Tại sao phải kiên trì đến cùng để giữ gia đình?

21/08/2021 - 19:32

PNO - Tại sao chúng ta lại phải kiên trì đến cùng với mối quan hệ hôn nhân? Tại sao ta lại luôn phải giữ nó trong trạng thái là “tổ ấm”?

Hạnh Dung ơi,

Mình vừa đọc được một thông tin : “Theo chuyên gia tâm lý học người Mỹ Carolyn Hartley, tất cả đều phải đối mặt với những trở ngại và thử thách trong mối quan hệ nhưng sự khác biệt nằm ở chỗ bạn không bỏ cuộc ngay cả trong thời gian khó khăn nhất”.

Khi nào thì gia đình là trên hết?
Khi nào thì "gia đình là trên hết"?

Quy chiếu ý này trong đời sống vợ chồng, tại sao chúng ta lại phải kiên trì đến cùng với mối quan hệ hôn nhân? Tại sao ta lại luôn phải giữ nó trong trạng thái là “tổ ấm”? Vì duy trì trạng thái đó mà mình từng mất cân bằng và rất nhiều người khác thậm chí đã phải lâm vào bất hạnh. Hạnh Dung nghĩ sao về tâm lý “gia đình là trên hết” và là giá trị cuối cùng của con người?

Hoài An

Hoài An mến,

Câu nói của chuyên gia tâm lý học người Mỹ Carolyn Hartley rất đúng, nhưng những thực tế bạn nêu cũng rất đúng. Nhưng hai ý này nghe có vẻ mâu thuẫn đúng không?

Hạnh Dung xin tạm gọi tên 2 yếu tố ta cần phân biệt khi đối diện với xung đột của mối quan hệ, đó là THỬ THÁCH và GIÁ TRỊ.

Cuộc hôn nhân nào cũng có thử thách, đó có thể là xung đột tài chính, tính cách, năng lực chia sẻ, sự chung thủy… Thử thách đôi khi chỉ ra cho bạn thấy điểm yếu chí mạng nào đó ở bạn đời (ví dụ không biết quản lý tài chính, không kiềm chế được cơn nóng nảy, thậm chí không chín chắn trong tình cảm). Và người trong cuộc, nói như Carolyn Hartley là phải đối mặt và không bỏ cuộc. Cụ thể hơn là không dừng lại ở sự phán xét, phán xử nó mà nỗ lực giúp nhau vượt qua.

Còn giá trị, chính là sức mạnh cốt lõi của mối quan hệ, là lý do để mối quan hệ đó tồn tại. Giá trị của một cuộc hôn nhân với mỗi người mỗi khác, nhưng nó thường là sự gắn kết bằng yêu thương, đồng hành và chia sẻ cùng nhau những dự định đời người. Và khi giá trị này bị phá vỡ, một trong hai người không còn mong muốn đó nữa, thì mối quan hệ cũng mất ý nghĩa. Những “cuộc hôn nhân không cứu vãn được” chính là khi nó bị đổ vỡ giá trị.

Quan trọng là người ta cần nhận ra xung đột mình đang đối diện là thử thách hay là một sự đổ vỡ giá trị. Thực chất, hầu hết xung đột thường ngày trong hôn nhân chỉ là một dạng thử thách. Và thử thách dù lớn đến đâu, nhưng nếu nó không va chạm đến giá trị hôn nhân, thì người ta vẫn có thể vượt qua được. Đó là lý do mà có những bà vợ có thể sẵn lòng chờ đợi người chồng mãn hạn tù vì mang trọng tội, nhưng lại sẵn sàng cắt đứt hôn nhân nếu người chồng thành đạt đem lòng yêu người phụ nữ khác. Vậy với người vợ đó, giá trị hôn nhân chính là tình yêu chung thủy. Nhưng cũng có người vợ lựa chọn ngược lại, nếu giá trị mà cô ấy mong muốn ở hôn nhân chỉ là được sống cùng một người bạn đời thành đạt.

Giá trị hôn nhân ở nhiều người có thể rất lệch lạc với mẫu số chung, nhưng nếu nó không vi phạm pháp luật và không ảnh hưởng đến người khác, thì nó vẫn tồn tại và cần được tôn trọng.

Để trả lời về mẫu số chung thì rất dễ, nhưng các mối quan hệ bị chi phối rất lớn bởi tính cá nhân. Vì vậy, người ta thường phải tự nhận thức được đâu là giá trị họ mong muốn ở hôn nhân, và sống hết vai trò của bản thân trên nền tảng giá trị đó. Chỉ khi đó họ mới biết đâu là thử thách họ nên vượt qua, đâu là tín hiệu họ nên dừng lại.

 Ví dụ, bạn muốn một cuộc hôn nhân đầy thấu hiểu, nâng đỡ, chia sẻ và chung thủy. Vậy khi chồng ngoại tình, bạn sẽ không ngừng tiếp nhận trên tinh thần thấu hiểu, chia sẻ. Chỉ khi đó, bạn mới tiếp cận được phiên bản thật của anh ấy trong lầm lỡ kia, mới biết được đó chỉ là một phút sa ngã, hay là lựa chọn thực sự, là bản chất con người anh ấy. Khi có được thông tin đó rồi, bạn toàn quyết quyết định tương lai hôn nhân của bạn. Và dù bạn chọn ly hôn, nó cũng là quyết định đầy hiểu biết và chủ động, có thể đau buồn nhưng sáng rõ và không day dứt.

 Sự “kiên trì đến cùng” lúc này không phải sự chịu đựng, cũng không làm bạn bất hạnh thêm, nó rất khác với việc bạn mù quáng giữ cho bằng được hôn nhân mà không cần biết vấn đề mình đang đối diện là gì, cuộc hôn nhân đó có thực sự còn là một cuộc hôn nhân hay không…

Câu nói “gia đình là trên hết” rất đúng với số đông, nhưng gia đình đó phải thực sự mang giá trị gia đình chứ không phải chỉ là một tên gọi. “Gia đình là trên hết” không có nghĩa là bạn phải khư khư giữ lấy một mối quan hệ đã đổ vỡ, mà chính là việc bạn giữ niềm tin vào giá trị gia đình, để đôi khi phải chấm dứt những mối quan hệ đã mất giá trị, đồng thời không ngừng mưu cầu và mở lòng với những cơ hội để phát huy giá trị gia đình mà mình tin tưởng…

Vài lời cùng bạn. Mong bạn luôn hạnh phúc, đó chính là giá trị mà Hạnh Dung tin tưởng ở con người!

HẠNH DUNG

 

MỜI BẠN CHIA SẺ TÂM TƯ CÙNG CHỊ HẠNH DUNG

 

Việc ở nhà toàn thời gian mùa dịch khiến chúng ta va chạm với các thành viên gia đình nhiều hơn, đồng thời cũng có động lực hơn trong gắn kết tình cảm, hoá giải gút mắc các mối quan hệ...

 

Chị Hạnh Dung - người đã lắng nghe tâm tư bao thế hệ bạn đọc của Báo Phụ Nữ TPHCM đang sẵn sàng 24/7 để nghe những chia sẻ, băn khoăn và hỗ trợ bạn gỡ rối.

Mời bạn gõ câu hỏi trực tiếp trong cửa sổ Chát với Hạnh Dung bên cạnh các bài viết của chuyên mục Chát với Hạnh Dung trên trang phunuonline.com.vn hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

 

 

 

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI