Tài xế Grab tiết lộ nguyên nhân 'chê' chuyến

15/05/2018 - 16:00

PNO - Sau khi Uber sáp nhập vào Grab, nhiều khách hàng đánh giá dịch vụ của Grab ngày càng “xuống cấp”. Tài xế hãng này cũng thừa nhận chuyện từ chối cuốc ngắn, hoặc hủy chuyến không thông báo với khách hàng,... không phải hiếm. Vì sao?

Giá lên, chất lượng xuống!

Thời gian gần đây, nhiều tài khoản mạng xã hội bày tỏ sự không hài lòng khi sử dụng dịch vụ của hãng Grab. Đa số trường hợp phàn nàn chuyện gặp phải tài xế thiếu lịch sự, thiếu trách nhiệm giờ giấc và sẵn sàng “bỏ bom” khách.

Trường hợp của anh Ngọc Phúc (ngụ quận 3) khi đặt Grab và bị… tài xế bắt chờ là ví dụ. Anh Phúc kể lại, tháng trước có việc cần đi từ quận 1 sang quận 7, anh chọn  đặt Grab Car. Sau 5 phút tìm, anh cũng thở phào khi có tài xế nhận chuyến. Tuy nhiên, khi người này liên hệ, anh đã hủy chuyến. Lý do đến từ thái độ “chê khách” của tài xế.

“Đặt tài xế và dặn họ là tôi cần đi gấp. Thế mà nhận về là một lời hẹn: “Anh đợi 40 phút, xe đang tới’ trong khi tôi lại nghe vẳng vào điện thoại tiếng ồn ào cụng bia và lời nhắc ‘Uống đi mày’… Thật không còn gì để nói. Chắc chê giá tiền ít vì chuyến đi cước chưa đến 60.000 đồng nên nói 40 phút để tôi nản, tự hủy chuyến”, anh Phúc kể lại.

Tai xe Grab tiet lo nguyen nhan 'che' chuyen
Grab tăng giá, dịch vụ nhiều vấn đề khiến người dùng càng thêm nuối tiếc Uber.

Còn chị Hằng, (ngụ Q. Phú Nhuận) thì nhận xét, sau khi tài xế gia nhập hãng Grab tăng lên, rất nhiều tài thường chê cuốc ít tiền và chọn cuốc giá tầm 50.000 đồng trở lên. Ngoài ra, chị Hằng còn khẳng định giá cuốc xe tăng lên khá nhiều sau khi Grab sáp nhập Uber vào. Thậm chí Grab tăng giá khá nhiều dù không phải là giờ cao điểm.

Chị Hằng cũng cho biết, lúc trước, những cuốc có khoảng cách gần giá rất rẻ. Tuy nhiên hiện tại, mức giá áp vào lại cao bất thường và tương đương với khung giờ cao điểm. “Đã vậy tài xế còn có thái độ chê khách. Thời điểm này vào mùa mưa, muốn bắt xe đi đâu là như “cực hình”. Giá cao giá thấp gì cũng bị hủy chuyến, nản lắm”, chị chia sẻ.

Tài xế kêu bị hãng “xử ép”

Trên chuyến xe kéo dài 20 phút từ Quận 3 về Quận Bình Thạnh, anh Thành Trung đã được nghe những bức xúc của một tài xế Grabcar về tình hình chạy chuyến hiện nay.

Mở đầu câu chuyện, anh Thành (tài xế Grabcar, Quận 2) thừa nhận anh bật cả hai app bao gồm cả app Grab và Vato để kiếm chuyến. Tuy nhiên, Vato vốn vừa đưa vào hoạt động nên vẫn còn nhiều lỗi phần mềm, chưa kể lượt khách hàng khá ít nên đợi lâu anh vẫn chưa nhận được cuốc xe.

“Tôi nói thẳng là chính sách Grab bạc đãi với nhiều tài xế. Tôi chạy Grab để chờ xem tình hình, nếu có ứng dụng nào tốt hơn tôi sẽ chuyển”, anh Thành tâm sự.

Tai xe Grab tiet lo nguyen nhan 'che' chuyen
 

Anh Thành từng là tài xế gắn bó cùng Uber nhiều năm. Thời kỳ huy hoàng của hãng, anh mua trả góp ô tô và ráng chạy thêm để trả nợ mỗi tháng. Việc Uber rút khỏi Đông Nam Á đã khiến những tài xế như anh lao đao. Anh buộc phải chuyển qua chạy Grab để có thu nhập trang trải cuộc sống.

“Chuyện bạc đãi của Grab với tài xế mới là có thật. Tài xế chuyển từ Uber qua thì phải chấp nhận chịu chiết khấu cao hơn so với những tài xế đã gắn bó lâu. Rất nhiều bạn bè tôi từng chạy Uber, khi qua Grab do không chịu nổi % cao ngất nên chủ động bỏ chạy. Chiết khấu cao, xăng tăng giá, đường kẹt xe thì tài xế chạy ôtô chịu không thấu… Giờ mấy anh em người kiếm việc khác làm hoặc chạy app khác để kiếm thêm”, anh Thành kể.

Mặt khác, anh Thành cũng cho biết bản thân anh từng từ chối nhiều khách hàng đi cuốc ngắn và đây cũng không phải chỉ là chuyện của riêng anh, rất nhiều tài xế Grab đều như thế.

“Trước đây chạy Uber, chính sách công ty khoán cho tài xế chạy bao nhiêu cuốc vào 2 ngày đầu tuần đạt được số chuyến theo định mức sẽ được hỗ trợ 1-1,2 triệu đồng. Do công ty tính toán nếu nhận đủ số chuyến sẽ bao gồm chuyến ngắn (không đảm bảo được tiền xăng cho tài xế) nên sẽ khuyến khích. Còn Grab thì ngược lại, nếu tài xế từ chối chuyến nhiều lần sẽ bị hạn chế khả năng bắt chuyến tiếp theo”, anh Thành phân tích.

“Để đảm bảo được số cuốc quy định buộc tài xế Uber trước đây phải nhận hết cuốc ngắn lẫn xa, phía hãng Uber hiểu nên thường sẽ có phụ phí. Ngoài ra, dịp lễ Tết cũng tăng tiền cho tài xế không nghỉ lễ để đảm bảo tài xế phục vụ tốt cho khách hàng”, anh Thành nhớ lại.

Mới đây, trả lời báo chí, ông Jerry Lim - Giám đốc Grab Việt Nam thừa nhận những điểm còn hạn chế của Grab sau thương vụ mua lại Uber. Bản thân của ông cũng thường xuyên đọc được những bài viết than phiền về tác phong kém của tài xế.

"Tôi cảm thông với khách hàng về vấn đề này. Grab đang cố gắng tăng cường chất lượng nền tảng của công ty ở cả 2 mặt, là tài xế lẫn khách hàng. Theo đó, các tài xế nếu hủy chuyến mà không có lý do chính đáng, hoặc có quy tắc ứng xử không phù hợp sẽ bị treo app, buộc học lại các quy định", ông Jerry Lim cam kết.

Ngoài ra, đại diện Grab cũng giải thích về nguyên nhân giá chuyến của Grab tăng nhẹ so với trước đây. Theo vị này, năm 2017 giá xăng đã tăng 6 lần, việc Grab tăng giá là để công bằng với các đối tác bởi tài xế than phiền giá xăng tăng nhưng cước vẫn không thay đổi. Hơn nữa, thông tin tăng giá này đã được Grab gửi đến email của từng khách hàng từ năm 2017.

Mộc Trà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI