Tấm Cám trong góc nhìn mới lạ

05/07/2016 - 06:44

PNO - Một phiên bản mới của câu chuyện cổ tích Tấm Cám vừa được trình làng ở sân khấu Hồng Hạc tối 2/7.

Vẫn là câu chuyện của mẹ con nhà Tấm Cám, là tình yêu giữa Tấm và hoàng tử, nhưng với một cách kể, một góc nhìn rất khác về câu chuyện và những nhân vật quen thuộc.

Được cảm tác từ truyện rất ngắn Tấm khóc, Bụt hiện ra của nhà văn Nhật Chiêu, Tấm và hoàng hậu (tác giả Tiến Phát, đạo diễn Thiên Huân) kể phần tiếp theo của câu chuyện Tấm Cám từ khi Tấm trở về hoàng cung sau mười năm lưu lạc theo cách riêng của mình, hiện đại hơn, “đời” hơn và cũng mạnh mẽ hơn. Phiên bản mới nhất của Tấm Cám trên sân khấu lần này không còn là câu chuyện của cái thiện sẽ luôn chiến thắng cái ác mà là câu hỏi liệu cái thiện có thể tồn tại vĩnh cửu? Cái thiện sau khi trở thành người chiến thắng có còn là chính mình?

Tam Cam trong goc nhin moi la
Chiến thắng cái ác nhưng liệu Tấm có chiến thắng được chính mình? (Ảnh: T.V.)

Sau mười năm trầm luân, điều có thể giữ cho Tấm vẫn vẹn nguyên là nàng Tấm dịu hiền năm xưa có lẽ là tình yêu mãi mãi không đổi thay giữa nàng và hoàng tử; là tình cảm chị em ruột thịt giữa Tấm và Cám - cô em gái cùng cha khác mẹ. Nhưng khi niềm tin bị lung lay, khi lòng thù hận trỗi dậy, che mờ tất cả những điều tốt đẹp, sự tham lam và lòng ích kỷ lớn dần mỗi ngày trong tâm hồn, để đến một ngày nàng Tấm đã được thay thế bằng một hoàng hậu đầy mưu mô với khát vọng phải độc chiếm cho bằng được trái tim của nhà vua.

Những ai từng yêu thương Tấm sẽ khó chấp nhận hình ảnh hoàng hậu Tấm mưu mô, độc ác và là người luôn khơi nguồn cho những cuộc chiến giữa hoàng hậu và các nguyên phi chốn hậu cung. Ngược lại, Cám lại là người đáng thương khi phải hy sinh cả tuổi thanh xuân, chấp nhận làm người thế vai suốt mười năm ròng rã với tâm trạng ngổn ngang những nỗi buồn, nỗi lo và cả sự đau đớn, dằn vặt. Nhưng nếu cởi mở hơn, hẳn nhiều người nhận ra rằng, sẽ có không ít thay đổi khi ta nhìn sự việc ở những góc khác nhau. Nhưng cho dù ở góc nhìn nào, ở lăng kính nào, thì thông điệp “cuộc chiến khó khăn nhất của mỗi người là cuộc chiến để chiến thắng bản thân” của ê kíp thực hiện vẫn đầy sức thuyết phục.

Điều khá bất ngờ là cả tác giả Tiến Phát lẫn đạo diễn Thiên Huân đều là những dân làm nghệ thuật “tay ngang”. Các anh là sinh viên trường Đại học KHXH&NV TP.HCM và là những thành viên trụ cột của đội kịch CKT (CLB văn nghệ xung kích, trường ĐH KHXH&NV). Tấm và hoàng hậu vốn là một vở diễn của đội kịch CKT, đã có một số xuất diễn phục vụ sinh viên từ năm 2014.

Được dàn dựng lại trên sân khấu Hồng Hạc, ngoài việc làm mới lại âm nhạc, trau chuốt và đầu tư chuyên nghiệp hơn trong dàn dựng, cảnh trí, ánh sáng, phục trang… Tấm và hoàng hậu có sự thay đổi một số vai chính là các diễn viên chuyên nghiệp: Lê Bê La, Công Danh, Hoài Thương, Bảo Trung bên cạnh các thành viên của đội CKT: Tường Vi, Nam Anh, Huỳnh Như, Ngọc Phước…. Xung đột kịch được đặt ra ngay trong cảnh đầu tiên, vở diễn có tiết tấu khá nhanh và hấp dẫn hơn bởi những câu chuyện về cuộc chiến chốn hậu cung.

Cái giỏi của ê kíp sáng tạo “tay ngang” Tiến Phát - Thiên Huân là cách họ cho mỗi nhân vật dù xuất hiện trên sân khấu ít hay nhiều đều có số phận đầy đặn với tính cách nhất quán. Một chút “lấn cấn” với cách kể lại chi tiết Tấm giết Cám và làm mắm gửi về biếu mẹ ghẻ. Cách nhấn nhá trên sàn diễn có vẻ không phù hợp với những khán giả không thích “cảm giác mạnh”, thậm chí có thể kích thích trí tưởng tượng và ám ảnh người xem. Ngoài chi tiết này, hầu hết các tình huống kịch được sắp xếp khá chặt chẽ.

Cuộc trò chuyện giữa Tấm và ông bụt là một cái kết mở nhưng ấn tượng và đầy cảm xúc. Liệu ở cuộc sống này có bao nhiêu người như Tấm, hài đã mang vừa chân nhưng vẫn cứ đi khập khiễng?

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI