Tại sao Stonehenge có thể bị tước danh hiệu di sản thế giới?

24/07/2021 - 16:12

PNO - Stonehenge có thể là địa điểm tiếp theo của Vương quốc Anh mất vị thế di sản thế giới. Trước đó, thành phố cảng Liverpool ngày 21/7/2021 đã bị tước danh hiệu di sản thế giới danh giá sau khi UNESCO cho rằng sau nhiều năm phát triển, thành phố này đã đánh mất “không thể phục hồi” đối với giá trị lịch sử của bến tàu từ thời Nữ hoàng Victoria.

Unesco cho biết Stonehenge sẽ được đưa vào danh sách di sản gặp nguy hiểm nếu nhà chức trách Anh Quốc không thay đổi quy hoạch xây dựng hầm đường bộ A303 - Ảnh: The Guardian/Getty Images
UNESCO cho biết Stonehenge sẽ được đưa vào danh sách di sản gặp nguy hiểm nếu nhà chức trách Anh quốc không thay đổi quy hoạch xây dựng hầm đường bộ A303 - Ảnh: The Guardian/Getty Images

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) hôm 23/7 xác nhận rằng Stonehenge có thể bị tước danh hiệu di sản thế giới do lo ngại rằng một hầm đường bộ, được chính phủ cho phép xây dựng, sẽ làm hư hại không thể phục hồi một khu vực có “giá trị phổ quát nổi bật”.

Một báo cáo gửi Ủy ban di sản thế giới của UNESCO nêu lên những lo ngại về hầm đường bộ A303 có trị giá 1,7 tỷ bảng Anh đã được phê duyệt “không thay đổi” hôm 22/7. Nếu thiết kế của đường hầm dài 2 dặm (3,3km) không được mở rộng và thay đổi, Ủy ban khuyến nghị sẽ xếp Stonehenge vào danh sách di sản thế giới của UNESCO đang gặp nguy hiểm trong năm tới.

Tháng trước, Tòa án tối cao Anh quốc được thông báo rằng quyết định phê duyệt đường hầm do Bộ trưởng Giao thông Vận tải Grant Shapps ký hồi tháng 11 năm ngoái là trái pháp luật vì đã không xem xét đúng mức thiệt hại sẽ xảy ra đối với một loạt các địa điểm thời tiền sử và hàng ngàn đồ tạo tác cổ.

Ủy ban di sản của UNESCO cho rằng nếu Tòa án tối cao đồng ý với kế hoạch xây dựng hầm đường bộ A303, thì Stonehenge nên được đưa vào danh sách di sản gặp nguy hiểm. Được biết, mặc dù có những cải tiến nhỏ so với quy hoạch ban đầu, nhưng đường hầm như đề xuất có thể làm hư hại “không thể phục hồi” đối với cảnh quan Stonehenge.

Giao thông trên đường A303 chạy bên cạnh di tích cổ - Ảnh: The Guardian/ Getty Images
Giao thông trên đường A303 chạy bên cạnh di tích cổ - Ảnh: The Guardian/ Getty Images

Bộ trưởng Shapps phớt lờ lời khuyên của một phái đoàn UNESCO vào năm 2018 và cơ quan thanh tra quy hoạch của Bộ Giao thông cho biết đường hầm sẽ gây “tác hại đáng kể” và không nên được triển khai. UNESCO đã đề xuất một đường hầm dài hơn, thi công bằng máy đào ống ngầm, để tránh phạm đến di sản.

Ủy ban bày tỏ thất vọng rằng Bộ trưởng Shapps đã chọn phương án rẻ hơn là một đường hầm ngắn và nông. Tuyên bố của UNESCO lưu ý: “Chính phủ Vương quốc Anh xác định rằng lợi ích cảnh quan bổ sung sẽ không bù đắp cho các chi phí phát sinh thêm. Rất tiếc là đối với một tài sản di sản thế giới mang tính biểu tượng như vậy, các lập luận vẫn khăng khăng rằng lợi ích của một đường hầm dài hơn không vượt qua nổi vấn đề chi phí”.

Ủy ban di sản của UNESCO cho biết đề xuất "một cây cầu xanh" dài 150m ở phía tây của đường hầm "không thể được coi là một giải pháp thích hợp", và lưu ý rằng khoảng 1km của đường hai chiều mới được đề xuất sẽ "làm lộ ra trong một vết cắt lớn trong cảnh quan mở rộng".

Ủy ban UNESCO từ chối các cuộc đàm phán tiếp theo với chính phủ Vương quốc Anh trừ khi họ cam kết từ bỏ đường hầm hiện tại.

Tháng trước, Bộ Giao thông Vận tải Anh cho biết: “Chúng tôi tin tưởng rằng quyết định của Bộ trưởng Shapps để tiến hành dự án A303 Stonehenge là đúng đắn, hợp pháp và được thông tin đầy đủ”.

Stonehenge Alliance, liên minh vận động chống lại việc xây dựng đường hầm đã chính thức kêu gọi chính phủ lưu ý đến quan điểm của UNESCO và các thanh tra của chính Bộ Giao thông Anh.

Việt Hưng (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI