Tái sinh nhờ thành tựu y học - Bài 3: Hạnh phúc trở lại

18/03/2013 - 10:20

PNO - PN - Họ là những phụ nữ mà tình trạng sức khỏe không cho phép họ được làm mẹ. Thật kỳ diệu khi nỗi đau của họ đã được những tiến bộ của y học hóa giải một cách trọn vẹn. Hạnh phúc trở lại và như được nhân đôi.

Không còn vô vọng

Ung thư vú không còn là căn bệnh nan y mà khi mắc phải người ta nghĩ rằng tử thần chắc chắn sẽ gọi tên mình. Nhưng, người phụ nữ mắc bệnh ung thư vú sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Dù được chữa trị theo phương pháp hóa trị hay xạ trị thì buồng trứng của người phụ nữ cũng không thể hoạt động như một người bình thường.

Tuy nhiên, bác sĩ Gab Kovacs - Giám đốc Bệnh viện Monash (Melbourne - Úc) đã thực hiện một pha điều trị ngoạn mục cho một phụ nữ 43 tuổi ở Melbourne, giúp bà thỏa ước mong làm mẹ. Năm 2005, khi biết mình mắc bệnh ung thư, người phụ nữ này cảm thấy đất trời như sụp đổ, bởi bà luôn mong rằng mình sẽ có nhiều con.

Trước sự khẩn khoản của người phụ nữ ấy, bác sĩ Kovacs đã nhận lời giúp, dù đó là lần đầu tiên ông thực hiện phương pháp này, cũng là ca đầu tiên ở Úc. Trước tiên, ông Kovacs cất giữ mô tế bào buồng trứng của người phụ nữ ấy bằng cách đông lạnh ở nhiệt độ thích hợp, trước khi tiến hành điều trị bệnh ung thư. Thời gian chữa ung thư kéo dài hơn sáu năm. Khi các bác sĩ xác định bệnh nhân đã ngăn ngừa được bệnh ung thư, bác sĩ Kovacs mới bắt đầu trổ tài. Tháng 4/2012, ông ghép mô tế bào trở lại buồng trứng để người phụ nữ này có thể tìm lại được khả năng rụng trứng một cách tự nhiên. Mọi thứ diễn ra thật hoàn hảo. Đến cuối tháng 11, Bệnh viện Monash thông báo người phụ nữ này đã mang thai sáu tuần.

Cho đến lúc ấy, người ta mới biết, bác sĩ Kovacs học được phương pháp này từ một bác sĩ người Israel tại một cuộc hội thảo khoa học, dù vị bác sĩ người Israel đã hướng dẫn ông Kovacs chỉ bằng cách nguệch ngoạc vài dòng trên một bì thư. Dòng chữ ấy đã mở ra hy vọng cho những phụ nữ mắc bệnh ung thư vẫn còn muốn sinh con. “Việc chữa trị bệnh ung thư vú bây giờ rất hiệu quả. Tỷ lệ phụ nữ sống sót rất cao nhưng vấn đề là sau khi chữa trị họ sẽ mất khả năng làm mẹ. Đó thật sự là một điều vô cùng đáng tiếc, đặc biệt là với những người chưa có con”, bác sĩ Kovacs nói.

Với phương pháp này, những phụ nữ mắc bệnh ung thư có thể tìm lại khả năng sinh con. Điều đáng nói, phương pháp này không quá đắt tiền và dễ truyền đạt kinh nghiệm cho các bác sĩ khác. “Đây mới là ca đầu tiên ở Úc nên tôi không thể đảm bảo tỷ lệ thành công của phương pháp này trong tương lai. Nhưng, nó mở ra hy vọng cho những phụ nữ bệnh ung thư mà vẫn muốn sinh nở”, bác sĩ Kovacs chia sẻ.

Tai sinh nho thanh tuu y hoc - Bai 3: Hanh phuc tro lai

Bác sĩ Gab Kovacs

Tìm lại thiên chức làm mẹ

Nếu trường hợp tìm lại khả năng sinh sản của người phụ nữ ở Melbourne là đặc biệt, thì trường hợp của Stephanie Yarber, một phụ nữ 25 tuổi ở bang Alabama (Mỹ), còn lý thú hơn.

Cô Yarber không thể sinh con vì ngay từ tuổi 14 cô đã có dấu hiệu mãn kinh. Cho đến nay, các bác sĩ vẫn chưa tìm ra nguyên nhân tại sao buồng trứng và tử cung của cô lại co quắt lại như những phụ nữ đã mãn kinh. Em sinh đôi của Yarber là Melanie Morgan không hề có triệu chứng đó và phát triển bình thường, đã kết hôn và có ba con.

Để giúp người chị sinh đôi của mình có con, Melanie đã hai lần cho trứng, giúp Yarber có thai theo phương pháp thụ thai trong ống nghiệm. Mọi nỗ lực bất thành nên cuối cùng hai chị em tìm đến bác sĩ Sherman J. Silber ở Bệnh viện St. Luke, thành phố St. Louis.

Vị bác sĩ này thực hiện một phương pháp vô cùng độc đáo. Ông lấy một mẫu mô buồng trứng của Melanie bằng một vết cắt nhỏ, tách ra lớp ngoài cùng, nơi có chứa trứng và cắt ra làm ba. Ông cấy một mẫu vào buồng trứng của Yarber. Mẫu còn lại được bảo quản bằng cách đông lạnh để dự phòng. Sáu tháng sau ca ghép mô buồng trứng này, Yarber có thai một cách tự nhiên mà không cần dùng thêm bất cứ loại thuốc hay áp dụng thủ thuật nào khác. Chất hormone mà cơ thể tự sản xuất sau ca ghép mô buồng trứng này đã khiến tử cung của Yarber phát triển với kích thước bình thường.

Đến đúng ngày đúng tháng, Yarber sinh một bé gái nặng hơn 4kg, hoàn toàn bình thường như những đứa trẻ sơ sinh khác. Bác sĩ Silber khẳng định: “Yarber có thể sinh thêm vài lần. Từ giờ, phương pháp này có thể được sử dụng rộng rãi thay thế việc xin và cho trứng rất phổ biến trong phương pháp thụ thai trong ống nghiệm như trước đây”.

Tai sinh nho thanh tuu y hoc - Bai 3: Hanh phuc tro lai

Stephanie Yarber và đứa con sinh ra bằng cách ghép mô buồng trứng của người em sinh đôi

Tai sinh nho thanh tuu y hoc - Bai 3: Hanh phuc tro lai

Reese và McKenna Gimbel vẫn khỏe mạnh sau ca mổ diệu kỳ

Sự lựa chọn sinh tử

Khi được các bác sĩ cho biết bào thai song sinh của Shannon Gimbel gặp trục trặc, vợ chồng Gimbel như không thể tin vào tai mình. Họ rất mong chờ con đầu lòng. Khi được báo đó là thai song sinh, họ thấy điều đó càng tốt, bởi họ đủ khả năng tài chính để chăm sóc hai con một lúc.

Nhưng vấn đề hóa ra không phải là tiền. Shannon và chồng đã phải đứng trước một sự lựa chọn sinh tử. Khi thai đã đủ tháng tuổi để các bác sĩ xác nhận đó là hai bé gái thì Shannon và Mike Gimbel nhận được tin sét đánh. Các bác sĩ tại Trung tâm Y khoa Swedish ở Denver, bang Colorado phát hiện thai song sinh này mắc phải hội chứng Twin-To-Twin. Theo đó, hai bào thai được nối liền với một hệ thống mạch máu duy nhất. Cái thai mạnh hơn sẽ hút hết mọi chất bổ dưỡng, cái thai còn lại sẽ chết. Nếu không có biện pháp chữa trị, có thể cả hai cái cùng chết trước khi ra đời. Các bác sĩ khuyên vợ chồng Gimbel chấp nhận thực tế này để bỏ bớt cái thai yếu hơn.

Lẽ ra vợ chồng Gimbel đã nghe theo lời khuyên của các bác sĩ nếu không có gợi ý của bác sĩ Kent Heyborne. Ông đưa ra một phương án khác cho vợ chồng Gimbel, sau khi hội ý với các bác sĩ Robert Bell và Michael Belfort của Bệnh viện St. Mark ở Salt Lake City, bang Utah. Hai bác sĩ này lập tức bay đến Colorado và cùng các bác sĩ tại đó thực hiện ca phẫu thuật để cứu cả hai bào thai. Họ đã dùng dao laser cắt đứt sự liên kết bằng mạch máu của hai bào thai để từng bào thai có thể hấp thụ chất dinh dưỡng từ người mẹ.

Ca mổ thành công tốt đẹp. Shannon Gimbel nhớ lại: “Tôi hầu như không thể thở được khi cô điều dưỡng dùng sóng siêu âm để nghe tim thai của từng bào thai sau khi ca mổ hoàn tất. Đã có tiếng tim đập của một đứa, và rồi tim của đứa còn lại cũng đập bình thường. Hai con tôi đều đã được cứu sống”. Hai tháng sau ca mổ, Reese và McKenna Gimbel ra đời tại Trung tâm Y khoa Swedish.

Bây giờ, khi đã hơn bốn tuổi, Reese và McKenna đều mạnh khỏe. Reese - cái bào thai yếu hơn - phải trải qua hai lần mổ tim nhưng mọi thứ đã ổn. Hai bé gái này rất năng động, vui vẻ. Thành công này đúng là một kỳ tích của y học.

THIỆN NGA 

Đón đọc kỳ tới: Biến "mặt quỷ" thành mặt người

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI