Chậm lại để thấu hiểu bản thân
Với mong muốn được đặt chân đến nhiều vùng đất mới nên sau khi tốt nghiệp lớp 12, Nguyễn Tấn Đạt (sinh năm 2000) đã quyết định học ngành du lịch của Trường đại học Văn Hiến. Tuy nhiên, chỉ vừa học được ba tháng thì nam sinh nhận ra bản thân không phù hợp với ngành này.
Đạt kể: “Ban đầu, mình không tìm hiểu cẩn thận nên không biết ngành này yêu cầu về ngoại hình và ngôn ngữ, nhất là ngoại ngữ, những cái này mình đều không đáp ứng nên đã nghĩ đến chuyện tạm dừng việc học để xác định lại hướng đi”.
|
Khám phá năng lực bản thân là bước quan trọng học sinh lớp 12 cần làm trước khi đăng ký xét tuyển nguyện vọng vào đại học - Ảnh: Trương Mẫn |
Ngay sau đó, Đạt đã gọi điện tâm sự với gia đình, bình tĩnh giải thích rằng mình đã chịu áp lực như thế nào khi phải làm những điều không mang lại kết quả. Cuối cùng, gia đình đồng ý cho Đạt xin bảo lưu kết quả học tập để tìm hướng đi phù hợp cho tương lai. Đạt đã mạnh dạn thử sức ở lĩnh vực spa, và kinh doanh quần áo, phụ kiện. Sau thời gian tự lập, kinh nghiệm sống của Đạt đã tăng lên rất nhiều, thậm chí Đạt còn chuẩn bị ra mắt cơ sở spa của riêng mình. Vấn đề kinh tế đã được giải quyết nên trong năm nay, Đạt sẽ quay lại trường để tiếp tục học. Tuy nhiên, nam sinh sẽ chuyển hướng sang ngành ngôn ngữ Anh vì nhận thấy đó là ngành phù hợp và cần thiết với mình để phát triển khả năng của mình.
Đã từng đổi chuyên ngành từ báo chí sang truyền thông vì thấy không phù hợp nhưng Thảo Nguyên - sinh viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM - vẫn không tìm được đam mê thật sự của mình. Cuối cùng, nữ sinh đã nộp đơn bảo lưu kết quả học tập dù chẳng biết bản thân sẽ làm gì, sẽ đi về đâu. Thảo Nguyên giấu gia đình chuyện này vì ba mẹ kỳ vọng rất nhiều vào mình.
Để giải quyết vấn đề, cũng như thấu hiểu được bản thân, Thảo Nguyên đã thử làm nhiều công việc và rồi yêu thích ngành dịch vụ sau khi làm phục vụ nhà hàng. Với Thảo Nguyên, tìm được công việc mà mình cảm thấy vui khi làm đã là một thành tựu rất lớn. Hiện tại, nữ sinh đang cố gắng hoàn thành chương trình đại học để thực hiện ước mơ du học chuyên về lĩnh vực dịch vụ của mình.
Tương tự trường hợp của Thảo Nguyên, Thu Trang - sinh viên ngành truyền thông Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM - cũng đang trong “kỳ nghỉ” để lắng nghe và chấp nhận những mong mỏi bên trong mình. Khoảng thời gian được tự do với những thứ mình muốn, bước qua khỏi mọi giới hạn với những điều mình thích có lẽ khiến Thu Trang không thể nào quên.
Thu Trang bộc bạch: “Mình bắt đầu tìm hiểu cơ thể và cách thức hoạt động của bộ não, từ đó biết mình muốn gì, những hành động, cảm xúc của mình nảy sinh từ đâu. Mình cũng thử làm những việc mà trước đây mình nghĩ là sẽ không làm được, đó là nghiên cứu về cảm xúc và khoa học thần kinh, thực hành năng lượng để tự chữa lành cho chính mình và những người xung quanh”. Giờ đây, Trang đã thật sự đam mê với công việc chữa lành. Dù với ba mẹ, việc làm của nữ sinh có phần mông lung khi chỉ mang lại giá trị tinh thần cho người khác, còn giá trị kinh tế của bản thân thì chưa thấy đâu nhưng Trang vẫn tin vào lựa chọn này. Sắp tới, nếu cảm thấy đam mê “chữa lành” đủ lớn và “cái giá” cho việc ngừng học là vừa sức, nữ sinh có thể sẽ không trở lại trường.
Quan trọng xem mình phù hợp điều gì
Trong số các bạn chọn “làm lại từ đầu” cũng có nhiều trường hợp đã tìm thấy chính mình. Như Đ.V.D. hiện đang là gương mặt khá nổi trội của Khoa Báo chí và Truyền thông Trường cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II dù mới là sinh viên năm nhất. Ít ai biết rằng trước đây, D. là sinh viên Khoa Du lịch Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM.
Suốt hai năm học tập ở đây, nam sinh lại đặc biệt yêu thích và tích cực thử sức với vai trò dẫn chương trình. Khi nhận ra đam mê của mình, D. đã có quyết định táo bạo là ngưng học ở mảng du lịch để tập trung phát triển mảng ngôn ngữ, báo chí; từ đó, nỗ lực nhằm trở thành biên tập viên kiêm MC cho các chương trình. Vì nhiều lý do nên ở thời điểm đó, D. không thể chuyển khoa. Bỏ qua tiếc nuối về hai năm tuổi trẻ, nam sinh đã mạnh dạn làm lại từ đầu. Hiện D. cảm thấy rất vui vẻ, vừa hoàn thành tốt việc học tập vừa rất năng nổ trong các hoạt động.
Trước hiện tượng một số bạn trẻ vào đại học nhưng không rõ mình hợp với ngành nghề nào nên phải tạm dừng học để xác định lại mục tiêu, phó giáo sư - tiến sĩ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường đại học Giáo dục - Ðại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng: Không ai khác chính bố mẹ và thầy cô phải là người giúp học sinh đưa ra những lựa chọn mà ít nhất không phù hợp với đam mê phải phù hợp với thế mạnh mà các em đang có. Ví dụ học sinh xác định được đam mê thì tốt nhưng nếu không thì hãy nhìn ra những gì mình đang có, nhìn ra thế mạnh của mình và nghề nghiệp phải phù hợp với năng lực của mình.
Ông nhấn mạnh: “Những bạn chưa xác định được đam mê thì ngay bây giờ phải có sự tư vấn của nhà tâm lý hướng nghiệp. Họ sẽ có những bộ công cụ để xác định thiên hướng nghề nghiệp của các bạn, đồng thời trao đổi với gia đình để xác định những giá trị chung của gia đình và của chính bạn đó. Ít nhất khi chọn ngành nghề không đi ngược lại giá trị chung cũng như điều kiện năng lực”.
Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Thành Nam cũng cho rằng: Các bạn đã chọn ngành rồi và sau này phát hiện đó không phải sở thích thì cũng không phải “án tử” vì quan trọng là khi các bạn học bất cứ ngành gì thì phải xác định học một ngành làm nhiều vị trí công việc khác nhau và phải học tập suốt đời để làm tốt một vị trí công việc. Bạn phải liên tục học, học cả kiến thức từ nhiều ngành khác nữa mới mong bản thân thành người xuất sắc. Vì vậy, hãy dành một khoảng lặng thời gian để hiểu mình, hiểu thế giới nghề nghiệp, hiểu các xu hướng nghề nghiệp và ra quyết định sớm.
Hãy hình dung xem sau này mình muốn trở thành người thế nào, mình muốn làm việc trong môi trường nào để thu hẹp lại hướng ngành nghề mình mong muốn, học tập. Với hướng ngành nghề đó thì tìm hiểu xem trường nào đang đào tạo, xem tiêu chí tuyển sinh trong ba năm trở lại đây trường nào phù hợp với năng lực của mình, vào trang web của các trường xem vị trí công việc, năng lực mình có được sau khi học xong là gì, xem chương trình nào hợp, thú vị thì chọn.
Làm sao hạn chế việc chọn sai ngành? Tiến sĩ Trần Đình Lý - Phó hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm TPHCM - cho biết: “Là người công tác trong lĩnh vực giáo dục, tôi thấy rằng việc chọn nghề, chọn ngành không phù hợp ảnh hưởng rất lớn đối với việc học hành và công việc của các thí sinh sau này”. Từ đó, ông dành ba lời khuyên với hy vọng hạn chế việc chọn sai ngành cho thí sinh: Thứ nhất, xác định tầm quan trọng của việc chọn ngành, nghề. Nếu chọn lầm nghề thì nếu bạn không bỏ nghề, không theo nghề thì nghề cũng sẽ bỏ bạn bất kỳ lúc nào. Thứ hai, phải biết lượng sức mình. Thí sinh không nên chọn những nghề thật… cao siêu mà năng lực của mình khó với tới. Sau khi chọn nghề phù hợp, thí sinh nên lượng sức để chọn vào ngành của trường nào hoặc thậm chí bậc nào phù hợp. Thứ ba, hãy dành 18 - 20 phút để trắc nghiệm khám phá năng lực bản thân, định hướng cho cả cuộc đời. Hơn bao giờ hết, cần phải ưu tiên cho sở thích, sở trường của mình. Cần thấy sự khác biệt giữa thích và hợp. Có nhiều thí sinh tưởng rằng mình phù hợp với nghề đó, ngành đó nhưng thực ra các bạn bị ngộ nhận, chưa đủ thông tin để biết mình là ai. Chọn trường theo sở thích, sở trường của chính bản thân thí sinh mới là bền vững. Trương Mẫn |
Trang Thư - Đại Minh