Tái sinh những cuộc đời vô vọng

23/05/2018 - 10:00

PNO - Tối 20/5, nam sinh 16 tuổi ở Hà Nội qua đời vì không xin được tim từ người chết não, khiến nhiều người không khỏi xót xa. May mắn hơn em, nhiều bệnh nhân trở về từ cõi chết vì cuộc đời này vẫn rộng mở.

Bài 1: Món quà Giáng sinh cho một người suy thận

Người đàn ông nhắm đôi mắt, để mặc cho mình trôi bồng bềnh trong giấc ngủ vì thuốc mê. Đêm nay, anh và một người khác được ghép thêm một quả thận – món quà từ ân nhân nào đó đã ẩn danh.

Món quà nhưng là phương pháp y khoa cuối cùng để anh được tiếp tục sinh tồn khi đã bị suy thận mãn nhiều năm trời. 

Anh Phạm Văn Dũng (34 tuổi, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) được đưa vào phòng mổ của Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM vào đêm 24/12/2015. Khi tiếng chuông của giáo đường đêm Giáng sinh rung lên rộn rã cũng là lúc cánh cửa phòng mổ khép lại.

Người đàn ông ngước nhìn lên chiếc đồng hồ trên trên tường: sắp 12 giờ đêm của ngày Giáng sinh. Là người theo Thiên chúa giáo, giây phút trước khi kịp rơi vào giấc ngủ, anh chỉ biết cầu nguyện cho phép màu sẽ thành hiện thực.

Tai sinh nhung cuoc doi vo vong
Cuộc đời anh Phạm Văn Dũng cho thấy thần may mắn không lãng quên những người ở hiền gặp lành

Trở thành khách hàng thân thiết của bệnh viện

Ở tuổi 34, anh Phạm Văn Dũng có vẻ ngoài tương đối ổn, một dáng đi khoan thai nhẹ nhàng, khuôn mặt hiền lành, giọng nói trầm ấm. Những lần nhập viện liên tục khiến anh… trở thành khách hàng quen mặt với các cô điều dưỡng. Mỗi lần như thế, thay cho lời chào, các cô lại hỏi: “Dũng ơi, có bồ chưa?”.

Từ nhiều năm nay, câu trả lời của anh luôn là câu phủ định. Lý do đưa ra là: “Em bệnh đầy người thế này, sao dám lấy vợ?! Lỡ sau này, giữa chừng em mất, con em bỏ bơ vơ. Tội nghiệp nó lắm!”.

Vì thế Dũng quyết định ở vậy. Con đường quen thuộc mà anh hay đi về là giữa trụ sở một trường cao đẳng ở quận Gò Vấp (nơi anh làm bảo vệ suốt 9 năm) đến các bệnh viện – nơi anh chạy thận nhân tạo do suy thận mãn, mỗi tuần 3 ngày vào các thứ Hai – Tư – Sáu.

Tai sinh nhung cuoc doi vo vong
Lao niệu dẫn đến tình trạng hẹp bàng quang và suy thận mãn đã khiến anh Dũng trong rất nhiều năm trời phải chạy thận nhân tạo

Con đường… chạy thận của Dũng quen thuộc và đều đặn như chiếc kim đồng hồ luôn nhích dần từng giây một. Cứ đúng 4 giờ sáng thức giấc để kịp chạy thận ca đầu tiên vào 5 giờ 30 sáng. Trở về mệt nhoài, thở dốc, nằm lấy sức để kịp làm ca chiều.

Anh quen với bệnh viện như quen với một người bạn thân. Thưở ấy đã lâu, khi còn là cậu bé đang học lớp 5 trường làng ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, một ngày thức dậy, cậu phát hiện ra hình như mình… đái dầm. Tình trạng kéo dài qua ngày này tháng nọ đến nỗi mẹ phải đưa đi khám.

Thời ấy đã lâu, lâu đến nỗi khi đó lên Sài Gòn khám bệnh là chuyện gì đó rất hệ trọng. Nên Dũng chỉ được khám ở bệnh viện ở địa phương; được chẩn đoán viêm đường tiểu. Nhưng uống bao nhiêu thuốc thì tình hình vẫn vậy.

Cách đây 13 năm, cơ thể đột nhiên bị phù: từ khuôn mặt đến tay và chân. Lên Bệnh viện Chợ Rẫy khám mới phát hiện ra Dũng bị lao niệu. Nhưng lúc này dường như đã trễ: thận bị ứ nước độ 3.

4 năm trôi qua, sau khi uống nhiều thuốc trị lao và trải qua nhiều đợt phẫu thuật do bàng quang bị hẹp, anh Dũng bị biến chứng suy thận. Cũng từ đó, con đường đến với bệnh viện trở nên đều đặn và thường xuyên hơn.

Tai sinh nhung cuoc doi vo vong
Những loại thuốc hàng ngày anh Dũng phải uống để duy trì quả thận được ghép

Những năm chạy thận nhân tạo trôi qua trong im lặng và đều đặn như chiếc đồng hồ phải làm đúng phận sự đo thời gian. Nhưng một ngày bỗng có điều gì đó đổi khác. Dũng được bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy ghi tên vào danh sách chờ ghép thận.

Dũng cũng không biết trước mình có bao nhiêu người và sau mình là bao nhiêu người. “Bác sĩ bảo sao thì làm vậy thôi mà”, anh nói về cơ hội có thể làm thay đổi sự sống của mình nhẹ nhàng như gió thoảng.

Những điều tử tế ở Sài Gòn

Ngày 24/12/2015, sau một ca chạy thận, Dũng nhận được cuộc gọi từ Bệnh viện Chợ Rẫy thông báo có thận để ghép. Có một người đàn ông chết não sau tai nạn giao thông đã được người nhà quyết định hiến tạng để cứu người.

Ngay trong đêm Giáng sinh năm 2015, cùng với anh còn có 4 người nữa được ghép tạng. Đó cũng là thời điểm các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện ASAN (Hàn Quốc) hủy hết kế hoạch ở bên cạnh gia đình trong ngày Noel để chuẩn bị cho ca ghép tạng trong đêm 24 và rạng sáng 25/12/2015.

Tai sinh nhung cuoc doi vo vong
Cuộc sống của anh Phạm Văn Dũng sau 2,5 năm ghép thận đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều vì không phải chạy thận nhân tạo

Trong 2 ngày 24 và 25/12/2015, sau khi ghép tim thành công, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành ghép thận cho 2 người, đó là anh Phạm Văn Dũng và một người đàn ông trên 60 tuổi đã qua một lần ghép thận nhưng bị thải loại. 2 giác mạc từ người hiến nhân đạo này cũng đã mang lại ánh sáng cho 2 người bị sẹo giác mạc.

Cho đến tận bây giờ, anh Dũng vẫn không thể biết được danh tính của người cho anh quả thận, giúp anh chấm dứt những tháng ngày chạy thận nhân tạo khổ sở: “Nhiều đêm em suy nghĩ không biết làm cách nào để cảm tạ gia đình người cho thận. Nếu không có họ thì đã không có may mắn này rồi. Mỗi đêm, em đều cầu nguyện để linh hồn vị ân nhân được siêu thoát và thanh thản”.

Không chỉ có lòng tốt từ người đã khuất, những ngày nằm viện, Dũng còn được bảo bọc bằng tấm lòng của những người Sài Gòn vốn không ruột thịt.

Tai sinh nhung cuoc doi vo vong
Một ca ghép tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM)

Người chăm sóc anh Phạm Văn Dũng suốt 8 ngày trong phòng cách ly là người chú mà anh xem như cha nuôi của mình. Anh được gia đình cô chú cưu mang từ những ngày đầu bước chân lên Sài Gòn vì thấy chàng trai tỉnh lẻ hiền lành, cứ chăm chỉ làm việc và giúp bất cứ ai chứ chẳng nề hà gì.

Suy thận mạn có xu hướng ngày càng tăng trên thế giới, chiếm khoảng 10% tại các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có 8.000 trường hợp mới mắc suy thận mãn nhưng chỉ có 10% tiếp cận điều trị thay thế thận, 90% còn lại tử vong. Thiếu nguồn tạng ghép đã và đang là vấn đề của ghép thận trên khắp thế giới cũng như tại Việt Nam. 

Người chú túc trực suốt 8 ngày bên ngoài phòng cách ly để khi bác sĩ cần gì thì ông ba chân bốn cẳng chạy đi ngay. Ông bảo với Dũng: “Mày để tao lo cho. Tao quen chăm bệnh rồi”.

Chỉ đến khi Dũng được đẩy ra phòng bệnh, ông mới chịu nhường phần chăm sóc bệnh nhân ghép thận này cho chị ruột lặn lội từ Vĩnh Long lên .Viện phí của Dũng cũng nhờ cô chú hỗ trợ một phần vì số tiền ít ỏi thu được từ mảnh vườn trái cây bán được vẫn không thể kham nổi.

Những điều tử tế dường như có thể nhân bản. Người viết bài gặp lại anh Phạm Văn Dũng khi anh đang dẫn người cha nuôi của mình đi khám bệnh ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Anh nói: “Mình là đứa anh lớn nhất nhà. Mấy em nó còn nhỏ nên cô chú có chuyện gì thì mình phải lo”.

Tai sinh nhung cuoc doi vo vong
Những vết sẹo ở bụng anh Dũng sau 6 lần phẫu thuật

13 năm sống chung với bệnh tật, 6 lần trải qua phẫu thuật đau đớn, người đàn ông 34 tuổi vẫn nhẹ nhàng với cuộc đời: “Trời sinh sao chịu vậy chứ không có buồn gì hết. Mỗi người có một số phận khác nhau mà. Chỉ thương mẹ ở quê. Nếu có thể được trở về nhà sống để chăm sóc mẹ thì hay biết chừng nào. Nhưng mà về quê thì biết làm gì bây giờ. Vườn đã bán rồi”…

Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết những người được ghép thận có thể sống như một người bình thường đến tận 15 năm. Thậm chí có người sau ghép thận có thể sinh con hoặc mang thai. 

Một thống kê của các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy khảo sát trên 35 trường hợp ghép thận từ người hiến nhân đạo từ tháng 4/2008 đến tháng 9/2017 cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân sống sau ghép thận được 1 năm là 94%, sau 3 năm là 88,2%. 


Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI