Tạm biệt gốc bàng già

21/03/2023 - 17:00

PNO - Gốc bàng già vĩnh viễn ra đi. Người dân làng tôi làm lễ như tiễn đưa một người thân rời xa nhân thế.

Cây bàng như một ông hộ pháp oai vệ ngự ngay lối rẽ vào làng tôi. Cũng không ai biết nó có từ bao giờ. Trong trí nhớ của bà nội tôi, ngày bà mới về làm dâu, làng chưa có điện, mỗi lần bà đi chợ huyện xa về muộn, ông lại đốt đuốc ra gốc bàng đầu làng đứng đợi bà.

Cứ thế, bao năm tháng trôi qua, bao trận lũ xoáy và bão quật, cây bàng vẫn sừng sững ở đó, chứng kiến biết bao thăng trầm, buồn vui của người dân quê tôi. Dưới gốc bàng quê, lũ trẻ chúng tôi bày ra đủ thứ trò. Bọn con gái thì chơi chắt, chơi chuyền, chơi đồ hàng, nấu ăn; bọn con trai mải mê bịt mắt bắt dê, chơi khăng, chơi đáo…

Các anh chị lớn hơn còn lấy những chiếc lá bàng màu xanh, màu đỏ ngồi tỉ mẩn gấp thành mũ quan đội đầu và chơi trò xử kiện. Mỗi lần vặt được của hàng xóm trái táo, trái ổi hay bốc trộm được nhúm khoai khô phơi bên bờ tường là bọn trẻ chúng tôi lại hú nhau ra gốc bàng rồi tụm năm, tụm bảy chia nhau ăn. Lớn lên chút nữa, mỗi ngày đi học, lại hẹn chờ nhau ở cây bàng đầu làng.

Vui cũng từ đây mà ra khi những câu chuyện liến láu suốt dọc đường đến trường. Những giận hờn cũng khởi phát từ đây khi có đứa ngủ dậy trễ vội đi đường tắt trong khi cả đám vẫn cứ đứng dài cổ chờ… Trẻ con mà, giận hờn cũng chỉ như cơn mưa bóng mây.

Hồi đó ở quê tôi, đám cưới thường đi bộ rước dâu. Chưa đến giờ đón cô dâu về nhưng bọn trẻ chúng tôi đã đứng chực sẵn ở gốc cây bàng. Chỉ cần thấy thấp thoáng bóng đoàn người từ xa và chiếc nón lá trắng muốt của cô dâu là cả lũ hét hò ầm ĩ. Không biết bao nhiêu đôi đã sánh bước dưới bóng mát cây bàng đầu làng trong ngày trọng đại của cuộc đời và sống trọn vẹn bên nhau đến ngày nhắm mắt xuôi tay. Vào vụ gặt, gốc bàng đầu làng cũng trở nên nhộn nhịp khi các bà, các mẹ quẩy gánh lúa nặng trĩu về ngang qua, dừng chân nghỉ ngơi, ngả cái nón trên đầu ra quạt rồi chuyện trò rôm rả.

Tôi vẫn còn nhớ khi trong làng có đám tang. Gốc bàng sẽ là nơi dừng chân lâu nhất khi di quan ra nghĩa trang. Những nén hương nghi ngút khói, những tiếng khóc than vật vã của người thân…

Mùa hè năm tôi lên 10 tuổi, thằng Công - đứa bạn nhà nghèo nhất làng -  bị đuối nước. Theo tục lệ, thi thể của nó không được đưa về nhà. Gốc bàng đầu làng chính là nơi khâm liệm nó và đặt quan tài chờ đến giờ mai táng. Ba mẹ nó gào khóc, lũ trẻ chúng tôi cũng đứng vòng quanh mếu máo. Những ngày sau đó, mỗi lần có đồ ăn, chúng tôi tìm một chiếc lá bàng lành lặn đặt phần của nó lên đó rồi sụt sùi gọi tên nó về ăn cùng. 

Trai làng tôi lớn lên, lần lượt rời làng ra thành phố. Người đi học, đi làm, đi nghĩa vụ quân sự… cũng chính từ gốc bàng già này.

Có lẽ vì thế mà khi Facebook của hội đồng hương làng tôi ra đời, hình đại diện được chọn là gốc bàng già thân thương. Từ trăm nơi, muôn ngả, các thế hệ người dân làng tôi lại được kết nối, cùng chia sẻ, giúp đỡ và tương trợ lẫn nhau. Và ai đó có dịp về làng, lại không quên check-in bên gốc bàng già, đăng lên nhóm để những người ở xa vơi bớt nỗi nhớ quê.

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

 

Một ngày, tấm hình về gốc bàng già làng tôi được chia sẻ khiến cả cộng đồng xôn xao. Những tán bàng vốn sum suê, vững chãi phi thường là thế bỗng trở nên héo khô, thân cây mục ruỗng. Tôi vội gọi điện về cho mẹ. Giọng mẹ ngậm ngùi: Mấy ngày nay, các bác cán bộ trong làng, trong xã họp suốt, mời cả các chuyên gia về tìm cách chữa trị nhưng chắc không cứu được nữa con ạ.

Gốc bàng già vĩnh viễn ra đi. Người dân làng tôi làm lễ như tiễn đưa một người thân rời xa nhân thế. Đau buốt như dao cứa vào tim, tôi đã lục tìm lại những tấm hình về cây bàng già làm thành video như một lời tiễn biệt và cũng để lưu lại cho các thế hệ sau tôi biết làng mình đã từng có một “di sản” cổ kính, thân thương đến thế.

Đâu chỉ riêng tôi, những dòng status buồn thương, những bài thơ dành cho gốc bàng già dâng trào cảm xúc, đau đáu nỗi niềm ngập tràn trên trang của nhóm.

Rồi chính tại nơi gốc bàng già đã “ngã” xuống, đoàn viên thanh niên làng tôi đã trồng vào đó một cây bàng non. Trang Facebook của hội đồng hương cũng “thay áo” mới.  Niềm vui và những hy vọng mới lại được thắp lên. 

Thu Đức

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI