Tái sinh

12/05/2023 - 06:11

PNO - Có với nhau 3 mặt con, "đủ nếp đủ tẻ" sau 8 năm chung sống, em tôi lại năm lần bảy lượt muốn "bỏ quách chồng đi cho xong".

Trong một lần tán gẫu với cô em họ, tôi có than, dạo này tôi "não cá vàng" quá, mới hơn 35 tuổi mà chuyện gì cũng nhớ nhớ quên quên.

Tôi nói vui, không biết chừng chục tuổi nữa có nhớ nổi chồng mình là ai hay không. Em họ tôi đáp ngay mà không cần suy nghĩ, như thể nói cho cậu em rể tôi đứng gần đó nghe vậy: "Ối dào, chuyện nhớ nhớ quên quên thì em cũng khác gì chị. Có điều, em chỉ muốn quên chồng em ngay và luôn mà không thể nào quên được thôi".

Tôi bật cười: "Chồng mà quên thế có khi lại hay. Thấy chồng như thấy "của lạ", lại muốn lăn xả vào".

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Em họ tôi trước khi cưới đã từng say đắm, từng tha thiết mong ngóng cái ngày thành vợ thành chồng, được đầu ấp tay gối với người đàn ông mà em yêu hết mực, từng cãi cha cãi mẹ để yêu. Nhưng cho đến nay, khi đã có với nhau 3 mặt con, "đủ nếp đủ tẻ" sau 8 năm chung sống, em tôi lại năm lần bảy lượt muốn "bỏ quách chồng đi cho xong". Vì đâu nên nỗi?

Ngày còn nhỏ, tôi từng là đứa con gái "hư hỏng" trong mắt họ hàng vì đã quyết liệt ủng hộ việc ly hôn của ba mẹ.

Chẳng ai sung sướng, hả hê gì khi cha mẹ mình chia tay, gia đình mình tan nát. Nhưng phải sống giữa những lời cay nghiệt, đay nghiến nhau ngày này qua ngày khác, phải sống trong bầu không khí ngột ngạt tháng này qua tháng khác, phải thèm khát hòa khí gia đình, thèm khát sự yêu thương nhau năm này qua năm nọ… thì thật tình, chấp nhận "tan đàn xẻ nghé" còn hơn.

Nhưng thật "không may" cho tôi, sau hàng chục lần mẹ tôi viết đơn xin ly hôn, ba mẹ tôi đến giờ vẫn còn chung sống. Và anh em chúng tôi, buồn thay, đều trở thành những đứa con bất hạnh vì… có đầy đủ cả cha lẫn mẹ. Chúng tôi chính xác là những nạn nhân của cuộc hôn nhân không hồi kết đó, với chồng chất những vết thương trong tâm hồn mà không cách nào liền sẹo. Bởi ba mẹ tôi mỗi ngày vẫn khoét sâu mâu thuẫn hơn bằng những trận cãi vã không ngưng nghỉ, bằng những sân si, những oán hận cứ dày lên lớp lớp trong lòng.

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

Tôi ôm vết thương lòng do chính gia đình mình gây ra đến khi đi lấy chồng. Chồng tôi cũng mang trong tâm hồn những sứt sẹo do vết thương từ một gia đình không hạnh phúc. Ba mẹ chồng cũng chẳng khác gì ba mẹ tôi, mà không hiểu vì lý do gì, đến giờ này vẫn phải chung sống. Cùng một mái nhà đó nhưng lại mỗi người một thế giới. 

Tôi và chồng "đồng bệnh tương liên", hiểu và thương nhau nhiều hơn khi nhìn vào những "vết sẹo" của nhau và luôn mong muốn bù đắp cho nhau để vơi bớt phần nào sầu khổ. Thế nhưng, dù gì thì chúng tôi vẫn là 2 cá thể tách biệt, 2 tâm hồn riêng rẽ, 2 cái tôi được đặt cạnh nhau. Chúng tôi cũng chẳng thiếu những lúc cơm không lành, canh không ngọt.

Những lúc như thế, tôi thường chỉ biết khóc và đôi lúc cảm thấy hối hận vì sự lựa chọn của mình. Tôi thầm nghĩ, có khi nào mình lại đi vào vết xe đổ của ba mẹ, cả cuộc đời phải cắn răng chịu đựng cuộc hôn nhân này? Tôi bặm môi, nuốt nước mắt vào trong để người kia không biết rằng mình yếu đuối. Tôi suy nghĩ rất nhiều về hôn nhân, về mối quan hệ vợ - chồng để lần ra manh mối tháo gỡ các nút thắt cho hôn nhân của mình.

Cho đến một ngày, tôi nhận ra, chỉ than khóc thôi, chỉ suy nghĩ thôi thì chưa đủ. Tôi cần phải... chết: chết cái tôi ngạo nghễ, chết đi hết những cố chấp trong lòng, chết những tự ái vặt vãnh, chết từng giây phút giận hờn buồn tủi đã qua, chết cả những kỳ vọng về người mà mình từng nguyện suốt đời nâng khăn sửa túi… Chết những thứ ấy, để rồi tái sinh. Tái sinh trong từng hơi thở, từng ánh nhìn, từng ý nghĩ, lời nói và hành động.

Tôi cố gắng, mỗi ngày đều tập cho mình chết đi và tái sinh như thế. Kỳ diệu thay, mối quan hệ giữa tôi và chồng cũng như được "thay máu". Chồng dịu dàng với tôi hơn, yêu chiều tôi hơn, nâng niu tôi hơn. Và tình yêu của chúng tôi mỗi ngày mỗi mới, mặn nồng hơn trước.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

Bằng chính kinh nghiệm đó, tôi trở về sống giữa gia đình lớn của mình. Tôi tập quên đi hết những ký ức buồn, những tổn thương, những phiền não trong tâm, những "mặc định" trong trí não về một gia đình xấu xí và bất hạnh. Tôi nhìn ngắm ba mẹ tôi như nhìn ngắm những con người đẹp đẽ nhất, trong sáng nhất. Tôi bao dung hơn với những người đã sinh ra mình và thôi không còn trách móc về những chuyện đã qua, không "đấu tranh" để rạch ròi đúng - sai, không ước ao có được những điều không có.

Ba mẹ tôi bao năm vẫn vậy trong lối nghĩ, lối sống của mình, trong cách ăn ở với nhau. Nhưng giờ đây, tôi thấy họ thật tươi mới, thật khác biệt. Bởi chính tâm hồn tôi đã chết đi và tái sinh trong từng khoảnh khắc. 

Bùi Ngọc Hà

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI