PNO - Chị Hà Phương mà tôi đang nhớ tới trong giờ phút chia tay âm - dương này không chỉ là một Thư ký tòa soạn kỹ lưỡng mà còn là một người viết báo cần mẫn, cẩn trọng.
Người mà tôi gọi bằng chị chỉ kém mẹ tôi hai tuổi. Bốn mươi mấy năm trước, lứa phóng viên chúng tôi trạc hai ba, hai tư thì chị đã trên bốn mươi, thế mà ngồi với nhau ở bất cứ không gian nào, họp hành hay lúc chơi nhởi đều thấy chị sao mà thanh niên quá nên gọi luôn là chị, như thể bằng vai phải lứa. Chị bảo, chị công tác ở Trung ương Đoàn, ở báo Tiền Phong nên chị lâu già.
Báo Phụ Nữ Sài Gòn những năm đầu tiên ấy (sau đổi tên là Báo Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh), phóng viên toàn là nữ (mãi sau này mới có cánh đàn ông: Thanh Bình, Vũ Thái chuyển từ phát hành sang, sau nữa mới có Kim Sơn, Hữu Bảo, Ngô Vũ, Mai Bá Kiếm, Bùi Nguyễn Trường Kiên, Lê Minh Quốc, Võ Hồng Quỳnh, Lý Tiến Dũng, Lê Hồng Minh, Hoàng Vũ…). Đám con gái làm báo sàn sàn nhau: Bạch Mai, Ngọc Tuyết, Thế Thanh, Thiều Nguyễn, Phan Thị Châu (Quỳnh Đông), Hồng Quỳnh, Kim Xuân, Vân Hồng, Hồ Nguyệt… Đến đầu những năm 1980, khi bổ sung vào những vị trí nghỉ việc hoặc chuyển công tác, có thêm Bạch Tuyết, Kim Loan, Hồng Điệp, Việt Nga, Phương Thanh, Hồng Vân, Mai Hiền, Mỵ Cơ, Đỗ Ngọc… Mãi những năm sau này thì đội ngũ đã đông hơn, trẻ hơn, kể không đầy đủ được. Điểm lại tên tuổi phóng viên Báo Phụ Nữ những năm từ 1975-1976 đến giữa những năm 1980 chỉ để biết rằng, nhiều người ở Báo Phụ Nữ và làng báo hiện nay nữa có lẽ không còn nhớ, thậm chí không biết chị Hà Phương mà tôi đang nói đến là ai. Chị, Phan Thị Phương - Hà Phương, chính là thủ lĩnh khối nội dung, Thư ký tòa soạn đời đầu của Báo Phụ Nữ TP.HCM.
Tổng biên tập Phương Điền và Ban biên tập giao cho chị trách nhiệm trực tiếp “chăn dắt” đám trẻ chúng tôi. Giao đề tài, tiếp nhận và biên tập bản thảo trước khi chuyển cho bộ phận đánh máy (một cái máy chữ Remington to đùng và một cái nhỏ gọn hơn), đó là nhiệm vụ của chị. Nộp bài cho chị xong, thói quen của chúng tôi là chờ nghe từ chị những nhận xét “sinh tử”. Thường thì chị hay nói câu này với đứa nào đó “bài mi viết tươi đó”, hoặc “viết khô quá”. Hình như, “tươi” hay “khô” của chị nghĩa là hay hoặc chưa hay. Bài vào tay chị thì, như Tổng biên tập Phương Điền hay nói “yên tâm về câu chữ, ngữ pháp, chính tả luôn được sửa sang chỉn chu”.
Công tác tòa soạn hồi đó ít phức tạp hơn bây giờ. Chủ yếu là sửa câu chữ cho đúng, cho hay; cắt bớt cho vừa với diện tích trang, mục, chọn ảnh hay tranh vẽ lớn, nhỏ minh họa cho phù hợp và sinh động trang báo. Làm lính chị Hà Phương, bài học lớn mà phóng viên như tôi tiếp thu và ghi nhớ là: viết phải đúng ngữ pháp, chính tả; diễn đạt câu phải gãy gọn, rõ nghĩa, thông tin phải chính xác và viết sao cho có… văn. Tôi nhớ câu chị trao đổi nghiệp vụ, nhẹ nhàng mà sau này càng làm nghề càng thấy thấm: người ta đọc báo thì tất nhiên là cần đọc tin tức vụ việc trong đó. Nhưng nếu đọc một bài vừa có thông tin, vừa viết hay thì người đọc sẽ thích hơn nhiều. Những bài báo hay như thế sẽ làm nên thương hiệu của một tờ báo.
Chị ghét sự cẩu thả trong cách dùng từ, cách đặt câu, đặt tựa và cả cách trình bày bản thảo. Khi nhận xét bài vở, chị không quên kèm theo sự “đay nghiến”: “Cầm cái bản thảo chữ viết đàng hoàng, câu cú tử tế, chừa lề, chừa dòng đúng cách để có chỗ biên tập, thấy cả người viết và người đọc đều xứng được trân trọng. Còn có những bản thảo phải sửa lỗi nhiều quá, giống như giấy loại…”. Không biết từ lúc nào, sự đòi hỏi khắt khe trong công việc của người Thư ký tòa soạn nhỏ nhắn ấy (và đôi lúc nghiệt ngã nữa) đã ngấm vào lứa phóng viên trẻ chúng tôi. Thì ra, ngoài năng khiếu, ngoài sự đào tạo báo chí trong nhà trường, cách mà người phụ trách trực tiếp đòi hỏi phóng viên trong công việc nghiệp vụ cũng là sự đóng góp quan trọng trong việc đào tạo một nhà báo chuyên nghiệp.
Bà Hà Phương (ngồi giữa) rất vui khi gặp lại các đồng nghiệp, cũng là những phóng viên do mình phụ trách, dìu dắt 30-40 năm trước - Ảnh: Phùng Huy
Chị Hà Phương mà tôi đang nhớ tới trong giờ phút chia tay âm - dương này không chỉ là một Thư ký tòa soạn kỹ lưỡng mà còn là một người viết báo cần mẫn, cẩn trọng. Từ lúc còn làm việc cho tới lúc nghỉ hưu, ngay cả khi tuổi đã hơn bảy mươi, chị vẫn đi dự các cuộc sinh hoạt văn hóa, chính trị và viết. Không chỉ viết cho cơ quan cũ là Báo Phụ Nữ TP.HCM, mà chị còn gửi bài và được đăng ở các báo Phụ Nữ Việt Nam, Sài Gòn Giải Phóng, được đọc ở Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM. Mỗi lần gặp chị, nói với chị là vừa đọc được bài chị viết đăng trên tờ này, tờ nọ, chị vui lắm và trả lời lần nào cũng như lần nào “viết cho đỡ lụt nghề, đỡ thấy vô dụng”.
Điều đáng nói là các bài chị viết thường là về các tấm gương sống tốt của các cán bộ phụ nữ, các cựu chiến binh, về kinh nghiệm xây dựng điều tốt đẹp ở địa phương, ở các cấp Hội Phụ nữ. Trong một lần tâm tình tại cuộc họp mặt cán bộ Hội lão thành ở Thành Hội Phụ nữ, chị đã nói: “Có phải là thường ngày không thấy, không nghe chuyện tiêu cực, chuyện bực mình của chính quyền, của cán bộ đâu. Nhưng, nếu viết hoài hoặc chỉ viết về những điều đó thì vừa không phản ánh đầy đủ cuộc sống, vừa sai với nguyên tắc đúng này “phải lấy cái tốt để đẩy lùi cái xấu”. Không có những người sống tích cực, làm điều tích cực thì cuộc sống này đã lụi tàn rồi”. Nghe lời tâm tình đó của chị, tự thấy phải xem lại mình. Phải chăng có lúc mình và những đồng nghiệp nào đó của mình đã sai khi nghĩ: không, ai viết tích cực thì viết, còn tôi chỉ thuận với viết chống tiêu cực, tiêu cực nhiều quá, phải viết nhiều để góp phần làm cho nó bớt đi.
Tin buồn
Bà Phan Thị Phương (bút danh Hà Phương), sinh năm 1936 tại Sài Gòn, nguyên Thư ký tòa soạn Báo Phụ Nữ TP.HCM, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, từ trần lúc 12g15 ngày 14/3/2021 (tức mùng Hai tháng Hai năm Tân Sửu), hưởng thọ 86 tuổi.
Lúc 13g ngày 16/3/2021 (tức mùng Bốn tháng Hai năm Tân Sửu) linh cữu bà được đưa đi hỏa táng tại Nghĩa trang Phúc An Viên, TP.Thủ Đức.
Ban biên tập, cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Phụ Nữ TP.HCM thành kính phân ưu cùng tang quyến.
BÁO PHỤ NỮ TP.HCM
Hôm tôi đến nhà tang lễ Bệnh viện Thống Nhất nói lời từ biệt chị Hà Phương, người phụ trách nghiệp vụ của tôi bốn chục năm trước, tôi bỗng nhận ra từ gương mặt thanh thản của chị trong bức ảnh trên tường. Hạnh phúc của chị hóa ra đã được bù đắp rất nhiều sau sự đứt gãy hôn nhân khi còn trẻ. Hạnh phúc của chị là con gái đã có cuộc sống vững vàng, đã cho chị niềm vui được làm bà cố ngoại. Chị đã được những đồng nghiệp trong nghề báo mà chị theo trọn một đời, những người từng là lính của chị nhớ đến chị với lòng biết ơn vì chị đã góp phần dạy họ cách làm việc cẩn thận ngay từ khi còn trẻ. Chị hạnh phúc còn vì, chị đã từ Sài Gòn rời gia đình đi tham gia cách mạng khi chưa đầy 15 tuổi và 70 năm sau được nằm xuống chính trên quê hương mình.
Chia ly, tranh đấu, thống nhất, hòa bình. Một vòng đời chị đã trọn, chị Hà Phương.
Nguyễn Thế Thanh (Nguyên Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM)