Vụ “chèn ép” của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng với ca sĩ Phương Thanh tại gameshow mới toanh - Tôi có thể (I can do that), nếu xét về biểu hiện, hoàn toàn tương tự vụ Hồ Ngọc Hà “ép” Minh Hằng tại Gương mặt thương hiệu (The Face) mùa thứ 2.
Nghĩa là cũng ầm ĩ chuyện giám khảo, ồn ào tin chèn ép và cũng xảy ra khi chương trình còn chưa lên sóng, khiến hàng loạt trang tin, báo mạng nhảy vào phân tích, bình luận theo kiểu kéo nhây, kèm theo đó là cuộc chiến nảy lửa giữa fan của các nghệ sĩ cho đến khi… giám khảo cuối cùng xuất hiện.
Cũng tương tự The Face, trong lúc một trong hai bên nghệ sĩ im lặng thì bên kia khá gay gắt, lên mạng giải thích, mặc dù chính các nghệ sĩ thừa hiểu những lời giải thích của mình qua đường mạng sẽ trở thành những bài viết suy diễn theo hướng quy kết hoặc gây hoang mang khi chúng được sử dụng lại ở nơi khác.
Bởi không có hợp đồng nào được ký kết, tất cả chỉ là lời nói giữa hai bên và không có giá trị pháp lý, sự việc lẽ ra đã có thể xếp lại như vô vàn vụ ồn ào tầm xàm khác của làng giải trí. Nhưng không! Một trang mạng đưa tin, nhiều trang mạng sử dụng lại, biến tấu thành các kiểu khác nhau khiến sự việc lần này trở thành minh chứng thêm cho mâu thuẫn lâu nay giữa Phương Thanh - Đàm Vĩnh Hưng.
Trước vụ Hưng - Thanh, bạn yêu nhạc đã bàng hoàng với thông tin Noo Phước Thịnh hủy diễn chương trình tại Đầm Sen vì poster quảng bá chương trình có hình Đông Nhi kích thước lớn hơn. Tin còn cho rằng Noo đã có những phát biểu coi thường đàn chị.
Khán giả bàng hoàng cũng phải, bởi trước nay mối quan hệ giữa Noo, Đông Nhi và Hồ Ngọc Hà được xem là rất thân thiết - thường xuyên đi cùng nhau, đứng cạnh nhau và dành nhiều lời tốt đẹp cho nhau. Diễn biến tiếp theo không khó đoán, bởi đã xảy ra quá nhiều lần: một lượng không nhỏ fan của Noo, Nhi, Hà đã nổi nóng xông vào bênh thần tượng.
Ngay trước dịp kỷ niệm một năm ngày mất của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, công chúng mộ điệu không khỏi xót xa khi chứng kiến cuộc “đại chiến” giữa ca sĩ Ánh Tuyết và con trai cố nhạc sĩ - nhạc sĩ Nguyễn Quang.
Nếu tiếp tục lật lại lịch sử showbiz, những vụ tranh cãi đến mức không nhìn mặt nhau như giữa người đẹp Dương Yến Ngọc và ca sĩ Pha Lê, ca-nhạc sĩ Duy Mạnh và Tuấn Hưng… đủ khiến chúng ta mệt mỏi, chán chường với hành xử của người nổi tiếng.
Tạm khoan xét đến chuyện các nhà tổ chức chương trình có tung chiêu truyền thông bẩn hay không (vì đương nhiên là sẽ chẳng có nhà tổ chức nào xác nhận chuyện đó). Nếu có, họ đã góp phần tiêu diệt các nghệ sĩ, khiến hình ảnh nghệ sĩ trở nên dị hợm trước mắt công chúng.
Bất kể lý do là chuyện kinh tế, tìm cách thu hút sự chú ý của khán giả thì đó cũng là việc hết sức vô lương. Từ góc độ nghệ sĩ, rõ ràng mỗi người đều đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa mà mỗi lời nói, hành vi đều tác động đến rất nhiều người.
Thay vì công khai nói rõ hoặc chọn phương án tốt nhất là đưa sự việc ra tòa án để trắng đen rạch ròi, nghệ sĩ ta đến nay vẫn chỉ kiện ra tòa… báo hoặc úp mở trên trang cá nhân như một cách tận dụng sức mạnh đám đông vùi dập đối thủ. Không thể nói nghệ sĩ ngại vô phúc đáo tụng đình. Họ đã từng dắt nhau ra tòa án trong nhiều vụ việc. Vấn đề là họ đã không chọn cách thức văn minh đó mà dùng kênh truyền thông để rồi lắm lúc trở thành nạn nhân của chính truyền thông bẩn.
Từ góc độ truyền thông, đã bao nhiêu lần báo mạng bị chỉ đích danh là những con kền kền chuyên chực chờ sơ hở của nghệ sĩ để xông vào xâu xé, nhưng khao khát câu view vẫn vượt trên mọi chuẩn mực nghề nghiệp, mọi quy tắc ứng xử. Nếu bức thư của ca sĩ Ánh Tuyết được xử lý thuần túy như một thông tin thay đổi nội dung chương trình chứ không phải kiểu Ánh Tuyết bức xúc vì hành xử của thân nhân nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 thì có lẽ nhạc sĩ Nguyễn Quang đã không phải nặng lời đến vậy.
Và nếu ngôn từ trên trang cá nhân của Nguyễn Quang được biên tập lại theo văn phong báo chí thì Ánh Tuyết đã không phải cất công “nói lại cho rõ” để cuối cùng là cảnh tan nát giao tình đã có nhiều năm và hai đêm nhạc đều không trọn vẹn.
Chuyện Trấn Thành chê Trường Giang, khi Thành lặp lại phát ngôn của mình trong ngữ cảnh của nó thì cái-gọi-là chê bai mà khán giả đọc được trên các trang mạng lại trở nên rất đỗi bình thường và khiêm tốn. Có lẽ không hề quá lời khi bảo rằng khói lửa ngút trời trong những cuộc chiến giữa nghệ sĩ với nhau có phần châm dầu của bầy kền kền báo chí.
Suy cho cùng, năng lực, tầm vóc của nghệ sĩ nằm trong hoạt động chuyên môn chứ không phải ở những trò chơi. Một ca sĩ giỏi là người hát hay, thuyết phục được khán giả, bán được nhiều sản phẩm chứ không phải một người giỏi nói linh tinh trên ghế giám khảo hay làm trò lố trong vai trò thí sinh gameshow.
Nghệ sĩ hài sẽ được đánh giá qua các tiểu phẩm, trong những tác phẩm nghiêm túc chứ không phải những đoạn cương tùy tiện cưỡng bức khán giả cười... Và nếu đã biết rõ sự “khát máu” của đám kền kền, nên chăng nghệ sĩ chọn các phương án hành xử văn minh và có trách nhiệm để không vô tình hay cố ý trở thành nạn nhân?
Phạm Thành Nhân