'Tài tử miệt vườn': Bay xa làn điệu phương Nam

26/08/2019 - 17:00

PNO - 'Tài tử miệt vườn'- cuộc thi dành cho những tài tử miệt vườn thứ thiệt, do Đài Truyền hình Đồng Tháp- một đơn vị truyền hình địa phương tổ chức, thu hút hơn 1.000 thí sinh tham gia, có lẽ là điều ngoài dự đoán của nhiều người.

Những tài tử miệt vườn từ 8 - 80 tuổi, thuộc nhiều thành phần, nghề nghiệp khác nhau, ở nhiều tỉnh, thành khu vực miền Đông, miền Tây Nam bộ, trong số đó có cả những thí sinh là người khiếm thị, khuyết tật vận động… Nhưng họ có một điểm chung đặc biệt: những nụ cười hồn nhiên, ấm áp hạnh phúc khi được hòa mình trong câu ca, tiếng đờn. Những mẩu đối đáp chân chất, hồn hậu giữa thí sinh và ban giám khảo có thể khiến người xem bật cười thú vị và thấy yêu hơn những con người đặc biệt của một cuộc thi đặc biệt không kém, hình thành từ ước mơ có thể xây dựng một chương trình đậm chất miền Tây Nam bộ, của một đài truyền hình địa phương.

'Tai tu miet vuon': Bay xa lan dieu phuong Nam
Những tài tử không giới hạn tuổi tác, nghề nghiệp ở Tài tử miệt vườn

Mang đậm chất miệt vườn như tên gọi và hoàn toàn không chịu ảnh hưởng bởi cách làm của game show, dù ra đời đúng thời điểm phải cạnh tranh với hàng loạt game show đang phát sóng liên tục trong khung giờ vàng ở các nhà đài lớn, Tài tử miệt vườn vẫn được đánh giá cao và lọt vào top 5 game show được xem nhiều nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2018. Ở mùa 2, chương trình đã có một số thay đổi trong cách tổ chức và kết cấu, nổi bật là vòng thi Tự sự thay cho vòng Hát cùng nghệ sĩ ở mùa 1.

Ở vòng thi Tự sự, 12 thí sinh sẽ biểu diễn một tiểu phẩm viết dựa theo cuộc đời thật của mình. Khai thác cuộc đời thật của thí sinh ở góc độ nào và ra sao là điều không đơn giản. Nếu chỉ khai thác những hoàn cảnh khó khăn và nỗ lực vượt khó thì chương trình dễ rơi vào trạng thái một màu và trùng lắp với nhiều game show hướng đến khai thác chuyện đời của nhân vật để lấy cảm xúc của khán giả. Hơn nữa, đây là cuộc thi thiên về tuyển chọn giọng ca, để viết được tiểu phẩm về cuộc đời thật của nhân vật, có phần bài ca phù hợp với tố chất, giọng ca của thí sinh, giúp thí sinh có thể phô diễn giọng ca là cả vấn đề, nhất là khi cuộc thi không có đội ngũ tác giả chuyên nghiệp để “đo ni đóng giày” sáng tác cho từng người.

Quyết tâm giữ đúng chất “miệt vườn” cho cuộc thi, Tài tử miệt vườn năm nay loại hai thí sinh đã qua vòng loại với số điểm khá cao và hứa hẹn sẽ là những gương mặt có nhiều khả năng đi sâu vào vòng trong, vì họ từng tham gia cuộc thi mang tính chuyên nghiệp và đoạt giải.

Một tín hiệu vui khác ở Tài tử miệt vườn mùa 2 là sự kết hợp của Đài truyền hình Tây Ninh và Đài truyền hình Đồng Tháp. Với số thí sinh tăng gần gấp đôi, quy mô đầu tư cho chương trình cũng tăng đáng kể. Điều kiện âm thanh, ánh sáng tốt hơn, sân khấu đẹp và hiện đại hơn, giải thưởng dành cho các thí sinh đoạt giải cũng cao hơn so với năm ngoái. Sự hợp tác của hai đài truyền hình địa phương, qua Tài tử miệt vườn, được nhiều người hy vọng sẽ đẩy mạnh xu thế hợp tác giữa các đài địa phương nhằm sản xuất những chương trình hay phục vụ khán giả.

Để duy trì và đổi mới một chương trình truyền hình không có “yếu tố bùng nổ” và không dễ tìm nhà tài trợ của Đài truyền hình Đồng Tháp, Tây Ninh là nỗ lực rất đáng trân trọng và nên được cộng đồng tiếp sức, nhất là trong bối cảnh nhiều công ty truyền thông chuyên nghiệp, nhà đài “tên tuổi” đang vì khó mà buông tay với những chương trình truyền thống. Ngoài chuyện là một sân chơi để những tài tử miệt vườn được sống với tình yêu đờn ca tài tử, chương trình đã truyền lửa đam mê đờn ca tài tử cho những người trẻ và có những tác động nhất định để phong trào đờn ca tài tử ở các địa phương phát triển.

Sau mùa thi 2018, Đài truyền hình Đồng Tháp đã thực hiện một số chương trình nhằm giới thiệu các giọng ca Tài tử miệt vườn đoạt giải cao. Rất tiếc, các chương trình chủ yếu mang tính phong trào chứ chưa được như mong đợi. “Phát huy tài năng ra sao? Có con đường “dài hơi” nào cho những tài tử đoạt giải cao và có nhiều triển vọng vẫn là bài toán khó với một đài địa phương. Đây là điều chúng tôi vẫn trăn trở, nhưng chưa tìm được giải pháp khả thi” - ông Bùi Thanh Hồng, Giám đốc Đài Truyền hình Đồng Tháp, chia sẻ.

52 tài tử miệt vườn được chọn đi tiếp vòng trong đã bắt đầu thi tài từ ngày 23/8 tại Đài truyền hình Đồng Tháp. Chương trình phát sóng lúc 20g, thứ Bảy hằng tuần, trên kênh THĐT1 và TTV11, bắt đầu từ ngày 31/8. Riêng đêm chung kết xếp hạng với phần thi của 6 thí sinh xuất sắc sẽ được truyền hình trực tiếp, dự kiến cuối tháng 12/2019. 

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI