Tại sao phụ nữ bị tuyến giáp sẽ khó có con?

24/11/2020 - 06:32

PNO - Ở Việt Nam, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp cao hơn nam giới. Đặc biệt, bệnh tuyến giáp khá phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

 

Phân biệt giữa người khỏe mạnh và người bị tuyến giáp. (hình minh họa)
Phân biệt giữa người khỏe mạnh và người bị tuyến giáp. (hình minh họa)

Tiến sĩ - bác sĩ Lý Đại Lương, Bệnh viện Mỹ Đức cho biết tuyến giáp là tuyến nội tiết nằm ở cổ. Các bệnh liên quan đến tuyến giáp hay gặp gồm: suy giáp, cường giáp, nhân giáp, bướu giáp... Việc ảnh hưởng đến chức năng làm mẹ xảy ra chủ yếu ở bệnh suy giáp và cường giáp.

Với bệnh suy giáp, nếu nồng độ hormone tuyến giáp thấp có thể cản trở việc phóng trứng từ buồng trứng (rụng trứng), làm suy giảm khả năng đậu thai. Thậm chí, khi mang thai, cơ thể người mẹ sẽ tiết ra hai hormone chính đó là hormone βhCG (human chorionic gonadotropin) và estrogen; nhưng nếu phụ nữ bị suy giáp sẽ khiến tuyến giáp tiết ra không đủ một số hormone quan trọng có thể gây sảy thai.

Nghiên cứu của Mayo Clinic (một trung tâm y tế ở Mỹ) cho thấy: phụ nữ bị suy giáp không được điều trị trong thời gian mang thai không chỉ đối diện nguy cơ sảy thai cao mà còn bị bong nhau, vỡ ối sớm và tử vong sơ sinh.

Các nhà khoa học Trung Quốc cũng xác nhận những phụ nữ bị suy giáp cận lâm sàng cũng như tự miễn tuyến giáp có nguy cơ sảy thai cao hơn khi thai được 4 - 8 tuần.

Theo bác sĩ Lý Đại Lương, một số nguyên nhân cơ bản gây ra bệnh suy giáp như: rối loạn tự miễn dịch hoặc trục trặc ở tuyến yên.

Điều trị tốt bệnh tuyến giáp để tránh nguy cơ sinh non và sảy thai. (hình minh họa)
Điều trị tốt bệnh tuyến giáp để tránh nguy cơ sinh non và sảy thai. (hình minh họa)

Với bệnh cường giáp lại xảy ra khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone thyroxine (hormone T4), triiodothyronine (hormone T3) so với bình thường. Cường giáp thường gây ra 3 bệnh chính gồm: viêm tuyến giáp, tuyến giáp tiết quá nhiều hormone T4 và phổ biến nhất là bệnh tự miễn tuyến giáp (còn gọi là Basedow).

Bệnh tự miễn tuyến giáp (Basedow) không hiếm gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Bệnh xuất hiện khi hệ thống miễn dịch của cơ thể sinh ra các kháng thể tấn công mô tuyến giáp. Bệnh tự miễn tuyến giáp gây ra những biến chứng xấu ở phụ nữ mang thai, bao gồm sảy thai, sinh non.

Nguyên nhân do hormone TSI (hóc môn kích thích tuyến giáp) sản sinh ra quá nhiều đã tác động qua nhau thai gây cường giáp ở thai nhi. Bệnh cường giáp không kiểm soát tốt sẽ gây những hậu quả xấu lên bào thai như: bệnh tim bẩm sinh, thai chậm phát triển, sinh son, thai chết lưu và có thể gây dị tật bẩm sinh.

Bệnh Basedow có thể mang tính gia đình, nghĩa là nhiều thành viên trong gia đình như mẹ, chị, em gái có thể cùng mắc bệnh. Phần lớn bệnh tự miễn tuyến giáp không có triệu chứng, chỉ được phát hiện qua xét nghiệm.

Khi có thai, thói quen thông thường của một số thai phụ mắc bệnh tuyến giáp là ngưng sử dụng thuốc. Tuy nhiên, nhiều bệnh tuyến giáp vẫn cần được tiếp tục điều trị trong khi mang thai.

Bác sĩ Lý Đại Lương cảnh báo một số trường hợp phụ nữ có thai bị cường giáp đã tự ngưng thuốc, dẫn đến suy tim nguy hiểm trong thai kỳ. Nếu bà bầu muốn ngưng thuốc phải đến bác sĩ chuyên về nội tiết để được tư vấn và điều trị với những thuốc an toàn cho thai.  

Tốt nhất, những phụ nữ mắc bệnh tuyến giáp cần phải được chữa trị sớm trước khi dự định có thai, cũng như trong thai kỳ.

 Đinh Tiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI