Tại sao phải đưa hết tiền cho vợ giữ?

04/08/2023 - 08:16

PNO - Tân không muốn bạn gái nghĩ anh là người nhỏ nhen, tính toán. Thư cũng không muốn bạn trai nghĩ cô là người so đo tiền bạc.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Anh nghĩ, nếu 2 đứa đăng ký kết hôn thì tiền của ai người đó vẫn giữ như hiện tại. Nếu cần mua sắm gì thì góp chung, hoặc tùy từng khoản sẽ quyết định ai là người chi tiền”.

“Tách bạch chi li như thế thì đâu phải là gia đình”, Thư đáp ngay lại khi Tân vừa chia sẻ suy nghĩ của anh về việc quản lý tài chính sau kết hôn. Thấy giọng bạn gái không vui, Tân đành chuyển chủ đề, dự tính khi nào thuận tiện sẽ nói lại.

Tân quen và yêu Thư khi anh chuyển về Việt Nam làm việc. Cả 2 có ý định kết hôn cuối năm nay. Tân sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nhưng anh đi du học và có thời gian làm việc khá dài ở nước ngoài vì vậy trong nhiều chuyện nói chung và chuyện tiền bạc nói riêng anh thích rõ ràng, sòng phẳng.

Thư là mẫu phụ nữ hiện đại, độc lập, kiếm được tiền. Bình thường trong thời gian yêu nhau Thư cũng không để ý đến tiền của bạn trai. Nhưng Thư mong muốn khi kết hôn, cô phải được quyền quản lý thu nhập của chồng. Chính vì chưa thống nhất được điều này nên mấy hôm nay không khí cuộc nói chuyện giữa 2 người luôn căng thẳng.

“Tôi ủng hộ chú. Thời bọn tôi mặc định cứ lập gia đình là đưa hết tiền cho vợ. Sau mới thấy bất tiện. Theo tôi, cứ tỏ rõ quan điểm ngay từ đầu là tốt nhất. Cùng lắm thì chú chỉ nộp lương thôi. Phần còn lại lập quỹ đen”, Mạnh - ông anh cưới vợ hơn chục năm tư vấn.

“Em không muốn nói dối vợ. Tiền của mình, mình tiêu đàng hoàng”, Tân nói.

Hình mang tính minh họa
Hình mang tính minh họa

Ở phía khác, Thư cũng đang hoài nghi. Thư được mẹ dạy độc lập kiếm tiền từ nhỏ. Nhưng cô cũng được dạy, lập gia đình phải quản được tiền của chồng. Nắm tiền của chồng cũng là 1 cách giữ chồng. Hạn chế việc chồng sẵn tiền mà đua theo bạn bè chơi bời nhậu nhẹt, chưa kể có khi còn lấy tiền bao cô này cô nọ.

Nhưng Thư không dám chia sẻ với Tân những suy nghĩ đó, vì biết chắc Tân sẽ nói cô không tin anh. Nhưng phân chia tiền bạc sau khi kết hôn theo cách của Tân thì Thư thấy không an toàn dù trong thâm tâm Thư không ham làm “thủ quỹ”. Vì hồi cô lên Đại học, có thời gian dài cả gia đình lâm vào cảnh khó khăn, Thư luôn nhìn thấy mẹ trong tình trạng stress vì phải căn cơ tính toán từng đồng để chi tiêu hợp lý cho gia đình. Cô hiểu việc phải làm thủ quỹ, kế toán cho gia đình rất mệt. Những lúc đấy, các ông chồng làm sao hiểu được.

“Em thấy phụ nữ sinh ra vốn đã thiệt thòi. Vì lý do sức khỏe, sinh nở nên phụ nữ bất lợi trong việc kiếm tiền so với đàn ông. Ở nhà em, em đưa hết tiền cho vợ. Em muốn vợ em cảm thấy cô ấy quan trọng, cảm thấy được yêu thương tin tưởng. Từ đó tình cảm gia đình cũng hạnh phúc hơn”, Long - cậu em mới cưới vợ hồi đầu năm chia sẻ, khiến Tân có chút bối rối.

Tân không muốn bạn gái nghĩ anh là người nhỏ nhen tính toán, thậm chí là mẫu đàn ông lạnh lùng. Thư cũng không muốn bị bạn trai nghĩ cô là người so đo. Cô hiểu bạn trai đề cập chuyện quản lý tài chính trước hôn nhân chính là muốn tạo tiền đề cho 1 cuộc hôn nhân vững chắc. Chỉ là giữa cô và bạn trai chưa tìm được tiếng nói chung.

Việc quan trọng của cả 2 bây giờ là phải tìm được mục đích chung sau kết hôn, từ đấy mới có thể lên kế hoạch rõ ràng về chuyện tiền bạc được. Nghĩ đến đây, Thư cầm điện thoại định nhắn tin cho Tân và thấy tin nhắn Tân mới gửi đến: “Tối nay mình đi ăn tối nhé. Anh muốn nghe dự định của em sau khi tụi mình kết hôn”.

Thư khẽ cười,  mừng vì Tân đang chung suy nghĩ với cô. Thư không biết tối nay 2 người có rơi vào 1 cuộc nói chuyện căng thẳng nữa hay không, nhưng cô biết chắc, khi cả 2 chịu ngồi lại lắng nghe nhau thì mâu thuẫn gì cũng có cơ hội được giải quyết hết.

Hoàng Thiên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI