Anh Tính (quận 12, TP.HCM) - tài xế taxi Vinasun cho biết, nhiều lái xe đã tháo decal xuống từ chiều hôm qua (8/10). Một phần anh em taxi thấy ngại, một phần vì phát ngôn thiếu chính xác của đại diện Vinasun.
“Tôi thấy một số anh em tài xế vẫn để, nhưng đa phần đều tháo xuống hết. Để biển như vậy gây chú ý lắm, khách lên xe cứ hỏi tới hỏi lui phiền phức. Cứ tháo xuống trước, trách nhiệm tính sau chứ để có khi khách họ tẩy chay thật thì lúc đó treo chén cơm của anh em”, anh Tính nói.
|
Nhiều taxi chủ động gỡ decal vì sợ bị khách hàng tẩy chay. |
Một tài xế taxi Vinasun khác có tên M.X.P (ngụ quận 8, TP.HCM) cho biết, anh cũng đã tháo biển xuống mặc dù chưa có chỉ thị của cấp trên. Các anh em lái xe cùng chơi chung nhóm với anh X.P đã tháo từ chiều hôm qua vì bức xúc việc làm của lãnh đạo Vinasun khi "phủi tay" với việc làm của hãng.
“Tôi cũng không hiểu chính sách đấy có ý gì. Phía lái taxi chúng tôi chơi chung mấy năm nay tại Sài Gòn lãnh đạo kêu dán gì thì dán cái đấy. Việc dán decal nếu lãnh đạo cho là tài xế tự phát thì tôi không hiểu nhóm tài xế nào có tầm ảnh hưởng đến cả một bộ máy của Vinasun ở Sài Gòn như thế”, anh này nhấn mạnh.
Khi chúng tôi hỏi tình hình đưa đón khách ngày hôm qua có bị ảnh hưởng không sau khi việc dán decal chỉ trích Uber, Grab bị người dân phản đối, anh X.P cho biết, thật ra lái xe taxi đã bị ảnh hưởng từ lâu rồi, kể từ khi Grab và Uber nhảy vào thị trường taxi với giá rẻ, cạnh tranh hơn. Trước đây, anh X.P chạy "tà tà" cũng được 2 triệu đồng ngày, nhưng bây giờ chạy "sung" lắm cũng chỉ khoảng 1,5 triệu đồng ngày mà thôi.
“Đó là lý do vì sao anh em tài xế lần lượt đổi nghề, hoặc chuyển sang chạy dịch vụ, số khác đầu quân cho taxi công nghệ luôn. Cũng không trách được vì ai cũng cần phải nuôi gia đình, nuôi vợ con mà”, anh X.P nói.
|
Hàng loạt taxi Vinasun tại TP.HCM đồng loạt dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab gây phản cảm. |
Nhận định về việc taxi Vinasun dán decal chỉ trích Grab và Uber, T.S Nguyễn Ngọc Sơn - Trưởng Khoa Luật trường Đại Học Tôn Đức Thắng cho rằng đây là hành động thiếu khôn ngoan về luật lẫn chiến lược của Vinasun.
Theo luật sư Sơn, chưa đề cập đến nội dung, về mặt luật pháp, không có quy định trực tiếp/gián tiếp nào cấm khi thực hiện kinh doanh không được nhắc hay nói về đối thủ cạnh tranh. Vậy, Vinasun đưa tên trực tiếp Grab và Uber lên xe để biết, để thông báo thì không có quy định nào nói về việc này.
Tuy nhiên, nhìn từ góc độ nội dung, nói đúng hay sai mới là vấn đề. Trên bảng decal đấy có một số thông tin, ví dụ như câu "Đề nghị dừng thí điểm Grab với Uber vì có nhiều bất công về điều kiện kinh doanh". Câu này phần đầu là yêu cầu dừng thí điểm thì luật sư Sơn thấy đúng, dừng thí điểm thì chuyển sang thừa nhận chính thức, vì dừng thí điểm không có nghĩa là chấm dứt hoàn toàn.
Điều 43 - Luật Cạnh tranh: Gièm pha doanh nghiệp khác
Cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.
|
Còn nội dung phía sau, có "quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh" thì cá nhân luật sư thấy trường hợp này phải xem xét, kiểm tra xem về mặt pháp luật có bất công không? Nếu có bất công thì câu này đúng, và cần phải sửa cái sự bất công đấy. Nhưng nếu không có bất công thì câu này sai, mà nếu sai thì là gièm pha, vi phạm điều 43 của luật cạnh tranh về hành vi gièm pha.
Còn trong câu thứ hai "Yêu cầu Grab và Uber tuân thủ pháp luật Việt Nam" thì đấy là câu bất cứ ai cũng nói được. Nhưng ngược lại, đối với các doanh nghiệp thì trường hợp này có thể dẫn đến hiểu nhầm. Ở đây hiểu nhầm là trường hợp này Uber và Grab đã và đang không tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Nếu gây hiểu nhầm thì gọi hành vi này là: Đưa thông tin gây nhầm lẫn, chứ không phải gian dối mà nhầm lẫn. Nếu trường hợp này có thể quy về hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác theo điều 44.
"Tôi nghĩ việc làm của Vinasun là việc làm thiếu khôn ngoan cả về mặt pháp luật lẫn chiến lược. Về pháp luật, khi đưa ra thông tin có tính chất dèm pha mà nếu những thông tin đấy không được kiểm chứng hoặc kiểm chứng cho rằng không đúng thì rõ ràng cấu thành sự gièm pha hoặc là gây nhầm lẫn. Xét với góc độ kinh doanh, việc làm của Vinasun cho thấy "Vinasun đang cố gắng níu kéo quá khứ", không chịu nhìn về tương lai thì người tiêu dùng sẽ càng chán thôi", luật sư Sơn kết luận.
|
Nhiều xe buộc phải dán bảng hiệu chỉ trích Grab và Uber trước khi xuất xưởng vào sáng sớm ngày 8/10 tại TP.HCM |
Hiện phía Grab từ chối đưa ra bất kỳ ý kiến, bình luận gì có liên quan đến việc Vinasun dán decal sau xe với thông điệp chỉ trích taxi công nghệ. Theo nhận định của luật sư Sơn, thời điểm này Grab và Uber im lặng là hợp lý, đúng về mặt kinh doanh.
Hoạt động của Grab và Uber tại một số nước Đông Nam Á
Sau khi đi vào hoạt động tại Indonesia, Uber và Grab bị phản đối kịch liệt từ các dịch vụ vận tải truyền thống.
Năm 2016, hàng ngàn lái xe taxi, xe buýt và xe ôm ở Jakarta, Indonesia đình công để biểu tình tác động chính quyền cấm Uber và Grab. Họ thậm chí tấn công các phương tiện giao thông khác, đe dọa người đi đường, đốt lốp xe, gây hoảng loạn và tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng.
Giải thích về hành động của mình, các tài xế taxi truyền thống phẫn nộ nói: “Họ (Grab và Uber) đang hủy hoại chúng tôi! Taxi truyền thống phải trả thuế rất cao còn họ thì không! Chúng tôi đang chiến đấu vì miếng cơm manh áo của mình!”
Không chỉ riêng Indonesia mà tại nhiều nước Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Uber và Grab vấp phải sự phản đối kịch liệt từ taxi truyền thống do phát triển quá mạnh mẽ.
Với tính năng tiện lợi, cước phí rẻ, nhiều khuyến mại và dịch vụ chăm sóc khách hàng chu đáo, Uber và Grab đang trở thành hình thức di chuyển yêu thích của người dân. Cũng chính vì sự bùng nổ này, hoạt động của Uber và Grab đang bị chính phủ các nước siết chặt bằng nhiều biện pháp nghiêm khắc.
Ngay từ khi mới xuất hiện ở Thái Lan, các tài xế Grab và Uber đã bị Cục giao thông đường bộ “tuýt còi” nhiều lần để kiểm tra đột xuất giấy tờ xe, nếu không có sẽ bị phạt 57 USD và treo bằng 6 tháng.
Sau cuộc biểu tình của các tài xế ở Jakarta, chính phủ Indonesia nhanh chóng yêu cầu Uber và Grab hợp tác với các công ty vận tải trong nước, đăng ký xe trước ngày 31/5/2016 và tài xế của 2 hãng phải tham gia đầy đủ các bài kiểm tra kỹ năng bắt buộc.
Mới đây, nhận thấy lượng taxi truyền thống nằm bãi quá lớn và lượng người sở hữu xe hơi giảm dần, chính phủ Singapore đưa ra các luật lệ để kiềm chế sự phát triển của Uber và Grab.
Ngọc Anh (tổng hợp)
|
Thái Nguyễn