Tái sinh nhờ thành tựu y học - Bài 4: Biến “mặt quỷ” thành mặt người

20/03/2013 - 07:10

PNO - PN -Từ năm 2006 đến 2010 đã diễn ra một cuộc đọ sức kỳ thú giữa phương Tây và phương Đông trong việc giành danh hiệu “Lần đầu tiên trên thế giới ghép và chỉnh mặt toàn diện”, nhằm trả lại niềm tin vào cuộc sống cho những...

 Tai sinh nho thanh tuu y hoc - Bai 4: Bien “mat quy” thanh mat nguoi 

Isabelle Dinoire trước và sau phẫu thuật 

“Tôi như được tái sinh”

Bà Isabelle Dinoire, năm nay 46 tuổi, quê ở thành phố Valenciennes, miền Bắc nước Pháp. Cách đây tám năm, bà gặp một tai nạn kinh hoàng. Buồn chuyện gia đình, bà uống thuốc ngủ tự tử và nằm mê man trên giường. Tania - một con chó giống Labrador, được mô tả rất hiền lành và thông minh - cố gắng đánh thức bà dậy bằng cách cắn, quấu vào mặt bà. Trong nỗ lực cứu chủ, nó vô tình cắn nát mũi, gò má, miệng và cằm bà Dinoire, theo lời kể của con gái nạn nhân.

Con chó bị xử “chết nhân đạo” còn nạn nhân được chở vào bệnh viện tháng 5/2005. Sau khi cấp cứu, bác sĩ chẩn đoán vết thương đã tàn phá hơn nửa gương mặt (lúc ấy trông rất gớm ghiếc), bệnh nhân phải mổ ghép “vùng tam giác” mũi-miệng-cằm thì mới khả dĩ có lại gương mặt người.

Sau năm tháng thuyết phục nạn nhân và gia đình, đồng thời tìm người đã chết não chịu hiến bộ phận cơ thể và xin phép Bộ Y tế Pháp, ca mổ được tiến hành ngày 27/11 tại Bệnh viện Đại học Bắc Amiens.

Theo tuần báo Pháp Le Point, sau khi tìm được người cho bộ phận cơ thể ở thành phố Lille (mà nghe đâu cũng là một người phụ nữ treo cổ tự tử) và được Bộ Y tế “bật đèn xanh”, ê kíp giáo sư bác sĩ Bernard Devauchelle và trợ lý Jean-Michel Dubernard đã lấy da, mô cơ, mạch máu và gân mũi, miệng, cằm của người chết ghép vào mặt bà Dinoire, trong đó môi và miệng là phần khó thực hiện nhất.

Sau khi mổ, bệnh nhân không thể há miệng, chỗ cấy ghép mất cảm giác. Mãi một năm sau, bà mới có thể ăn uống, nói cười và xuất hiện trước đám đông. Trong cuộc họp báo đầu tiên, bà Dinoire xúc động chia sẻ: “Tôi như được sống lại nhờ lòng vị tha của người cho (mà tôi coi như một người em) và ê kíp mổ”. Trường hợp của bà được công nhận là “ca mổ ghép mặt từng phần đầu tiên trên thế giới”.

Tháng 4/2006, tại Trung Quốc, một người thợ săn tên Li Guoxing bị gấu cắn nát mặt trước đó hai năm cũng được một ê kíp phẫu thuật ở tỉnh Thiểm Tây ghép má, mũi, môi trên và chân mày. Tuy nhiên hai năm sau, bệnh nhân đã mất vì hiện tượng thải loại mô ghép.

Tai sinh nho thanh tuu y hoc - Bai 4: Bien “mat quy” thanh mat nguoi

Li Guoxing trước và sau phẫu thuật

Tai sinh nho thanh tuu y hoc - Bai 4: Bien “mat quy” thanh mat nguoi

Tai sinh nho thanh tuu y hoc - Bai 4: Bien “mat quy” thanh mat nguoi

Wang Na trước và sau phẫu thuật

Ghép mặt toàn diện, Tây Ban Nha hay Pháp đầu tiên?

Đây là một ca phẫu thuật chỉnh hình khó nhất, dễ bị chỉ trích về mặt y đức. Các bước thực hiện bao gồm bóc tách da, mỡ và mạch máu trên gương mặt người cho đã chết não rồi ghép vào mặt người nhận. Dĩ nhiên, tất cả đều phải hài hòa từ nhóm máu đến màu da, tóc. Vì vậy, chọn được người tình nguyện cho phù hợp với người nhận là trở ngại đầu tiên và tốn kém thời gian nhất.

Sau khi ghép xong, phải bảo đảm rằng gia đình người cho lẫn người nhận đều không cảm thấy “sốc” khi nhìn thấy một khuôn mặt pha trộn, thậm chí “không còn nét nào thân quen”…

Tháng 3/2010, một ê kíp phẫu thuật Tây Ban Nha 30 người, bao gồm kỹ thuật viên gây mê và y tá, tuyên bố đã thực hiện thành công ca ghép mặt toàn diện đầu tiên trên thế giới. Bệnh nhân là một người đàn ông 30 tuổi bị hủy hoại khuôn mặt do tai nạn súng săn trước đó 5 năm. Ca mổ được thực hiện tại Bệnh viện Đại học Hebron ở Barcelona, kéo dài 22 tiếng.

Đây là lần mổ thứ mười sau chín lần thất bại. Khuôn mặt bệnh nhân được ghép hầu như toàn bộ da và mô cơ của một người chết, ngoại trừ mi mắt và tuyến lệ.

Cũng bởi thiếu hai bộ phận đó nên danh hiệu “Lần đầu tiên trên thế giới ghép mặt toàn diện” được cho là thuộc về ê kíp giáo sư Laurent Lantiéri ở Bệnh viện Đại học Henri Mondor ở Créteil (Pháp). Bệnh nhân tên Jerôme, 35 tuổi, có gương mặt biến dạng hoàn toàn vì bệnh u xơ thần kinh do biến đổi gen. Anh phải đợi đến hai năm mới được ghép mặt. Ca mổ được thực hiện trong hai ngày 26 và 27/6/2010. Jerôme được ghép toàn bộ da, mô cơ và mạch máu gương mặt của một người chết trước đó bốn giờ. Những giọt nước mắt hạnh phúc đầu tiên chảy trên má anh là của người chết.

Tai sinh nho thanh tuu y hoc - Bai 4: Bien “mat quy” thanh mat nguoi

Bác sĩ Laurent Lantiéri

Phẫu thuật chỉnh hình mặt toàn diện

Cũng tháng 10/2010, Trung Quốc tuyên bố thực hiện được ca mổ chỉnh hình mặt toàn diện đầu tiên trên thế giới cho một cô gái 20 tuổi sinh ra không có xương hàm trên. Gương mặt cô có hố sâu trông rất quái dị, môi trên thụt vào giữa mặt do thiếu xương hàm. Khuyết tật này khiến cô không có khả năng ăn đồ cứng và nói chuyện.

Bệnh nhân tên Wang Na, ở tỉnh Thiểm Tây, bị cha mẹ bỏ rơi lúc còn nhỏ và được một gia đình tốt bụng nuôi dưỡng. Họ đã đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác để xin được “trả lại mặt người” cho Wang Na. Cuối cùng, Bệnh viện răng hàm mặt quân y số 4 ở Tây An nhận chỉnh hình toàn diện qua ba giai đoạn, trải qua cả chục lần mổ xẻ trong bốn năm.

Bác sĩ răng hàm mặt Zhao Jinlong, người khám bệnh đầu tiên cho Wang Na vào năm 2006 kể lại: “Khi lột chiếc khăn che mặt ra, tất cả chúng tôi đều chết lặng. Gương mặt cô ấy rất khó coi và chưa từng thấy bao giờ”.

Ca mổ chỉnh hình huy động hơn 20 bác sĩ của chín chuyên khoa khác nhau. Ở giai đoạn một, thực hiện ngày 5/9/2006, xương gò má của bệnh nhân được cắt làm hai để chừa chỗ đặt thiết bị tạo xương. Đây là phần quan trọng và phức tạp nhất bởi xương gò má của bệnh nhân vốn rất mong manh và nằm sát bộ não, không khéo sẽ làm tổn thương não và mắt.

Tốc độ tạo xương được tính toán trên máy tính là 0,7mm/ngày. Bảy tháng sau, việc tạo xương hoàn tất, xương gò má đã sẵn sàng để ghép xương hàm trên ở giai đoạn hai. Phần khó nhất là tạo hình và sắp xếp vị trí xương hàm bởi xương hàm dưới cũng bị biến dạng bẩm sinh. Các bác sĩ đã dùng 14cm xương chày của chân bệnh nhân để tạo hình xương hàm trên và cấy ghép vào xương gò má ngày 18/4/2007.

Ngày 14/3/2009, họ bắt đầu cấy răng giả vào xương hàm, chỉnh hình xương hàm dưới và tái tạo mũi cho Wang Na. Ca mổ cuối cùng thực hiện vào ngày 17/5/2010. Hiện nay sức khỏe của bệnh nhân ổn định. Cô Wang đã nói cười gần như bình thường.

VĂN ANH
Kỳ cuối: Ghép đầu - viễn cảnh không xa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI