Tạm giam chủ cơ sở ngược đãi lao động

04/07/2013 - 23:11

PNO - PNO - Ngày 4/7, Cơ quan CSĐT Công an huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương đã bắt tạm giam ba tháng đối với ông Trần Tấn Phong (SN 1962, ngụ Thanh An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) về hành vi “giữ người trái pháp luật”.

Trả lời báo chí chiều 4/7, Thiếu tá Hồ Văn Dũng, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Phó trưởng Công an huyện Dầu Tiếng, Bình Dương cho biết, liên quan đến cơ sở xẻ gỗ Trần Tấn Phong đặt tại xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, Công an huyện Dầu Tiếng đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ba tháng đối với ông Trần Tấn Phong, 51 tuổi, ngụ Thanh An, huyện Dầu Tiếng về hành vi “giữ người trái pháp luật” theo phê chuẩn của Viện KSND cùng cấp.

Tam giam chu co so nguoc dai lao dong

Ông Phong tại cơ quan điều tra.

Theo Cơ quan CSĐT, cơ sở của ông Trần Tấn Phong hoạt động chính thức từ năm 2002, chuyên đóng balet gỗ tại ấp Cà Tong, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng. Cơ quan CSĐT xác định, thông qua những cò môi giới lao động ở Bến xe miền Đông, Bến xe Miền Tây (TP.HCM), ông Phong tuyển dụng lao động vào làm việc thường là những người dân tộc Kh’mer, hiểu biết hạn chế, không am hiểu về pháp luật, trong đó có một vài lao động ở tuổi vị thành niên. Khi nhận vào làm việc, ông Phong hứa hẹn tạo công ăn việc làm ổn định, nuôi cơm 2 bữa, lo chỗ ăn, ở chu đáo cho người lao động. Tuy nhiên trên thực tế thì ngược lại.

Thiếu tá Hồ Văn Dũng cho biết, theo kết quả điều tra ban đầu, hàng ngày lao động bị làm việc trong chế độ khắc nghiệt, khoảng 4 giờ sáng họ bị đánh thức dậy, sau đó dọn dẹp vệ sinh xung quanh cơ sở. Đến sáng, người lao động được chủ cho ăn sáng bằng mì tôm (được tính trừ vào lương) rồi làm việc đến 12 giờ trưa, được ăn cơm đạm bạc, sau đó đến 13 giờ làm việc tiếp đến 17 giờ 30 phút mới nghỉ. Có hôm, các lao động phải tăng ca đến 19 giờ mới được nghỉ ăn cơm.

Ông Phong cũng thừa nhận hành vi “nhốt” lao động vào buổi tối cho đến ngày làm việc mới. Trong suốt thời gian làm việc tại cơ sở, các lao động không được tiếp xúc với ai ngoài xưởng gỗ. Giải thích động cơ này, ông Phong thừa nhận có “nhốt” lao động nhưng chỉ với công nhân mới như Sơn Bồ Rót (25 tuổi, ngụ Sóc Trăng, đã chết), Vũ Văn Đương (16 tuổi, ngụ Cà Mau). Thông tin này hoàn toàn trùng khớp với điều tra và đăng tải của Báo Phụ Nữ TP.HCM trước đó (xem các tin bài liên quan).

Trước đó, ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã có công văn chỉ đạo giao Công an tỉnh Bình Dương, UBND huyện Dầu Tiếng khẩn trương điều tra, làm rõ các sai phạm của cơ sở gỗ Tấn Phong, trong đó điều tra làm rõ trách nhiệm của ông Trần Tấn Phong liên quan đến cuộc bỏ trốn của hai công nhân vào ngày 26/5 khiến anh Sơn Bồ Rót (25 tuổi, ngụ Sóc Trăng) tử vong (Báo Phụ Nữ đã phản ánh).

 THỦY TIÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI