Tấm hình đặc biệt của "bốn đời trưởng nữ"

23/12/2020 - 05:02

PNO - Gia đình tôi có đến bốn người là trưởng nữ. Ba trong chúng tôi còn có điểm chung thú vị: đều sinh con gái đầu lòng ở tuổi 23.

Phụ nữ thường lo toan, thu vén khéo, nên khi sinh con đầu là gái, người ta hay thốt lên: “Nhàn rồi đây!”. "Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng", quả thật vai trưởng nữ trong nhà vô cùng quan trọng. 

Con gái thì “hay lam hay làm”, lại hiếm khi phá nghịch nên mới có câu “tứ nữ bất bần”. Thử nghĩ mà xem, nếu gia đình nào sinh tới đôi, ba, thậm chí bốn cô con gái, ai cũng chăm làm, thu vén thì cửa nhà yên ả, của nả... không phải lo.

Bà ngoại tôi, bà Đỗ Thị Hòa, sinh tại làng Đình Dù, xã Đình Dù (Văn Lâm, Hưng Yên) năm nay 94 tuổi. Bố bà ốm và ra đi khi mẹ bà (tức kỵ ngoại của tôi) còn trẻ, nên bà không chỉ là trưởng nữ, mà còn là đứa con duy nhất của kỵ ngoại.

Kỵ ngoại tôi ở vậy nuôi bà và do chỉ có một mụn con, nên kỵ ngoại dồn tiền cho bà đi học. Trong làng, bà là người phụ nữ duy nhất biết chữ nho. Hàng ngày, bà đi bộ 7km sang làng Thanh Đặng học lớp chữ nho của cụ đồ Kiều Trung Khác (mối duyên của thế hệ sau khiến cụ đồ Khác lại thành cụ nội tôi).

Bà ngoại tôi giỏi giang, tư chất thông thái, khó ai "bắt nạt" được. Bà thuộc nhiều thơ văn và "giỏi lý lẽ". Năm 23 tuổi bà ngoại sinh mẹ tôi - Trịnh Thị Hiền. Sau này mẹ trở thành cô giáo dạy Sử.

Mẹ tôi không lý lẽ nhiều như bà ngoại. Mẹ tên Hiền và cũng rất hiền. Là chị cả của 6 đứa em lít nhít, mẹ thường giành làm mọi việc, nhường ăn nhịn mặc cho các em.

Hằng ngày, mẹ tôi dậy từ 4 giờ sáng cùng bà ngoại đi hái rau, gồng gánh ra chợ làng bán. Khi mẹ lớn lên, bà ngoại gả mẹ cho cháu trai đích tôn của cụ đồ Kiều Trung Khác ở làng Thanh Đặng.

Năm mẹ 23 tuổi, bà sinh ra tôi. Tôi là trưởng nữ trong gia đình họ Kiều và dưới tôi có hai em gái. Tôi giống mẹ nên tảo tần thu vén, biết đi cắt cỏ, nhặt lá về nấu bếp, biết gặt lúa, phơi rơm, quấy bột, giã gạo, ẵm em... đủ cả. Ngoài ra, tôi ham đọc sách từ nhỏ, điểm này giống bố tôi, và sau này tôi làm nghề viết báo, viết văn.

Tôi cũng yêu sớm rồi về nhà chồng sớm. Năm 23 tuổi, tôi sinh con gái - một trưởng nữ. Cả nhà trầm trồ: “Ồ, có trưởng nữ rồi! Nhà ta có truyền thống trưởng nữ!”.

Con gái tôi thuộc lứa 9X, tuy không nặng gánh nuôi em và phải sớm chung tay làm kinh tế gia đình như thế hệ của mẹ, bà, cụ ngoại, nhưng con biết dạy bảo em gái, biết yêu thương và nhường nhịn, biết lo toan và chỉn chu việc nhà, biết để ý quan tâm người trong gia đình...

Con gái tôi tới nay chưa thành hôn. Sự trùng hợp ngẫu nhiên của 3 thế hệ trưởng nữ (đều sinh con đầu lòng năm 23 tuổi) tới con đã... phá lệ. Nhưng sự tiếp nối 4 thế hệ trưởng nữ trong gia đình xứng đáng để chúng tôi tự hào, trân quý.

Bốn đời trưởng nữ của gia đình chúng tôi: bà ngoại, mẹ tôi, tôi và con gái

Bốn đời Trưởng Nữ

Vào một ngày mùa đông đẹp trời năm 2020, khi đến thăm bà ngoại, tôi nảy ra ý định bất ngờ: lưu giữ hình ảnh bốn thế hệ trưởng nữ. Bà tôi năm nay 94 tuổi, chân đã yếu nên bà ngại bước ra khỏi căn nhà gỗ ấm áp.

Thật may, hôm đó bà ngoại nghe lời vận động của mẹ tôi, chịu để con cháu dìu ra sân gạch đỏ, chụp mấy bức hình quý có đủ "tứ trưởng nữ" làm kỷ niệm.

Lúc đầu bà cũng hơi căng thẳng, nhưng sau đã mỉm cười. Tôi thì ước rằng, bà tôi sẽ sống tới lúc con gái tôi lấy chồng. Nếu con lại sinh ra một trưởng nữ, thì trong bức hình chụp khi ấy sẽ có tới năm trưởng nữ của gia đình. 

Kiều Bích Hậu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI