Tại sao phải buồn?

16/01/2022 - 11:56

PNO - Muốn giữ lửa hôn nhân phải nhường nhịn nhau thay vì sự nhường nhịn thái quá chỉ từ một phía.

 

Tôi đi làm ở thành phố, những dịp lễ tết hay đám giỗ mới gặp dì. Mỗi lần gặp, tôi lại thấy dường như dì càng thu mình, nét khắc khổ, mơ hồ một nỗi lo lắng thường trực luôn xuất hiện. Dì từng trải qua một lần hôn nhân, có một đứa con gái đã ra trường đi làm. Với người sau, dì có một cậu con trai thông minh, học giỏi. Nhà sẵn có, đất đai rộng rãi, ấy vậy mà tôi chưa bao giờ thấy sự nhẹ nhõm, thả lỏng hay nụ cười tươi rói ở dì.

Tôi nhớ có lần về đám giỗ, thời chưa có dịch, đám giỗ quê đông vui lắm. Mọi người tập trung trò chuyện rôm rả, nhưng dì thường không góp mặt vào những đám đông ấy.

Dì lặng lẽ chọn cho mình một góc. Lúc mọi người đã xong và lên bàn ăn, dì cũng viện cớ bảo canh chừng củi lửa để ở dưới bếp rồi lên sau. Lúc đang chặt thịt hay lặt rau, dì cứ nhìn đồng hồ hoặc luôn để ý điện thoại xem có ai điện không. 

Có lần tôi đến nhà dì chơi, biếu dì một ít bánh trái. Buổi trưa, nhà có vẻ yên ắng. Tôi nhìn nhanh lên nhà trên, người chồng sau của dì đang ngủ, đứa con trai ở trong phòng học bài còn dì khệ nệ với đống thau chén. Dì có vẻ ái ngại bởi không thể mời tôi vào nhà chơi vì sợ nói chuyện ồn sẽ khiến chồng tỉnh giấc.

Tôi nhanh trí nói nhà có việc, chỉ có thể ở chơi một chút rồi nhanh tay kéo chiếc ghế ra sân, chỗ dì đang rửa chén, ngồi nói chuyện. Trong lúc tiếp tôi, dì lại giặt đồ rồi chà những đám rêu đóng ở gần giếng. Trên đường về, đầu óc tôi không thể nào dứt ra được những câu chuyện về dì.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Sau này, tôi còn nghe ngoại khóc với mẹ tôi rất nhiều về chuyện của dì và người chồng sau. Đại ý rằng dì luôn cam chịu và nhường nhịn mọi việc. Như việc dì luôn chỉnh chuông điện thoại lớn là vì có một lần, người ấy gọi nhưng vì trời mưa dì đang chạy xe, điện thoại ở trong cốp dì không hay. Vậy là ngay giữa nhà ngoại, người chồng sau đã lớn tiếng, nếu không muốn nói là chửi dì. Còn việc dì tất bật sáng tối lại là một lý do khác mà có lần không kềm được, như giọt nước tràn ly, dì đã khóc với ngoại.

Dì nói dì cực thế nào cũng được bởi khi đến với người ta, mình đã là người có gia đình còn người ta là thanh niên chưa vợ. Mình nhường nhịn chút cũng không sao, miễn gia đình được thuận hòa, êm ấm. 

Những việc trên là chưa kể đến những lần người chồng sau đi nhậu, dì thức đến 1, 2 giờ sáng để đợi. Về đến nhà, vì quá say, chồng dì còn đập đồ khiến đứa con trai khóc lóc, sợ hãi. Tôi không chấp nhận được lý do mình đến với người ta khi mình đã từng có gia đình rồi nên mình phải chịu thiệt thòi.

Hôn nhân là tự nguyện. Không ai hoàn hảo cả. Mỗi người đều có hoàn cảnh riêng, cái tôi riêng. Muốn giữ lửa hôn nhân, đôi bên phải sẵn sàng nhường nhịn nhau. Đến với nhau là chấp nhận điều không hoàn hảo ở người kia, có cảm thông và chia sẻ thì mới vững bền.

Tôi thấy thật sự thương dì bởi dì cứ mang mặc cảm ấy đến với cuộc hôn nhân sau và nghĩ rằng mình hy sinh hết, chịu nhịn hết thì sẽ giữ được cuộc hôn nhân. Hay dì nghĩ cho con, muốn con có một gia đình trọn vẹn mà dẫu biết mình đang ngột ngạt, bị đối xử thiếu tôn trọng vẫn âm thầm chịu đựng? 

Tôi không chắc mình có thể hiểu được hết lý do. Tôi là phận con cháu, khó lòng mà mở lời, nhưng nếu sau một thời gian nữa, mọi chuyện vẫn không có gì chuyển biến, có lẽ tôi sẽ đánh tiếng với ngoại hoặc mẹ ngồi lại nói chuyện rõ với dì.

Không thể cả đời sống trong sự sợ hãi không làm vừa lòng người khác, mang mặc cảm để rồi kìm nén bản thân. Dì còn phải nghĩ cho dì. Dì có công việc ổn định, không phụ thuộc kinh tế vào người khác. Dì luôn yêu thương và chăm sóc cho gia đình từng bữa cơm giấc ngủ thì không việc gì phải sống một cuộc sống như vậy.

Ngoài xã hội, có những người còn không được như dì nhưng vẫn hạnh phúc, vẫn được tôn trọng. Chắc chắn hôm nào đó tôi sẽ ôm dì thật chặt và khẽ nói: “Dì ơi đừng buồn. Tại sao phải buồn?”. 

Phong Dương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI