"Tái sinh" rác thải nhựa thành chổi quét nhà

16/02/2024 - 13:17

PNO - Một doanh nghiệp địa phương ở Campuchia có sáng kiến biến rác thải nhựa thành vật dụng sinh hoạt.

 

Công nhân đang sản xuất chổi từ những chai nhựa được tái chế - Ảnh: Reuters
Công nhân đang sản xuất chổi từ những chai nhựa được tái chế - Ảnh: Reuters

Bên trong khu nhà kho nhỏ ở thủ đô Phnom Penh (Campuchia), một nhóm công nhân đang thực hiện các công đoạn tái chế nhằm biến hàng chục tấn chai nhựa bỏ đi thành những chiếc chổi hữu dụng trong cuộc sống hàng ngày.

Những chiếc chai nhựa được thu gom, súc rửa sạch sẽ, ngâm trong bể nước nóng để làm mềm trước khi được cắt thành từng sợi nhỏ bằng máy và khâu lại bằng dây thép vào cán tre.

Trong suốt năm 2023, tổ hợp sản xuất này đã tái chế khoảng 40 tấn chai nhựa bỏ đi. Mỗi ngày có 500 chiếc chổi thành phẩm được sản xuất và bán ra thị trường với giá từ 10.000 riel (60 nghìn đồng) đến 15.000 riel (90 nghìn đồng) mỗi chiếc.

Theo Bộ môi trường Campuchia, ý tưởng biến rác thải nhựa thành những chiếc chổi đa dụng được doanh nhân Has Kea, 41 tuổi, thực hiện với mong muốn “giảm ô nhiễm nhựa trong cộng đồng ở một thành phố thải ra tới 38.000 tấn rác thải  đủ loại mỗi ngày”.

Trong số đó, khoảng 1/5 là các sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần được thải ra các bãi rác và trôi nổi trên sông. Ông Has Kea đã thu mua lại chai nhựa bỏ đi từ những người thu gom rác, mà theo ông thì “nguồn cung dường như là vô tận nên không sợ thiếu nguyên liệu để sản xuất chổi”.

“Những chiếc chổi này khá chắc chắn, không dễ gãy như các loại chổi thông thường”, một khách hàng đã mua 80 chiếc chổi để sử dụng trong một ngôi chùa địa phương cho biết. 

Ông Has Kea giới thiệu những chiếc chổi thành phẩm được tái sinh từ rác thải nhựa - Ảnh: Reuters
Ông Has Kea giới thiệu những chiếc chổi thành phẩm được "tái sinh" từ rác thải nhựa - Ảnh: Reuters

Một quan chức địa phương cho rằng, mô hình thu gom và tái chế rác thải nhựa của các doanh nghiệp nhỏ như ông Has Kea đang thực hiện cần được ủng hộ và nhân rộng nhằm “giúp giảm ô nhiễm môi trường, khuyến khích người dân thu gom chai nhựa để bán với giá cao hơn, từ đó giúp họ có cuộc sống tốt hơn”.

Nguyễn Thuận (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI