Tấm bảng đen: Tiếng thở than phảng phất niềm tin tương lai

07/10/2023 - 08:39

PNO - Mohsen Makhmalbaf là đạo diễn Iran tài năng mà Liên hoan phim quốc tế Busan (Hàn Quốc) từng dùng để đặt tên chương trình đón tiếp: Gia đình điện ảnh Makhmalbaf.

Gia  đình điện  ảnh

Gia đình đó gồm 5 người: Chồng - Mohsen Makhmalbaf, tác giả hàng loạt phim nổi tiếng, giám đốc hãng phim và giám đốc công ty điện ảnh mang tên Makhmalbaf; vợ: Marzieh Meshkini; 3 con: Samira, Hana và Maysam Makhmalbaf - mỗi người đều có trong tay tác phẩm riêng. Để đổi lấy một tài sản tinh thần như thế, công ty Makhmalbaf Film House đã bán đi hầu hết gia sản chỉ với mong muốn “nói lên được cái gì đó thông qua nghệ thuật chứ không phải mục tiêu kinh tế”.

Cảnh trong phim Tấm bảng đen
Cảnh trong phim Tấm bảng đen

Sự có mặt của gia đình Makhmalbaf ở Busan đã thật sự gây thu hút nhưng sự ngưỡng mộ có lẽ tập trung vào tên tuổi Samira - cô gái đoạt giải Giám khảo Cannes 2000 với phim Tấm bảng đen. Làm sao không ngưỡng mộ một con người như thế: 20 tuổi, 2 lần đến Cannes, trở thành đại biểu trẻ nhất trong lịch sử liên hoan phim lớn lao này: lần 1 vào năm 1998 với phim Quả táo, lần 2 vào năm 2000 với phim Tấm bảng đen và được giải. Làm đạo diễn trong một đất nước kỳ thị nữ đã khó, tác phẩm đầu tay đã đến được với Cannes, tác phẩm thứ hai đoạt giải, Samira xứng đáng là điều kinh ngạc, xứng đáng để giới phê bình quốc tế dành cho những trang viết nồng nhiệt.

Tên tuổi Samira còn khiến người ta nhớ lại giai thoại khi đạo diễn Abbas Kiarostami nhận giải vàng ở Cannes với phim Mùi vị anh đào, giới bảo thủ ở Iran đã đùng đùng nổi giận vì ông đã để cho nữ diễn viên Catherine Deneuve - chủ tịch giám khảo - ôm hôn lúc trao giải. Họ chỉ trích Kiarostami vi phạm giáo luật, “lăng nhục quốc thể”; giới bảo thủ đạo Hồi ở Iran còn quy trách nhiệm cho thủ tướng. Để tránh rắc rối, ngay khi nhận tin Samira đăng quang, ngài thủ tướng cấp tiến lập tức phải thương lượng với ban tổ chức sao cho “yên ổn”. Theo đó, Samira sẽ ngồi ghế bìa để khi lên sân khấu không chạm phải các đấng mày râu bên cạnh, người trao giải cho cô là nữ và các nhà báo không được tiếp cận. Những người đồng hương quá khích của cô khi đó không tìm ra “lỗi” nhưng nếu có, người ta cũng tin rằng không có lực cản nào ngăn trở được cô gái tài hoa ấy khi mà cô, trên sân khấu, trong chiếc khăn đen trùm kín dám dõng dạc tuyên bố: “Xin tặng lại vinh quang này cho thế hệ trẻ nước tôi - những người đang đấu tranh anh dũng cho nền dân chủ”.

Tấm bảng đen có điều kiện sản xuất đơn sơ nhưng thành công nhờ ý tưởng, nội dung và diễn xuất. Đây là bộ phim “gia đình” do công ty điện ảnh Makhmalbaf Film House sản xuất, chính Makhmalbaf phụ trách dựng phim, vợ ông - dì ruột của Samira - làm phó đạo diễn. Tấm bảng đen được Ý và Nhật đồng sản xuất.

Săn đuổi học trò  

Đã xem Tấm bảng đen ở Paris nên khi nghe tin Samira đến Busan, người viết bài rất nôn nao trực ngộ. Hóa ra tác giả bộ phim hiện đại, quyến rũ kia chỉ là một cô bé thanh mảnh, đôi chút “cổ lỗ” trong chiếc áo đen truyền thống. Samira cho biết cô đã được cha huấn nghiệp nhưng điều quan trọng hơn, ông đã truyền dạy cô tinh thần bình đẳng, ý thức tự do và lòng can đảm trước mọi rào cản. Khi được hỏi cô có cảm thấy nặng nề khi trở thành biểu tượng quá sớm, Samira hồn nhiên đáp: “Ngược lại, điều đó càng thúc giục tôi dấn bước. Tôi biết mình không đơn độc, hơn 60% dân số Iran là thanh niên và chính chúng tôi sẽ xoay chuyển mọi việc. Sức mạnh của tôi thuộc về ý thức. Tôi làm điện ảnh vì tình yêu, mà tình yêu thì không ai có thể ngăn trở”.

Poster phim Tấm bảng đen
Poster phim Tấm bảng đen

Tấm bảng đen là câu chuyện về những thầy giáo phải mang bảng trên lưng “săn đuổi” học trò. Mặc sự kiên nhẫn khó tin của những người truyền chữ, không ai muốn học, đúng hơn là không ai có thời gian để học giữa đa đoan sinh kế và nỗi quay quắt cố hương. Bộ phim về Iran nhưng kể chuyện sắc tộc thiểu số Kurd - một sắc tộc 30 triệu người không có quốc gia riêng, du sinh trên lãnh thổ của Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iraq, với nhiều cộng đồng tị nạn rải rác trong khu vực Trung Đông và các nước Tây phương.

Bằng cách quay giả tài liệu, máy quay của Samira đã thu tóm vẻ hoang sơ của núi đồi trơ trọc, dõi theo từng bước gian truân của các nhân vật. Phim làm người xem cảm động bởi nhiệt tâm nhà giáo, cảm động một tuổi thơ vất vưởng, cảm động nỗi hoài hương trong tuổi xế chiều… Tấm bảng đen dường như cũng là câu chuyện của lòng hy vọng.

Trailer phim Tấm bảng đen:

 

 

Không có những thủ thuật, đôi lúc thô vụng nhưng sự chân thật trong diễn xuất, sự khắc nghiệt của cảnh quan và lối dựng phim giàu tiết điệu đã khiến Tấm bảng đen trở thành bộ phim cá tính, đủ sức rung cảm. Cực nhọc trong sản xuất, mạnh mẽ trong chi tiết, khó nghĩ Tấm bảng đen được làm nên bởi một cô gái 20 tuổi. Có lẽ đó là lý do bộ phim tài liệu 50 phút Samira làm phim Tấm bảng đen như thế nào của em trai cô khiến người xem thích thú. Bộ phim cho thấy Samira đã đưa hàng trăm người già, trẻ em chân đất lên núi để quay phim, thân nhi nữ của cô cũng phải lặn lội, phơi mình trong giá rét. Như những người thầy, “cô bé” đạo diễn cũng mang trên người “bảng thiên sứ” điện ảnh. 

Thời điểm phim là chiến tranh Iran - Iraq (1980-1988) và dân tộc Kurd sinh sống ở 2 bên biên giới, giữa 2 làn đạn. Bắt đầu phim, ta thấy một nhóm “thầy” giáo đang đi trên đường núi thì có tiếng máy bay. Khi máy bay đi khuất, họ dùng bùn ngụy trang các tấm bảng để tiếp tục hành trình. Đến một ngã ba, mọi người phân vân và số lớn chọn đi cùng hướng. Thầy Said và Reboir chọn đường khó khăn hơn, mang theo tiếng rao “Ai muốn biết đọc biết viết, biết làm tính không?”.
Vì một lý do, 2 thầy phải chia tay. 2 câu chuyện được dựng đồng hiện. Trên đường leo núi, Reboir gặp cụ già hỏi thăm đường, nhờ anh đọc hộ thư con trai đang là tù binh ở Iraq. Reboir không biết tiếng Ả Rập nên đọc đại “Con chào mẹ, con chào cha” cho bà cụ vui, tiếp tục gặp nhóm trẻ em cửu vạn mang hàng lậu qua biên giới. Mặc ông thầy ra sức thuyết phục “Biết đọc có thể xem báo, biết tình hình thế giới, đọc truyện”, bọn nhỏ cho rằng chúng có khối chuyện hay để kể mà không cần biết đọc, rằng học toán để làm gì khi chủ nhân đã tính hết cả rồi. Đến biên giới Iraq, bọn nhỏ thuần thục núp vô đàn dê lớn để qua được chốt gác. Chữ thực sự không giúp được gì cho chúng trong cuộc mưu sinh khổ nhọc, hiểm nguy.

Samira ở Liên hoan phim Cannes
Samira ở Liên hoan phim Cannes

Những giá trị tinh thần mới  

Sau nhiều lần chiêu sinh thất bại, Said gặp nhóm người di tản ở Iran hồi hương Iraq nhưng đi lạc nhờ anh dẫn lối, trả công bằng nhân hạt hồ đào. Đoạn này kịch bản liệt ra nhiều chi tiết hài hước: Trên đường đi, một cụ già bị tắc đường tiểu kiệt sức, thuê tấm bảng đen làm cáng cũng bằng nhân hạt hồ đào. Cụ già muốn gả con gái Halaleh đang làm mẹ đơn thân cho Said để yên tâm trước khi mất. Theo tục Hồi giáo, nhà trai phải có của hồi môn, trong khi Said không có gì ngoài tấm bảng dùng che hốc đá làm chỗ riêng tư. Thay vì nói “Em yêu anh” như chồng dạy, Halaleh dùng tấm bảng phơi quần áo, thay vì bận tâm điểm số và bảng cửu chương, Halaleh nói trái tim cô là con tàu để thiên hạ lai vãng... Halaleh theo cha về Iraq. Said muốn ở lại Iran nên ly hôn. Halaleh giữ tấm bảng đen hồi môn... Phim có khung cảnh đẹp, nhiều tình tiết lý thú nhưng đôi khi gây chán như chi tiết Said vừa đi vừa đọc bảng cửu chương bị lặp lại.

Xem phim Samira, nhìn thấy quá trình lao động do em cô quay lại, những ai hành nghề điện ảnh đều tin Samira sẽ tiếp tục thành công bởi ngay lúc nhập môn, cô đã không tránh né sự gian khổ. Rằng trong bộ áo đen truyền thống, người con gái ấy đang làm nên những giá trị tinh thần mới, hiện đại, mang tính nhân loại mà không cần phải đi ngược hay phá vỡ “đạo đức” bị bảo thủ nhân danh. Rằng điện ảnh có vai trò quan trọng trong đất nước Iran cải cách và trong nền điện ảnh đó, phụ nữ sẽ có vai trò rất lớn.

Nguyễn Việt Linh (Nguồn ảnh: Internett) 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI