Taliban phục hồi luật ném đá, chặt tay, phụ nữ Afghanistan tìm mọi cách đáp trả

14/09/2021 - 11:49

PNO - Phụ nữ Afghanistan mới phát động trên mạng xã hội một phong trào phản đối quy định nghiêm ngặt về trang phục của Taliban đối với nữ sinh viên bằng các từ khóa #DoNotTouchMyClothes (Đừng đụng vào y phục chúng tôi) và #AfghanistanCulture (Văn hóa Afghanistan).

Phong trào lấy việc tôn vinh trang phục truyền thống đầy màu sắc của phụ nữ Afghanistan để đối lập với quy định y phục đơn điệu và xám xịt của Taliban.

Nữ sinh viên Afghanistan mặc toàn đồ đen trong cuộc biểu tình ủng hộ Taliban tại một trường đại học ở Kabul - Ảnh: BBC/Getty Images
Nữ sinh viên Afghanistan mặc toàn đồ đen trong cuộc mít-tinh ủng hộ Taliban tại một trường đại học ở Kabul - Ảnh: BBC/Getty Images

Chỉ cần tìm kiếm trên Google nội dung "Trang phục truyền thống Afghanistan", chúng ta sẽ choáng ngợp trước những bộ váy áo đa sắc màu văn hóa. Mỗi bộ đều độc nhất vô nhị, kiểu dáng lộng lẫy với những hình thêu thủ công, nhiều chiếc gương nhỏ được gắn quanh ngực, váy dài và xếp nếp, rất thích hợp để xoay người trong vũ điệu "Attan" hoặc các điệu múa dân tộc của Afghanistan. Một số phụ nữ đội mũ thêu tay, những người khác đội mũ trùm đầu, tùy thuộc vào khu vực sinh sống của họ ở  Afghanistan.

Một phiên bản thu nhỏ của những chiếc váy tương tự đã được các nữ sinh viên mặc đi học hàng ngày hoặc phụ nữ mặc đi làm trong 20 năm qua. Để tiện lợi, đôi khi họ thay thế bằng quần jean và những chiếc khăn quàng cổ được đội trên đầu thay vì choàng qua vai.

Nhưng hình ảnh những người phụ nữ mặc áo đen dài, che kín mặt và tay, tụ tập ở Kabul cuối tuần qua để ủng hộ "trật tự mới của Taliban", là một sự tương phản rất lớn.

Một chiếc váy truyền thống trong y phục văn hóa Afghanistan được đăng theo #AfghanistanCulture - Ảnh: Twitter của tiến sĩ Bahar Jalali
Một chiếc váy truyền thống trong y phục văn hóa Afghanistan được đăng theo #AfghanistanCulture - Ảnh: Twitter của tiến sĩ Bahar Jalali

Trong một đoạn video, những phụ nữ xuống đường ủng hộ Taliban ở thủ đô Kabul nói rằng phụ nữ Afghanistan trang điểm và mặc quần áo tân thời "không đại diện cho phụ nữ Afghanistan theo đạo Hồi" và "chúng tôi không muốn các quyền của phụ nữ bị ngoại lai và mâu thuẫn với luật Hồi giáo Sharia".

Phụ nữ Afghanistan trên khắp thế giới đã nhanh chóng đáp trả.

Tham gia một chiến dịch truyền thông xã hội do tiến sĩ Bahar Jalali, cựu giáo sư lịch sử tại Đại học Mỹ ở Afghanistan phát động, họ đã sử dụng các thẻ #DoNotTouchMyClothes và #AfghanistanCulture để khôi phục trang phục truyền thống của mình.

Tiến sĩ Jalali nói rằng cô bắt đầu chiến dịch vì một trong những mối quan tâm lớn nhất của cô là "nhân phẩm và độc lập của Afghanistan đang bị tấn công". Sau khi đăng lên Twitter một bức ảnh mặc váy màu xanh lá cây của Afghanistan, Jalali kêu gọi những phụ nữ Afghanistan khác chia sẻ hình ảnh của họ để thể hiện "bộ mặt thật của Afghanistan".

"Tôi muốn thông báo với thế giới rằng những trang phục bạn thấy trên các phương tiện truyền thông (ám chỉ những trang phục phụ nữ mặc tại cuộc biểu tình ủng hộ Taliban) không phải là văn hóa của chúng tôi, đó không phải là bản sắc của chúng tôi", Jalali viết.

Nhiều người sửng sốt trước cách ăn mặc của những phụ nữ tham gia cuộc mít-tinh ủng hộ Taliban vì họ vốn đã quen với những bộ váy áo truyền thống nhiều màu sắc, có hình vạn hoa của phụ nữ nước này.

Đầu tháng 9, một cuộc biểu tình của phụ nữ đòi Taliban bảo vệ quyền của họ đã diễn ra ở Kabul - Ảnh: BBC/Getty Images
Đầu tháng 9, một cuộc biểu tình của phụ nữ đòi Taliban bảo vệ quyền của họ đã diễn ra ở Kabul - Ảnh: BBC/Getty Images

Mỗi vùng của Afghanistan đều có trang phục truyền thống riêng, mặc dù có sự đa dạng nhưng tất cả đều có chung một chủ đề: rất nhiều màu sắc, gương và hình thêu. Và những người phụ nữ Afghanistan đều có chung suy nghĩ rằng trang phục thể hiện bản sắc của họ.

Spozhmay Maseed, một nhà hoạt động nhân quyền gốc Afghanistan ở Mỹ, đăng ảnh lên Twitter kèm theo lời bình: "Đây là chiếc váy đích thực của Afghanistan. Phụ nữ Afghanistan mặc trang phục sặc sỡ và giản dị như vậy. Áo choàng đen chưa bao giờ là một phần của văn hóa Afghanistan". "Trong nhiều thế kỷ, chúng tôi là một quốc gia Hồi giáo và những người bà của chúng tôi đã ăn mặc giản dị trong bộ quần áo truyền thống, chứ không phải áo dài trùm đầu màu xanh và áo choàng đen của người Ả Rập".

"Quần áo truyền thống của chúng tôi đại diện cho nền văn hóa và lịch sử 5.000 năm phong phú của chúng tôi, điều này khiến mọi người Afghanistan cảm thấy tự hào về bản thân mình", cô Maseed nói thêm.

Đây là chiếc váy đích thực của Afghanistan. Phụ nữ Afghanistan mặc trang phục sặc sỡ và giản dị như vậy. Áo choàng đen chưa bao giờ là một phần của văn hóa Afghanistan - Ảnh: Twitter Spozhmay Maseed
"Đây là chiếc váy đích thực của Afghanistan. Phụ nữ Afghanistan mặc trang phục sặc sỡ và giản dị như vậy. Áo choàng đen chưa bao giờ là một phần của văn hóa Afghanistan" - Ảnh: Twitter Spozhmay Maseed

"Văn hóa của chúng tôi không đen tối, không đen trắng - nó đầy màu sắc và có vẻ đẹp", Lima Halima Ahmad, một nhà nghiên cứu người Afghanistan 37 tuổi và là người sáng lập Hiệp hội Paywand Afghanistan tập trung vào các vấn đề phụ nữ, cho biết.

Là một người từng sống và làm việc ở Afghanistan trong 20 năm, cô Ahmad nói: "Phụ nữ có quyền lựa chọn. Mẹ tôi đeo mạng che mặt dài và lớn, nhưng một số phụ nữ chọn đeo loại nhỏ hơn. Quy định về trang phục không được áp dụng đối với phụ nữ".

Mới đây, các quan chức Taliban cho biết phụ nữ nước này có thể đi học và đi làm theo luật Hồi giáo Sharia và truyền thống văn hóa địa phương, nhưng các quy tắc nghiêm ngặt về trang phục “cần được áp dụng”.

Một số phụ nữ Afghanistan bắt đầu ăn mặc giản dị hơn và bộ chadari (áo dài trùm đầu) màu xanh đã quay trở lại, thủ đô Kabul và các thành phố khác chứng kiến ngày càng nhiều phụ nữ mặc y phục này.

Bộ trưởng Giáo dục Đại học Abdul Baqi Haqqani cho biết các trường đại học sẽ tách riêng theo giới tính và tất cả sinh viên nữ đều bắt buộc dùng mạng che mặt.

Taliban phục hồi luật ném đá, chặt tay

Mới đây Taliban đã phục hồi Bộ Tuyên truyền đạo đức và phòng chống tội phạm - vốn đã bị bãi bỏ sau khi Hoa Kỳ chiếm đóng nước này. Bộ Đạo đức đã khiến nhiều người Afghanistan phải rùng mình sợ hãi vì cách giải thích luật Hồi giáo Sharia khắc nghiệt của nó.

“Nhằm phục vụ đạo Hồi, chúng ta bắt buộc phải có Bộ Đạo đức”, Mohammad Yousuf, 32 tuổi, người được cho là chịu trách nhiệm về “khu trung tâm ” Afghanistan, cho biết. Yousuf nói: “Chúng tôi sẽ trừng phạt theo các quy tắc Hồi giáo. Bất cứ điều gì Đạo Hồi có chỉ dẫn, chúng tôi sẽ trừng phạt tương ứng”.

Các hành vi sẽ bị trừng phạt theo "trọng tội của Hồi giáo" bao gồm quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, giết người và trộm cắp, Yousuf nói.

Ông ta giải thích: “Hồi giáo có những quy tắc của nó đối với người phạm trọng tội. Ví dụ, giết người có các mức hình phạt khác nhau. Nếu cố ý giết người mình quen biết, sẽ bị tử hình. Nhưng nếu không cố ý, thì có thể sẽ có một hình phạt khác như nộp phạt một khoản tiền nhất định. Nếu trộm cắp sẽ bị chặt tay, nếu ngoại tình sẽ bị ném đá đến chết”.


Cẩm Hà (theo BBC News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI