Tạm dừng lưu thông 13 loại nước uống thực phẩm bổ sung của Công ty Coca-Cola Việt Nam

02/07/2016 - 11:05

PNO - Thanh tra Bộ Y tế yêu cầu Coca-Cola Việt Nam tuân thủ đúng quy định hiện hành, 13 loại nước uống của công ty này sẽ phải tạm dừng lưu thông để chờ giấy tờ đảm bảo điều kiện bán ra thị trường.

Ngày 1/7, tờ Tuổi trẻ thông tin, 13 sản phẩm của Công ty Coca-Cola Việt Nam bị Bộ Y tế tạm dừng lưu thông ngoài thị trường là sữa trái cây Minute Maid Nutriboost hương dâu, hương cam, hương xoài, nước tăng lực Samurrai hương dâu chai thủy tinh và chai PET, nước cam có tép Teppy, nước uống vận động Aquarius và Dasani có bổ sung khoáng chất.

Sau thời gian thanh tra, Bộ Y tế phá hiện 3 nhà máy của công ty này ở Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM có sản xuất thực phẩm bổ sung, trong khi công ty chưa có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp để sản xuất thực phẩm bổ sung.

Còn trên tờ Vietnamnet đưa tin, trong ngày 1/7, ông Đặng Văn Chính, Chánh thanh tra Bộ Y tế cho biết đã gửi công văn cho Sở Y tế 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa và Nghệ An (nơi có trụ sở của công ty Coca Cola) yêu cầu các địa phương giám sát tạm dừng lưu thông 13 sản phẩm nước uống bổ sung của công ty này.

Tam dung luu thong 13 loai nuoc uong thuc pham bo sung cua Cong ty Coca-Cola Viet Nam
Các sản phẩm của công ty Coca-Cola Việt Nam.

Được biết, từ trung tuần tháng 6, Đoàn thanh tra của Bộ Y tế bắt đầu thanh tra công ty Coca Cola trong vòng 45 ngày.

Đại diện cho công ty Coca-Cola Việt Nam, ông Trần Khoa Mỹ - Giám đốc Công ty truyền thông lý giải,  hoàn tất hồ sơ để đăng ký đủ điều kiện sản xuất các sản phẩm Aquarius, Dasani có bổ sung khoáng chất, Samurai, Nutriboost và Teppy vào tháng trước.

Trước đó, vào ngày 30/6, Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương cũng đã phát đi thông báo về việc thu hồi thêm 2 lô Trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt vượt phép của Công ty URC Hà Nội. Các lô bị thu hồi gồm: Lô sản phẩm nước tăng lực Rồng đỏ hương dâu, NSX 10/11/2015 - HSD 10/8/2016; Lô sản phẩm Trà xanh hương chanh C2, NSX 04/02/2016 - HSD 04/02/2017.

Ngoài ra, Cục Quản lý cạnh tranh cũng khuyến cáo người tiêu dùng dừng sử dụng các sản phẩm trong diện thu hồi. Trường hợp đã mua sản phẩm này thì cần liên hệ với URC Hà Nội để được hỗ trợ.

Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được nhắc đến không biết bao nhiêu lần, nhưng mỗi khi có vụ việc gì xảy ra thì đối tượng chịu thiệt vẫn chính là người tiêu dùng. Ông Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, quyền lợi của người tiêu dùng đang bị xâm phạm nghiêm trọng nhưng việc bảo vệ người tiêu dùng hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo ông Thắng, hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất chỉ quan tâm đến mục tiêu hàng đầu là lợi nhuận. Vì lợi nhuận, họ có thể đưa những sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng, bất chấp quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng.

“Các chế tài xử phạt của Việt Nam vẫn còn nhẹ, quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng còn lỏng lẻo, chưa sát với thực tế khiến nhiều khi người tiêu dùng biết mình bị lừa dối, bị xâm hại mà không làm thế nào được”, ông Thắng nhận định.

"Ở nước ngoài, các cơ quan quản lý còn định ra các tiêu chuẩn và giao cho Hiệp hội người tiêu dùng tiến hành đánh giá chứng nhận. Doanh nghiệp nào đạt những tiêu chuẩn này sẽ được cấp chứng chỉ và mới được phép hoạt động kinh doanh. Đó là điều đầu tiên bắt buộc mỗi doanh nghiệp phải tuân thủ. Còn ở Việt Nam, hoạt động mang tính chứng nhận, bắt buộc như vậy chưa thể làm được ngay”, ông Thắng nói thêm.

Thành Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI