Tại sao phải vận động phụ huynh đóng tiền

11/10/2024 - 19:04

PNO - Không phải đóng quá nhiều tiền khi cho con đi học là nguyện vọng của nhiều người. Nhưng làm cách nào để giảm bớt khoản đóng góp của phụ huynh?

Nhiều người cao tuổi chắc còn nhớ ngày xưa đi học có 3 loại trường: trường công, trường bán công, trường tư thục. Học trường công chỉ đóng cho trường tiền niên liễm (không nhiều lắm), vào lớp thì đóng tiền mua phù hiệu và bảng tên. Quần áo đi học cha mẹ tự may cho con theo quy định của từng trường tùy theo cấp lớp.

Trường THCS Lê Quý Đôn (TP.Thủ Đức, TPHCM) ra thông báo không thu bất kỳ loại quỹ nào của phụ huynh - Ảnh: Minh Linh
Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Thủ Đức, TPHCM) là trường đầu tiên ra thông báo không thu bất kỳ loại quỹ nào của phụ huynh - Ảnh: Minh Linh

Trường bán công ngoài các thứ như trường công còn phải đóng học phí theo từng học kỳ vì chính phủ chỉ hỗ trợ một phần, bán công mà. Còn trường tư thục thì hoàn toàn phải đóng học phí. Cao hay thấp tùy từng trường. Thời bao cấp học sinh không phải đóng tiền gì cả, được mượn sách giáo khoa, thậm chí còn được mua tập, giấy, mực theo giá phân phối.

Ngày nay hết còn bao cấp nhưng Nhà nước cũng bố trí ngân sách đáng kể cho ngành giáo dục. Tuy vậy học sinh học trường công vẫn phải đóng các loại tiền gồm: học phí (theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP); bảo hiểm y tế học sinh (theo quy định 595/QĐ-BHXH năm 2017, được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng); chi phí dạy thêm, học thêm trong nhà trường, nếu có (theo Thông tư 17/2012/BGDĐT); kinh phí cho việc may, mua, thuê, mượn đồng phục và lễ phục (theo Thông tư 26/2009/BGDĐT).

Ngoài ra, cơ sở giáo dục còn được vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để thực hiện các nội dung sau: trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục; hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục (theo Thông tư 16/2018/BGDĐT). Có lẽ vận dụng nội dung này mà nhiều nhà trường vận động hội phụ huynh học sinh đóng tiền cơ sở vật chất, thậm chí có lớp phụ huynh phải đóng tiền để trang bị máy lạnh (có kèm theo tiền điện hàng tháng cho nhà trường), rèm màn, bông hoa cây kiểng trang trí lớp học…

Không dừng ở đó, có lớp, phụ huynh học sinh còn vận động đóng tiền để photo tài liệu ôn thi học kỳ (các câu hỏi có thể ra đề và đáp án), tiền vệ sinh lớp học (để học sinh khỏi phải phân công nhau vệ sinh lớp của mình). Tất nhiên số kinh phí mà hội cha mẹ học sinh vận động đóng góp đều phải được nhà trường đồng ý và để phục vụ cho con, em mình có điều kiện học tốt hơn. Nhưng đối với phụ huynh này số tiền đóng góp không đáng kể, nhưng đối với phụ huynh khác là một khoản khá nặng.

Theo quy định thì các khoản mà ban đại diện phụ huynh học sinh vận động thì phụ huynh có thể không đóng. Nhưng vì việc mua sắm để phục vụ cụ thể cho lớp của con, em mình nên khó lòng từ chối, vì không ai muốn con mình trở thành “con cừu đen trong bầy cừu trắng”.

Bỏ được chuyện vận động phụ huynh đóng tiền ngoài các khoản bắt buộc theo quy định được không? Có lẽ là được. Bởi vì một số trường ở Bình Dương đã không còn vận động phụ huynh đóng quỹ lớp nữa. Trước mắt là các trường đạt chuẩn quốc gia thì nên kiên quyết không vận động đóng góp tiền cơ sở vật chất. Các trường khác chưa đạt chuẩn, điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, trường có thể vận động phụ huynh tự nguyện đóng góp chung cho trường chứ không nên để dùng cụ thể cho một lớp nào cả.

Nhà trường gồm ban giám hiệu và các giáo viên nên có tâm niệm làm sao cho học sinh đi học ít tốn tiền nhất. Riêng về phía phụ huynh đừng quá nâng niu con mình. Bọn trẻ có nóng nực một chút, động chân động tay một chút đâu có gì lớn. Xưa kia ông bà cha mẹ chúng vừa đi học, vừa phải đi lao động như đắp đê, đào kênh hay chí ít quét dọn sân trường cũng vẫn có thể học tốt.

Nguyễn Huỳnh Đạt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI