Kỷ niệm 115 năm ngày sinh cố Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thập (10/10/1908-10/10/2023):

Tấm gương tiên phong của phong trào giải phóng phụ nữ

11/10/2023 - 06:51

PNO - Ngày 10/10, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy Tiền Giang và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học về cuộc đời và sự nghiệp của Mẹ Việt Nam anh hùng, cố Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thập nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh của bà.

Vì sự nghiệp cứu nước, giải phóng phụ nữ

Trong quyển sách Con đường giải phóng của phụ nữ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thập viết: “Một trở ngại lớn cho phụ nữ trong việc tham gia các hoạt động xã hội là công việc mà xã hội cũ đã đặt riêng cho họ là “nội trợ“, “bếp nước“, con thơ…

Muốn cho phụ nữ có thể tham gia đông đảo vào các mặt hoạt động thì phải giải phóng họ khỏi sự ràng buộc nói trên”. Và “giải phóng họ khỏi sự ràng buộc nói trên” không chỉ là 1 sự đúc rút mà chính là sự nghiệp lớn trong cuộc đời hoạt động của bà.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thập (hàng đầu, giữa) trò chuyện với phụ nữ các dân tộc tại Đại hội phụ nữ khu Việt Bắc, năm 1974 - Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thập (hàng đầu, giữa) trò chuyện với phụ nữ các dân tộc tại Đại hội phụ nữ khu Việt Bắc, năm 1974 - Ảnh tư liệu

Giáo sư, tiến sĩ Lê Văn Lợi - Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - khẳng định, ngay từ những ngày đầu tham gia hoạt động cách mạng, bà Nguyễn Thị Thập đã nhận thức rõ vai trò to lớn của phụ nữ và vấn đề giải phóng phụ nữ. Do đó bà luôn chú trọng việc vận động phụ nữ tham gia đấu tranh cách mạng, đứng lên đòi các quyền lợi chính đáng cho dân tộc và cho chính phụ nữ. 

Ông Nguyễn Văn Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - cho rằng, dọc dài cuộc kháng chiến chống Pháp, trên cương vị Chủ tịch Đoàn Phụ nữ Cứu quốc Nam Bộ, rồi Hội trưởng Hội LHPN Cứu quốc Nam Bộ, bà Nguyễn Thị Thập đã miệt mài vận động, tổ chức, quy tụ, phát huy sức mạnh của hàng triệu phụ nữ Nam Bộ. Bà đã cùng các dì trong ban chấp hành Hội Phụ nữ các tỉnh ra sức củng cố lại tổ chức và triệu tập Hội nghị đại biểu toàn Nam Bộ nhằm thúc đẩy phong trào phụ nữ 21 tỉnh Nam Bộ lớn mạnh. Đến năm 1966, tại khu vực Tây Nam Bộ đã thực hiện được nhiều công việc như phát triển hội viên, chăm lo bà mẹ và trẻ em, hình thành mạng lưới vệ sinh phòng bệnh, xây dựng trạm bảo sanh… ở nhiều nơi. 

Sau này, khi đã trở thành Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thập tiếp tục phát động các phong trào thi đua yêu nước trong hội viên phụ nữ.

Trong đó, phong trào “Ba đảm đang”, phát động vào tháng 3/1965, được đánh giá là cao trào cách mạng của phụ nữ, một mốc son trong lịch sử tổ chức, hoạt động của hội cũng như phong trào của phụ nữ Việt Nam.

Với 3 nội dung chính: đảm nhiệm sản xuất thay thế chồng con đi chiến đấu, đảm nhiệm gia đình để chồng con yên tâm chiến đấu, đảm nhiệm sẵn sàng phục vụ chiến đấu khi cần, phong trào “Ba đảm đang” nhanh chóng lôi cuốn hàng triệu phụ nữ 2 miền Bắc, Nam thi đua trên khắp các mặt trận công nghiệp, nông nghiệp, nghiên cứu khoa học, y tế, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật.

“Phong trào “Ba đảm đang” không chỉ là một cuộc vận động vì sự nghiệp cứu nước nói chung, mà còn vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ nói riêng. Phong trào đã tạo cơ hội để phụ nữ Việt Nam cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc; tạo điều kiện để họ vươn lên tự khẳng định mình trong cuộc đấu tranh cho quyền bình đẳng thật sự” - tham luận của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam khẳng định. 

Phát huy vai trò, sức mạnh toàn diện của nữ giới

Theo giáo sư, tiến sĩ Lê Văn Lợi, mặc dù Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền về tay nhân dân, tuy nhiên, tàn tích của xã hội cũ vẫn tồn tại trong nếp sống, nếp nghĩ. Bên cạnh đó, trình độ chính trị, văn hóa của phụ nữ còn thấp đã trở thành những rào cản trong việc tham gia hoạt động xã hội của phụ nữ cũng như thực hiện bình quyền.

Để góp phần hoàn thiện pháp luật nhằm giải phóng phụ nữ, trên cương vị Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đại biểu Quốc hội nhiều khóa, bà Nguyễn Thị Thập đã đề nghị sửa đổi hiến pháp, đặc biệt là kiến nghị với Nhà nước, Quốc hội xây dựng Luật Hôn nhân và Gia đình với 4 nguyên tắc cơ bản: hôn nhân tự do và tiến bộ, 1 vợ 1 chồng, nam nữ bình đẳng, bảo vệ quyền lợi của con cái.

Sự ra đời của Luật Hôn nhân và Gia đình là 1 cuộc cách mạng giải phóng phụ nữ, từ đó xây dựng cơ sở pháp lý cho quyền tự do hôn nhân và quyền bình đẳng của phụ nữ trong gia đình. 

Không dừng lại ở đó, bà đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, các văn bản pháp lý nhằm thực hiện nam nữ bình đẳng, góp phần vào sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

Tiêu biểu là 3 nghị quyết quan trọng: Nghị quyết số 152/NQ-TW ngày 10/1/1967 về một số vấn đề tổ chức lãnh đạo công tác phụ vận; Nghị quyết số 153/NQ-TW ngày 10/1/1967 về công tác cán bộ nữ và Nghị quyết số 31-CP ngày 8/3/1967 về việc tăng cường lực lượng lao động phụ nữ trong các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước. Nội dung của 3 nghị quyết đã khẳng định vị trí, tầm quan trọng và nhiệm vụ của công tác cán bộ nữ, nhấn mạnh sự cần thiết đề bạt, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ nữ cùng những quy định, chế độ đối với lao động nữ.

“Sự nghiệp giải phóng phụ nữ là sự nghiệp cách mạng to lớn, chủ yếu phải do bản thân phụ nữ đảm nhiệm lấy, nếu phụ nữ chưa có tinh thần cố gắng vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ to lớn đó thì dù có sự quan tâm của Đảng, của Chính phủ, việc thực hiện quyền bình đẳng thật khó mà thành công được” - bà Nguyễn Thị Thập đã khẳng định.

Chính vì vậy, trong công tác vận động phụ nữ, bà đặc biệt quan tâm tới việc giáo dục nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng cho phụ nữ. Tháng 10/1957, Nhà xuất bản Phụ nữ được thành lập. Tháng 3/1960, Trường cán bộ Phụ nữ Trung ương ra đời. Từ Trường cán bộ Phụ nữ, nhiều lớp phụ nữ đã được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực hoạt động, công tác.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam  Hà Thị Nga dâng hương, dâng hoa cố Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thập - ẢNH: ĐÌNH HƯNG
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga dâng hương, dâng hoa cố Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thập - Ảnh: Đình Hưng

Những việc làm của bà Nguyễn Thị Thập đã mang lại nhiều đổi thay tích cực về vị thế của nữ giới trong nhiều lĩnh vực của đời sống. “Năm 1960, tại Quốc hội khóa II, có 53 đại biểu nữ, chiếm 16% thì tới năm 1964, Quốc hội khóa III, nữ đại biểu tăng lên 85 người, chiếm tỉ lệ 19%. Bên cạnh đó, các lớp học văn hóa cũng được tổ chức thường xuyên; nhà trẻ, mẫu giáo được tổ chức ở nhiều tỉnh, thành.

Đầu năm 1965, 64% tổng số trẻ là con của công nhân được vào nhà trẻ, hơn 4 vạn trẻ ở nông thôn được vào các nhóm trẻ, nhà trẻ và có 3.657 lớp mẫu giáo được thành lập cùng với mạng lưới y tế phòng bệnh, chữa bệnh, nhà hộ sinh ở khắp các cơ sở được hình thành. Sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội ngày càng được nâng cao, khẳng định vai trò, vị thế, quyền bình đẳng của phụ nữ ngày càng có bước phát triển mới” - giáo sư, tiến sĩ Lê Văn Lợi dẫn giải.

Nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa nhận định, công việc mà cố Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thập để lại là tài sản mà các thế hệ sau tiếp tục thực hiện cho đến sau này. “Bà là người lãnh đạo sâu sát với cơ sở và là 1 lãnh đạo có tầm nhìn sâu sắc, trí tuệ sắc sảo” - bà Trương Mỹ Hoa nói. 

Bà Nguyễn Thị Thập tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Tốt, sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng tại xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, tích cực tham gia hoạt động phong trào tại địa phương, năm 1931, bà được kết nạp vào Đảng, lấy bí danh là Mười Thập, hay Nguyễn Thị Thập.

Bà đã đảm nhiệm nhiều trọng trách như Trưởng ban Phụ vận Trung ương, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VI, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa II đến khóa IV. Từ năm 1956 đến 1974, bà đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam và là Phó chủ tịch Quốc hội liên tục từ khóa III đến khóa VI (1964-1981).

Bà là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được trao tặng Huân chương Sao Vàng - huân chương cao quý nhất dành cho những tập thể, cá nhân có những công trạng to lớn đối với quốc gia, dân tộc.

“Với tài năng, trí tuệ, bản lĩnh cách mạng và những hy sinh, cống hiến cho đất nước, bà mãi là tấm gương sáng ngời của các thế hệ phụ nữ Việt Nam” - bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - nói.

 

Thu Lê

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI