Tạm dừng phạt tù người ngoại tình gây hậu quả nghiêm trọng: Còn một bản án khác kinh khủng hơn!

30/06/2016 - 06:35

PNO - Ngoại tình không phải là tội lỗi vì nó xuất phát từ bản năng của con người hoặc do không thấy hạnh phúc trong hôn nhân.

Chiều ngày 29/6, tờ Giao thông đưa tin, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, Bộ Luật Hình sự năm 2015 và 3 đạo luật được thông qua năm 2015 gồm: Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam đang được hoàn thiện để trình lên Chủ tịch Quốc hội ký , đóng dấu rồi chuyển sang Văn phòng Chủ tịch nước để thực hiện quy trình công bố tạm dừng thi hành để sửa đổi.

Điều này được thực hiện khi Văn phòng Quốc hội đã gửi lá phiếu tới tận tay Đại hiểu Quốc hội để lấy ý kiến, đại đa số đại biểu đã đưa ra ý kiến tạm dừng thi hành để sửa đổi cho đến khi sửa xong. Như vậy, hành vi phạt tù từ 1 - 3 năm người ngoại tình gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 182 Bộ Luật Hình sự 2015 cũng chính thức bị lùi thi hành.

Đây là điều luật cũng khiến dư luận có nhiều quan điểm trái chiều. Luật sư Trương Văn Nam – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng: “Những người đang hoặc có ý định “ăn chả” đừng có vội mừng khi có quyết định hoãn thi hành. Bởi, quy định về hành vi “ngoại tình” và hình thức xử lý mà trong Bộ Luật Hình sự hiện hành cũng quy định về vấn đề này. Điều 147 BLHS sửa đổi 2009 quy định người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác sẽ bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến một năm”.

Tam dung phat tu nguoi ngoai tinh gay hau qua nghiem trong: Con mot ban an khac kinh khung hon!
Ngoại tình được quy định hành vi vi phạm hình sự từ năm 2009 nhưng rất khó áp dụng vào thực tiễn (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, Điều 147 BLHS hiện hành chưa có quy định cụ thể thế nào là hậu quả nghiêm trọng, do đó, điều luật này gần như mất tính khả thi trong việc áp dụng. Cho nên trong thực tế, cực kỳ hiếm những trường hợp ngoại tình bị xử lý hình sự. Mấu chốt để điều luật này đi vào trong thực tế là làm rõ như thế nào được gọi là hành vi “chung sống như vợ chồng”, đây là điều rất khó chứng minh.

Ngoại tình không là tội, sao phải ngồi tù?

Chị Nguyễn Hoài Thu (27 tuổi, nhân viên đang làm việc tại ngân hàng MB chi nhánh Láng Hạ, TP. Hà Nội) bật cười. Bởi chị Thu cho rằng, ngoại tình không phải là nguyên nhân phá hoại hạnh phúc gia đình, cũng không phải là nguyên nhân khiến vợ (hoặc chồng) phải tự tử vì người kia ngoại tình.

"Quan trọng nhất vẫn là ở bản thân mình. Nhiều người thấy vợ (hoặc chồng) ngoại tình thì nổi máu ghen, hành động thái quá như thể người kia có lỗi mà quên mất đặt câu hỏi vì sao anh (chị) ta lại thế? Nếu như chồng ngoại tình, dù ít nhiều cũng có nguyên nhân xuất phát từ người vợ. Từ xưa đến nay, nếu ai tự tử vì tình còn bị người khác lên án nhiều hơn là thương xót, bảo vệ hành vi đó cả..." - chị Thu phân tích.

Nói rõ hơn về nguyên nhân dẫn đến ngoại tình, chị Thu cho rằng có 2 nguyên nhân chính. Một là, vợ hoặc chồng không còn tình cảm với nhau nhưng vì một lý do nào đó (ví như con cái) nên phải sống chung với nhau, bên ngoài trông vào thấy yên ấm nhưng bên trong không có hạnh phúc. Hai là, vợ hoặc chồng muốn ăn vụng để giải quyết nhu cầu sinh lý, thỏa mãn trí tò mò, muốn khám phá... xong đâu đấy lại quay trở về tổ ấm và hoàn tốt thiên chức của mình.

"Cả 2 nguyên nhân này đều nói lên một điều rằng, việc ngoại tình là điều tất yếu xảy ra. Nó cũng có một phần lỗi từ người còn lại, vậy tại sao chỉ có phạt một người?" - chị Thu đặt ra hàng loạt băn khoăn.

Chị Phạm Thị Hương (33 tuổi, nhân viên làm việc tại một công ty chuyên xuất khẩu lao động sang Nhật Bản, có trụ sở tại TP. Hà Nội) chia sẻ, chuyện "ông ăn chả, bà ăn nem" không còn hiếm thấy trong cuộc sống thường ngày. Khi một trong hai 2 chịu đựng được thì ly hôn, giải thoát cho nhau.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Giang (31 tuổi, nhân viên làm việc tại Công ty XNK Thành Đông, TP. Đà Nẵng) có ý kiến, cần phải xử phạt thật nặng hành vi ngoại tình. Chị Giang cho biết: "Không nhất thiết phải hình sự hóa vấn đề ngoại tình mà chỉ cần đánh mạnh vào kinh tế. Phân chia tài sản người nào không ngoại tình thì được hưởng nhiều hơn, người nào ngoại tình còn phải đền bù cho người kia một khoản tiền lớn, không cho họ quyền nuôi con... như thế sẽ hợp lý hơn".

Bản thân chị Giang cũng không ủng hộ việc cho rằng ngoại tình là do vợ chồng không hòa hợp hay vì vấn đề sinh lý. Bởi, chị Giang cho rằng, nếu như thế tại sao vợ - chồng không chủ động ly hôn rồi mới ngoại tình với người khác, như thế sẽ không ai trách được. "Án tù không quan trọng bằng bản án lương tâm, con cái sẽ nhìn mình bằng ánh mắt, suy nghĩ gì nếu mình đi ngoại tình?" - chị Giang nói.

Thanh Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI