Tài xế bức xúc vì đi đường đèo nhưng phải trả phí đường hầm

17/03/2022 - 10:38

PNO - Nhiều tài xế bức xúc vì sau một ngày phải chạy đường đèo cũ do hầm đường bộ Phước Tượng và Phú Gia tu sửa chữa nhưng vẫn phải đóng phí qua hầm.

Theo thông báo của Tập đoàn Đèo Cả, bắt đầu từ ngày 16/3 đến ngày 29/4 sẽ sửa chữa trùng tu cầu trên đường dẫn hầm Phước Tượng, sửa chữa hư hỏng cục bộ mặt đường bê tông xi măng trong hầm Phước Tượng và hầm Phú Gia trên QL1A, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế.

Nhiều phương tiện đi trên đường đèo cũ Phước Tượng nhưng vẫn phải trả tiền phí qua hầm
Nhiều phương tiện đi trên đường đèo cũ Phước Tượng nhưng vẫn phải trả tiền phí qua hầm

Theo đó, đơn vị quản lý vận hành sẽ đóng một làn đường trong quá trình thi công, nên từ ngày 16/3 đến ngày 29/4/2022, các phương tiện lưu thông từ Nam ra Bắc sẽ phải đi qua đường đèo Phước Tượng cũ. Phương tiện lưu thông chiều từ Bắc vào Nam vẫn đi 1 làn qua hầm Phước Tượng, hầm Phú Gia như bình thường.

Từ ngày 9/4 đến ngày 29/4/2022, các phương tiện lưu thông từ Nam ra Bắc sẽ phải qua đường đèo Phú Gia. Chiều từ Bắc vào Nam vẫn di chuyển 1 làn qua hầm Phước Tượng và hầm Phú Gia như bình thường.

Xe chạy qua đèo nhưng phải trả đường vào hầm
Nhiều chủ phương tiện đặt câu hỏi vì sao xe chạy qua đèo nhưng không được giảm phí qua hầm

Như vậy, trong gần 2 tháng sửa chữa cầu đường dẫn, trùng tu hầm, các phương tiện, người dân lưu thông từ Nam ra Bắc phải qua đèo Phú Gia hoặc Phước Tượng theo 2 thời điểm như thông báo trên.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong ngày đầu cấm qua hầm Phước Tượng chiều Nam - Bắc, nhiều tài xế đi hướng Đà Nẵng - Huế bức xúc khi đi đường đèo Phước Tượng nhưng vẫn phải đóng phí gộp sử dụng 3 hầm đường bộ Phước Tượng, Phú Gia và Hải Vân. Mức phí này từ 108.000-278.000 đồng/xe tại trạm BOT Bắc Hải Vân của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả.

Tài xế Nguyễn Trung Khánh (TP. Huế) cho biết, phải đi qua đèo vừa mất thêm thời gian, chi phí, nhiên liệu và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn... như lúc chưa có các hầm đường bộ nhưng lại không được giảm tiền phí BOT. “Hầm Phước Tượng cấm 1 chiều, buộc chúng tôi phải đi đường đèo nhưng vẫn phải đóng phí qua hầm thì quá vô lý”, anh Khánh bức xúc. 

Dịch bệnh COVID-19 hơn hai năm cộng thêm giá xăng tăng nhưng phí đường bộ qua trạm BOT Bắc Hải Vân  không giảm
Dịch bệnh COVID-19 hơn 2 năm cộng thêm giá xăng tăng nhưng phí đường bộ qua trạm BOT Bắc Hải Vân không giảm

Ngoài ra, các chủ doanh nghiệp vận tải, thường xuyên lưu thông qua cung đường Quảng Nam - Huế cho rằng, việc tăng phí gấp 3 lần qua trạm BOT Bắc Hải Vân từ ngày 1/5/2021 đã khiến doanh nghiệp gặp khó khăn và phải điều chỉnh lại giá vận chuyển. Hiện tại, xăng dầu tăng giá, doanh nghiệp lại tiếp tục tốn kém thêm chi phí xăng dầu đi đường đèo thì đúng là cú “đá bồi” kế tiếp dịch COVID-19.

Tại Việt Nam, cho đến thời điểm này vẫn còn quy định không được đặt 2 trạm BOT đường bộ cách nhau dưới 70km. Vậy nhưng đoạn đường từ Huế vào Đà Nẵng hơn 80km, đã có trạm BOT Phú Bài ở giữa (thu phí cho dự án đường tránh Huế). Để tránh vi phạm đặt 2 trạm dưới 70km, từ năm 2016, nhà đầu tư dự án 2 hầm đường bộ Phú Gia, Phước Tượng đã xin tận dụng trạm BOT Bắc Hải Vân để thu phí.

Từ tháng 9/2019, khi nhà đầu tư Đèo Cả mới thi công, mở rộng hầm lánh nạn Hải Vân thành hầm đường bộ Hải Vân 2 chưa xong thì đã xin thu phí BOT. Từ đó, phí đường bộ qua trạm BOT Bắc Hải Vân có mức từ 110.000-280.000đồng/lượt, cao gấp 3 lần so với trạm BOT thường nơi khác.

Nhiều chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện giao thông bức xúc về việc đơn vị khai thác, thu phí các dự án BOT qua các hầm không giảm tiền thu phí qua hầm trong gần 2 tháng - dù không cung cấp đủ dịch vụ qua 2 hầm - trong khi các phương tiện phải mất thêm chi phí xăng dầu, hao mòn.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cho biết, đang xin ý kiến lãnh đạo đơn vị này và sẽ có thông tin chính thức.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI