá cao sự quan tâm, đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, con em kiều bào nói riêng, xác định đây là nguồn lực lớn, quý giá. Đảng bộ, chính quyền TPHCM cũng luôn ghi nhận, trân trọng những đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là thế hệ kiều bào trẻ, xem đây là vốn quý góp phần xây dựng, phát triển thành phố trong thời cách mạng công nghiệp mạnh mẽ như hiện nay. Tôi tin rằng, mỗi người Việt, dù ở đâu, cũng đều tâm huyết, hướng về quê hương.

Với những quan điểm như trên, Đảng bộ, chính quyền TPHCM sẽ tiếp tục có những chính sách mới để thu hút, đãi ngộ kiều bào nhằm góp phần phát triển thành phố cũng như giúp nhân dân trên thế giới hiểu hơn về TPHCM nói riêng, về đất nước, con người Việt Nam nói chung.

Hướng con, cháu kiều bào về nguồn cội Việt

Hiện đang có hơn 5,3 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc ở hơn 130 quốc gia, vùng lãnh thổ. Làm sao thu hút thế hệ con cháu của kiều bào - vốn sinh trưởng, thụ hưởng nền giáo dục tiên tiến - tiếp tục hướng về quê hương, nguồn cội là trăn trở của những kiều bào tâm huyết.

Cần có chính sách, hoạt động tập hợp

Đài Loan hiện có hơn 20.000 cô dâu Việt, nếu mỗi gia đình có 2 con thì thế hệ thứ hai là lực lượng rất lớn. Giờ đây, thế hệ này đã học trên đại học. Theo tôi biết, đây là thế hệ đang rất được chính quyền lãnh thổ Đài Loan “để mắt”. Thẳng thắn thừa nhận là, thế hệ này không có nhiều hiểu biết hay sự gắn kết với Việt Nam như cha mẹ họ, nhưng vẫn có rất nhiều cháu trăn trở về cội nguồn, yêu Việt Nam, xác định sẽ làm điều gì đó cho Việt Nam.

Để tập hợp nguồn lực từ các thế hệ tiếp theo của kiều bào, theo tôi, nên tiếp cận bằng chính sách và hoạt động. Nhà nước cần thành lập tổ chức nhằm kết nối giữa Việt Nam và hội người Việt Nam ở các nước, qua đó tổ chức cho các cháu tham gia các hoạt động về nguồn. Song song đó, có các chương trình quảng bá Việt Nam. Tôi nhớ Đài Loan đã thành công trong việc quảng bá hình ảnh ra thế giới bằng bộ phim Đời sống chợ đêm. Chúng ta cũng có thể làm những bộ phim hoặc chương trình để quảng bá các giá trị như vậy, sau đó phối hợp phát sóng ở các quốc gia. 

 Ngô Phẩm Trân (Đài Loan, Trung Quốc)

Họ cần được hiểu và đối đãi phù hợp

Rất nhiều bạn trẻ gốc Việt có khát vọng tìm hiểu về quê cha, đất mẹ. Họ muốn đóng góp cho quê hương của ông bà mình. Nhiều bạn trẻ đã về Việt Nam, tình nguyện đến các vùng sâu, vùng xa hỗ trợ phát triển các sản phẩm địa phương. Với góc nhìn của người đã sống ở nước ngoài, họ luôn tìm kiếm điều đặc biệt, tạo ra sự độc đáo cho sản phẩm địa phương.

Là nguồn lực lớn và nguồn chất xám có thể chảy ngược về Việt Nam, họ cũng cần sự thấu hiểu để từ đó có các chính sách hỗ trợ lẫn “đối đãi” phù hợp bởi họ sinh ra, lớn lên ở nước ngoài, đã quen với cơ chế hoàn toàn khác và có thể gặp khó khăn khi hiện thực hóa dự án ở Việt Nam. 

Ông Võ Thành Đăng (Singapore)

Kiều bào vận động, kết nối để con cháu trở về 

Thế hệ con em kiều bào là đội ngũ giỏi, nhất là về khoa học công nghệ. Kiều bào là mắt xích lớn có thể giúp kết nối, đưa con, cháu mình về đóng góp cho quê hương. Làm sao để thu hút được họ?

Theo tôi, ngoài chính sách thu hút, đãi ngộ, cần có chính sách kích thích niềm khao khát được cống hiến cho quê hương. Tôi biết 1 bạn tiến sĩ con em kiều bào, là 1 trong 12 cá nhân được chọn lọc trên toàn cầu để tham gia chương trình giải pháp điều trị đứng tim. Bạn này cho biết, sẵn sàng thành lập một phân viện thuộc Trường đại học Stanford ở Việt Nam, sau Nhật, Singapore và Úc. Theo tôi, trước mắt, Chính phủ cần coi thế hệ kiều bào thứ nhất như mắt xích quan trọng trong việc vận động, kết nối con em về xây dựng đất nước. 

Ông Bùi Xuân Hoàng Henry (Mỹ)

Phong Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI