Tâm bão - Tâm bình yên

13/08/2020 - 21:53

PNO - Gây bão cộng đồng mạng đầu tiên, là hình ảnh các bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Chợ Rẫy tiên phong vào tâm dịch Đà Nẵng. Người ta không vọng tưởng đến những siêu anh hùng xa xôi, với họ, hình ảnh các bác sĩ lúc này chính là những anh hùng thực sự.

Liên tục trên nhiều tỉnh, thành của cả nước, số lượng các đoàn bác sĩ tình nguyện đến với Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế ngày một nhiều, với tinh thần Đà Nẵng không đơn độc, miền Trung không đơn độc. Và họ đến với một trái tim tình nguyện. 

Các bác sĩ, điều dưỡng đến hỗ trợ  Đà Nẵng chống dịch
Các bác sĩ, điều dưỡng đến hỗ trợ Đà Nẵng chống dịch

Những ngày này, câu chuyện các bác sĩ Đại học Y Hà Nội đến với miền Trung ngay trong đêm, bằng phương tiện xe cứu thương, sau khi nghe tin chuyến bay duy nhất trong ngày bị hoãn và hình ảnh các y, bác sĩ Hải Phòng đồng loạt cạo đầu trước khi đi vào tâm dịch đã làm cay khóe mắt bao người. 

Các bác sĩ tình nguyện có thể còn rất trẻ, có thể vài giờ nữa đến sinh nhật của mình, có thể vừa mới kết hôn được vài tuần và có thể mẹ đang ốm… nhưng họ đều không chần chừ trước lời hiệu triệu. 

Điều gì khiến họ “háo hức” như vậy, khiến họ “tim đập nhanh” như vậy, nếu không phải là một trái tim quả cảm, một trái tim quên mình. Ở đó không có chỗ cho nỗi sợ hãi, không có chỗ cho sự đùn đẩy, không có chỗ cho sự do dự. 

Các bác sĩ, điều dưỡng của Hải Phòng  lên đường hỗ trợ cho TP.Đà Nẵng  - Ảnh: Lê Minh Thắng - An ninh Thủ đô
Các bác sĩ, điều dưỡng của Hải Phòng lên đường hỗ trợ cho TP. Đà Nẵng - Ảnh: Lê Minh Thắng/An ninh Thủ đô

Bạn có thể cho rằng họ cũng là con người với những hỉ, nộ, ái ố. Đúng. Ít nhất “nếu chẳng may dương tính với COVID-19 thì lo là lo phải tạm ngưng phục vụ trong 14 ngày để cách ly”, như học trò của phó giáo sư - bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ. 

Đêm 6/8, nhà tôi hứng chịu hậu quả của cơn mưa lớn ở TPHCM. Nước tràn vào nhà mang theo cả bùn sình và rác. Sáng hôm sau, khi nước rút, chúng tôi di chuyển tất cả đồ đạc ra sân để chà sàn nhà và tôi nhìn thấy chiếc chậu đá thạch anh cũng bị ngập nước. Nhưng, khác hẳn với những vết bẩn loang lổ để lại trên sàn, nước trong chậu đá lại trong vắt. Rõ ràng lượng nước bẩn đã được thấm qua những viên đá nhỏ và lắng lại. Chưa kể thạch anh với những rung động tinh khiết và vi tế của mình đã làm sạch nước. Chẳng ai nghĩ quá trình thanh lọc và làm lắng dịu lại có khả năng chuyển hóa bất ngờ như thế. 

Cũng vậy, nỗi lo lắng, do dự và băn khoăn ở các bác sĩ, nếu có, hẳn đã được lọc qua không biết bao nhiêu lớp đá ngầm, để không còn bị xao động và quấy nhiễu đáng kể nữa. Nên mới có những nụ cười trong trẻo nhường ấy, những tấm lòng hăng hái xông lên tuyến đầu nhiệt tình nhường ấy. 

Đội ngũ y, bác sĩ Bình Định sẵn sàng hỗ trợ Đà Nẵng chống dịch Covid-19 - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bình Định
Đội ngũ y, bác sĩ Bình Định sẵn sàng hỗ trợ Đà Nẵng chống dịch COVID-19 - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bình Định

Người ta nói rằng, một khi bạn đã được thức tỉnh, bạn sẽ không bao giờ trở lại như cũ được nữa. Một khi bạn đã nhận thức rõ ràng về một điều gì, bạn sẽ khó mà hành động trong trạng thái lơ mơ như trước kia. Cũng giống như khi một đứa trẻ từng ngây thơ chạm tay vào lửa và biết nóng, đứa trẻ sẽ không bao giờ đùa với lửa như thế nữa. Tôi không hẳn muốn dùng từ “thức tỉnh” vì nó có thể mang hàm nghĩa rộng hơn. Tuy vậy, với tôi, hơn ai hết, các bác sĩ là những người đã trải qua nhiều cảm giác làm chính bản thân họ phải thay đổi, để không còn “như cũ” được nữa. Và như thế, họ là những người sống, biết thật sâu sắc, ít nhất là về chuyện mất, còn; ít nhất là về giá trị của sức khỏe, của sự sống. 

Và tôi vẫn muốn dùng từ “trạng thái tâm” của họ - để nói về điều xa hơn cái mà mình hay nói là họ đi theo tiếng gọi của trái tim. Trạng thái tâm của những con người đã biến đổi một cách sâu sắc ấy cũng giống như trạng thái tâm của tâm bão. Đó là một trạng thái bình yên kỳ lạ. Họ đi vào tâm dịch với cái tâm bình yên. Chính trạng thái tâm bình yên đó sẽ mang đến cảm giác tâm-bão-bình-yên. 

Họ đến, đâu chỉ với hành trang là dụng cụ bảo hộ, thuốc men, thiết bị y tế như máy siêu âm, máy trợ thở. Họ đến mà không màng đến lẽ thiệt hơn cho chính bản thân mình. 

Chia tay người thân để đến với tâm dịch - Ảnh: Dân Trí
Chia tay người thân để đến với tâm dịch - Ảnh: Dân Trí

Có thể bạn sẽ nhớ đến một bộ phim của đạo diễn Mel Gibson. Phim nói về người anh hùng William Wallace ở thế kỷ XIII của đất nước Ireland. Chàng trai Wallace làm kẻ thù khiếp sợ hóa ra lại không phải cao đến mấy mét, nặng đến mấy tạ như người ta tưởng tượng. Anh chỉ là một người đàn ông Ireland bình thường. Anh trở thành thủ lĩnh của một cuộc chiến không phải nhờ vóc dáng mà chính là ở trái tim không biết khiếp sợ, trái tim chiến đấu cho lẽ phải và không chịu thỏa hiệp với bất kỳ thế lực nào. 

Sức mạnh phát xuất từ trái tim tình nguyện, khó có bút mực tả xiết. Sức ảnh hưởng của những việc làm nhỏ từ tâm mang đến sự lan tỏa lớn lao. 

Đó là lý do người ta thấy vui với clip bác sĩ Đương ở Bệnh viện C Đà Nẵng chia sẻ cho các bệnh nhân COVID-19 lớn tuổi bớt lo lắng. Anh thậm chí đã bắt nhịp bài hát Năm anh em trên một chiếc xe tăng để hát cùng bệnh nhân. Với những bác sĩ không những vững về chuyên môn mà còn vững vàng, gần gũi về tinh thần như vậy, người ta có thể yên tâm tập trung vào chuyện xây dựng thành trì “chống giặc COVID” cho chính mình. Người ta sẽ không phải tốn quá nhiều năng lượng để lo lắng. Người ta dành năng lượng đó cho sự phục hồi. Người ta khám phá được những điều kỳ diệu vốn ẩn chứa bên trong chính mình. 

Ở thời điểm này, toàn cầu đã phải cùng nhau trải qua, cùng nhau chịu ảnh hưởng của cơn bão mang tên Coronavirus. Có nhiều nơi đã là tâm dịch. Nhưng cũng luôn sẵn đó những mạng-lưới-bình-yên. 

Các bác sĩ đang hội chẩn để điều trị các bệnh nhân nặng tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang  và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng
Các bác sĩ đang hội chẩn để điều trị các bệnh nhân nặng tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng

Lướt một vòng trên mạng, bạn sẽ đọc được những cái tin như “Ở Ấn Độ có hơn 38.000 bác sĩ tình nguyện”, “Các bác sĩ, y tá về hưu tình nguyện trở lại giúp đỡ những khu vực chịu ảnh hưởng nặng của Coronavirus”, “Tình nguyện viên nóng lòng giúp đỡ Bệnh viện New York”. Ở Việt Nam, hàng trăm bác sĩ tình nguyện vào rốn dịch Đà Nẵng.

Bên cạnh những người hùng áo trắng, còn có rất nhiều người hùng vô danh. Họ có thể là những người nội trợ may khẩu trang hỗ trợ Chính phủ chống dịch, những người mang thức ăn, nước uống, nhu yếu phẩm cho các bác sĩ và những ai cần đến. Những tín hiệu xuất phát từ cái tâm bình an và sẻ chia như thế sẽ làm nhân rộng cảm giác bình an. Nhờ đó, người ta sẽ có sức mạnh và sáng suốt hơn để đưa ra những quyết định đúng đắn trong việc khám chữa trị cho bệnh nhân cũng như bảo vệ cho chính mình và gia đình mình.

Suy cho cùng, mỗi người vốn đã sở hữu sự bình an từ sâu thẳm nội tâm của chính mình. Dù có gặp cơn bão nào bạn cũng có thể tự xây dựng được cho mình sự bình yên. Chỉ cần mỗi người là một pháo đài bình an, thế giới sẽ dần dần trở lại bình an. 

Yến Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI