|
Từ 17g ngày 24/3, hàng loạt quán nhậu ở TPHCM tạm đóng cửa theo chỉ đạo của UBND thành phố |
Không đóng cửa thì nợ chồng nợ
Mỗi ngày, trong Hội Kinh doanh quán cà phê đều tràn ngập thở than: “Tình hình các bạn sao rồi, quán mình vắng tanh. Mình ở Sài Gòn, quận Tân Phú”.
Tức thì các miền đáp trả: “Me too, khu công nghiệp Bình Chánh”. “Sáng giờ 3 ly”. “Sáng giờ 1 lon nước ngọt”. “Cần Thơ cũng đang ngáp ngáp đây”…
Đó là những người đang cầm cự kinh doanh mùa dịch COVID-19. Còn những người đã gác ly, treo bảng thì sao? Mùa này, bạn có thể thấy lời rao sang quán, bán máy pha cà phê, thanh lý ghế bàn quầy kệ quán ăn ở bất cứ đâu: trên bảng hiệu, tường nhà, hay Facebook, Zalo, Instagram… Họ buộc phải giải nghệ vì ế ẩm hoặc tạm ngừng kinh doanh để “ngồi yên khi Tổ quốc cần”, không tụ tập đông người.
Chiều 24/3, ngay sau khi có thông báo tạm dừng các dịch vụ ăn uống, làm đẹp, phòng gym quy mô trên 30 người, hàng loạt chủ cơ sở lên mạng xã hội chào mời sang quán, bán máy móc với giá thấp hơn trước. Tháo chạy để tránh dịch, “né” tiền mặt bằng và chi phí nhân viên là tâm lý chung của các cơ sở kinh doanh. Tình trạng này phổ biến hơn từ sau thông tin quán bar Buddha tại quận 2 thành điểm lây nhiễm cho hàng loạt khách và một nhân viên phục vụ.
Người quản lý của một quán nhậu 50 bàn trên đường Trường Sa, quận Tân Bình gửi nhân viên thông báo đóng cửa kèm lời nhắn vui: “Có thể chỉ còn 2 tiếng bên nhau. Ai nói gì với nhau thì nói. Biết đâu phải hẹn gặp vào năm 2021”. Tuy vậy, theo khảo sát của chúng tôi, vào thời điểm 19-20g, các quán nhậu trên 50 ghế vẫn sáng đèn cùng tiếng zô zô, do việc thông báo bất ngờ, cả khách lẫn chủ đều trở tay không kịp. Nhiều nhân viên cho biết, họ chưa hề nghe tin này nên cũng chưa lo mất việc.
Anh T.V.L, người có cổ phần chính của một nhà hàng bia Tiệp trên đường Pasteur cho biết, từ đầu mùa dịch, nhà hàng duy trì mỗi ngày khoảng 200 khách. Nghe thì “đỡ” hơn các nơi khác, nhưng chỉ tạm hòa vốn, vì chi phí mặt bằng quá cao. Nay, nếu nhà hàng của anh L. ngừng hoạt động, chi phí mặt bằng vẫn phải trả, không biết các nhân viên sẽ đi đâu về đâu nếu thất nghiệp.
Mặc dù các dịch vụ tại TPHCM theo thông báo chỉ đóng cửa hết tháng Ba, tức bảy ngày, nhưng nhiều chủ quán dự đoán dịch này sẽ kéo dài ít nhất bốn tháng nữa. Sau đó, tâm lý khách ngại lui tới nơi công cộng có thể kéo dài tới hết năm, việc khởi động kinh doanh, kéo trở lại sẽ rất khó khăn. “Nuôi” mặt bằng và nhân viên thêm 5-6 tháng nữa là việc mạo hiểm.
Tính thêm thời điểm trước Tết, khi Nghị định 100 cấm người có cồn trong máu điều khiển phương tiện giao thông, các nhà hàng, quán nhậu đã vất vả cầm cự và “ngấm đòn” ế khách, đóng cửa vào thời điểm này cũng một giải pháp cắt lỗ. Lực lượng thiệt thòi nhất vì mất việc trong nháy mắt chính là đội ngũ phục vụ.
|
Quán ăn ở quận Thủ Đức treo biển nghỉ đến hết ngày 31/3 theo chỉ đạo của UBND TPHCM |
Chuyển sang “take away”, giao tận nhà
Chị Trang Phạm, một người kinh doanh cà phê vừa đóng quán để phòng dịch COVID-19 chia sẻ: “Đang ngồi trong nhà như lời bác Thủ tướng dặn thì nghe tiếng gọi của khách quen. Chú nói: “Con nghỉ quán chú lấy cà phê đâu uống đây. Bụng chú uống không quen mấy chỗ khác, chỉ uống được cà phê của tụi con thôi”. Chị Trang chia sẻ với Hội Kinh doanh cà phê rằng, khách cà phê đã uống của quán nào thì quen luôn vị quán đó, rất khó đổi. Nắm được tâm lý này, các quán nên mở rộng bán online, tổ chức giao hàng tận nơi chu đáo.
Chuyển đổi hình thức kinh doanh để tồn tại là việc sống còn của nhiều thương hiệu. Từ đầu tuần này, hàng loạt quán cà phê Milano đã kéo cửa, chỉ đẩy ra đường kệ gỗ để bán dạng mang đi. Dịch vụ trực tuyến của các thương hiệu lớn như Aeon, Vinmart, MeatDeli hay các nhà kinh doanh online nhỏ lẻ… liên tục tiếp cận khách hàng trên Facebook.
Cũng trong chiều 23/4, điện thoại của khách hàng thân thiết liên tục rung lên với các tin nhắn mời đặt hàng để được giao tận nơi của các nhà hàng như Yen Shushi, Sake Pub, Annam Group… Nhà hàng Marriott của Sheraton Sài Gòn giảm 30% cho khách đặt hàng online.
Trong mùa dịch, khủng hoảng của nhóm ngành này có khi lại là cơ hội của nhóm ngành khác. Các cơ sở cung cấp thùng giữ nhiệt, túi xách, hộp xốp, bao bì nhựa, bao bì giấy, ly giấy, ly nhựa, ống hút… tăng cường chào mời. Các dịch vụ giao hàng cũng tuyển thêm nhân viên và đưa ra các sáng kiến trong giao nhận. Grab cam kết sẽ bảo đảm an toàn cho khách như giao hàng không tiếp xúc, huấn luyện nhân viên đứng cách xa khách giao nhận hơn 2m. Lazada không nhận hàng trực tiếp mà qua vật trung gian như tủ khóa thông minh tại khu dân cư…
Như vậy, tới thời điểm này, hàng quán dịch vụ ăn uống quy mô nhỏ, công suất dưới 30 khách vẫn được phép hoạt động. Đây có thể là bước thứ nhất trước khi sang bước tiếp theo là đóng cửa hầu hết các dịch vụ có tính chất tập trung đông người, dễ lây nhiễm. Nhưng chắc chắn chính quyền sẽ tính toán kỹ lưỡng để chỉ ngưng hoạt động ở các nhóm ngành dịch vụ không quá xáo trộn xã hội. Ít nhất trong bảy ngày tới, khách sẽ dồn sang tiêu dùng tại các hàng quán quy mô nhỏ.
Hoàng Hương