Tại sao nhiều người Mỹ bỏ qua mũi tiêm vắc-xin thứ 2?

03/05/2021 - 08:50

PNO - Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cuối tuần qua báo cáo rằng gần 8% trong số hàng triệu người đã tiêm mũi vắc-xin COVID-19 đầu tiên không quay trở lại để tiêm mũi thứ 2 theo yêu cầu, làm dấy lên mối lo ngại rằng nước Mỹ có thể không đạt được tình trạng miễn dịch cộng đồng để cắt dịch.

Nhiều người – sau khi tiêm mũi vắc-xin COVID-19 đầu tiên – đã cố tình bỏ qua mũi tiêm thứ hai theo quy định - Ảnh: CNN
Nhiều người - sau khi tiêm mũi vắc-xin COVID-19 đầu tiên - đã cố tình bỏ qua mũi tiêm thứ 2 theo quy định - Ảnh: CNN

Nhưng các chuyên gia y tế cho biết là dù con số đó là bao nhiêu, vẫn cần thiết phải thông báo cho người dân về tầm quan trọng của mũi tiêm thứ 2 - để bảo vệ chính họ và những người khác trong đại dịch - và để họ biết rằng đừng để quá muộn để tiêm mũi vắc-xin thứ 2.

Hai trong số các loại vắc-xin đang được sử dụng ở Mỹ - vắc-xin Pfizer/BioNTech (thường gọi tắt là Pfizer) và Moderna - yêu cầu người được tiêm chủng phải tiêm mũi thứ 2 để nhận được hiệu quả bảo vệ tối đa của vắc-xin.

Các chuyên gia y tế cho biết, không có gì lạ khi nhiều người bỏ mũi tiêm vắc-xin thứ 2. Ví dụ, tỷ lệ bỏ qua đối với mũi thứ 2 của vắc-xin ngừa bệnh zona là khoảng 26% trong số những người được hưởng chính sách Medicare, theo số liệu của tổ chức Kaiser Family Foundation (KFF).

CDC cho biết số người tiêm thiếu liều - khoảng 5 triệu người - có thể là không chính xác. Nếu một người tiêm 2 liều từ các đơn vị báo cáo khác nhau, ví dụ mũi đầu tiên tiêm tại một phòng khám tiểu bang, mũi thứ 2 tiêm tại một cơ sở y tế địa phương và 2 mũi tiêm có thể không được liên kết bởi cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên, người phát ngôn của CDC lưu ý rằng cần phân tích thêm lý do đằng sau việc chậm trễ hoặc bỏ qua mũi tiêm thứ 2 - do không thuận lợi tiếp cận cơ sở tiêm chủng hay do cân nhắc cá nhân về vắc-xin.

Những người bỏ qua mũi tiêm thứ 2 nói gì?

Một số người cho biết họ tiêm mũi thứ 2 ở cơ sở tiêm chủng khác với mũi tiêm đầu tiên, mặc dù họ được nơi đầu tiên liên lạc để nhắc hẹn tiêm lần 2.

Nhưng một số người cố tình bỏ qua mũi tiêm thứ 2 vì sợ tác dụng phụ của vắc-xin - được báo cáo là nghiêm trọng hơn so với lần tiêm đầu đối với một số người. Việc khó lấy hẹn và tìm thời gian để đi tiêm cũng là một trong những lý do khiến người ta bỏ mũi tiêm thứ 2. Mũi thứ 2 của vắc-xin Pfizer sau mũi đầu 21 ngày, còn mũi thứ 2 của vắc-xin Moderna cách mũi đầu 28 ngày. Quy định “cứng” về ngày thực hiện mũi tiêm thứ 2 thực tế gây khó khăn cho nhiều người.

Nhưng một lý do khác khiến người ta có thể bỏ qua mũi tiêm thứ hai là không hiểu tầm quan trọng của nó hoặc bị thông tin sai lệch. Điều đó sẽ khó sửa chữa hơn - Ảnh: CNN
Nhưng một lý do khác khiến người ta có thể bỏ qua mũi tiêm thứ 2 là không hiểu tầm quan trọng của nó hoặc bị thông tin sai lệch. Điều đó sẽ khó sửa chữa hơn - Ảnh: CNN

Một cách khắc phục: Giúp việc tiếp cận mũi tiêm thứ 2 dễ dàng hơn

Tiến sĩ Leana Wen, chuyên gia phân tích y tế của CNN cho rằng: “điều chúng ta thực sự cần thực hiện là làm cho việc tiêm chủng trở thành sự lựa chọn dễ dàng và thuận tiện”. Cô Wen nói, "bất cứ điều gì chúng ta có thể làm để đưa vắc-xin đến văn phòng bác sĩ, hiệu thuốc, nơi làm việc, trường học, dù mọi người ở đâu, đều thực sự quan trọng”.

Tiến sĩ Jeffrey Jahre, một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm thuộc Mạng lưới Bệnh viện Đại học St. Luke ở Pennsylvania, cho biết tỷ lệ thành công trong việc tiêm chủng đầy đủ cho mọi người là 99%, một phần là do mạng lưới này tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêm mũi thứ 2 ngay từ lần tiêm thứ nhất, sau đó theo định kỳ 5 ngày, 3 ngày và một ngày nhắc nhở cho người được hẹn.

Theo số liệu của CDC, hơn 43% dân số Hoa Kỳ đã tiêm ít nhất một mũi vắc-xin và 30% đã được tiêm chủng đầy đủ. Nhiều nơi ở Mỹ, việc tiêm chủng ngày càng dễ dàng hơn khi cung tăng và cầu bắt đầu giảm.

Cách khắc phục khó khăn hơn: Chống lại những quan niệm sai lầm

Nhưng một lý do khác khiến người ta có thể bỏ qua mũi tiêm thứ 2 là không hiểu tầm quan trọng của nó hoặc bị thông tin sai lệch. Điều đó sẽ khó sửa chữa hơn.

Một số người bỏ qua lần tiêm thứ 2 vì họ nghĩ sai lầm rằng mũi tiêm đầu tiên đã cung cấp cho họ một sự bảo vệ đầy đủ, còn mũi thứ 2 chỉ là đảm bảo cho tốt hơn, theo chuyên gia y tế của CNN.

Trên thực tế, hầu hết người Mỹ có thể bị thông tin sai về thời gian miễn dịch sau khi tiêm chủng, theo một bài viết mới được công bố hôm 28/4 trên Tạp chí Y học New England. Các tác giả đã phân tích kết quả khảo sát 1.027 người trưởng thành ở Mỹ trong khảng thời gian từ 11-15/2 thông qua bảng câu hỏi của Trung tâm Nghiên cứu Ý kiến ​​Quốc gia.

Khoảng 20% ​​những người được khảo sát tin rằng vắc-xin mang lại sự bảo vệ mạnh mẽ cho người được tiêm sau mũi đầu tiên, và 36% khác không chắc chắn. Chỉ 44% số người được tiêm cho biết vắc-xin mang lại "khả năng bảo vệ mạnh mẽ" từ một đến hai tuần sau liều thứ 2, theo như hướng dẫn của CDC.

Các tác giả kết luận: “Bất chấp những nỗ lực hiện tại, nhiều người Mỹ, bao gồm nhiều người đã được tiêm mũi vắc-xin đầu tiên, vẫn bối rối về thời gian bảo vệ của vắc-xin và sự cần thiết của liều tiêm thứ 2”.

Một lần tiêm là không đủ

Trên thực tế, liều tiêm đầu tiên chỉ "tăng cường hệ thống miễn dịch, sau đó liều thứ 2 sẽ tăng cường hệ miễn dịch. Điều này khiến nó trở thành một lựa chọn tốt hơn để có được khả năng miễn dịch", như phóng viên y tế Sanjay Gupta của CNN đã giải thích.

Mặc dù có một số tác dụng bảo vệ sau mũi tiêm đầu tiên, nhưng vẫn chưa rõ tác dụng của nó kéo dài bao lâu và việc không tiêm chủng đầy đủ sẽ có hậu quả gì.

Bác sĩ Anthony Fauci - chuyên gia hàng đầu về miễn dịch học của Mỹ - cho biết trong một cuộc họp báo hôm 30/4: "Có sự khác biệt gấp 36 lần giữa việc tiêm chủng đầy đủ so với việc tiêm một phần".

Và sau đó là câu hỏi liệu đất nước có thể có được miễn dịch cộng đồng - với yêu cầu 70-85% dân số được miễn dịch - hay không, nếu số người bỏ tiêm mũi vắc-xin thứ 2 tiếp tục tăng lên.

Các chuyên gia y tế khẳng định, “nếu bạn nằm trong số 8% chỉ tiêm một mũi vắc-xin Moderna hoặc Pfizer, thì có thể không quá muộn để tiêm mũi thứ 2”.

Theo CDC, nếu "không khả thi để tuân thủ khoảng thời gian khuyến cáo và việc hoãn tiêm chủng là không thể tránh khỏi", thì liều thứ 2 của cả 2 loại vắc-xin Pfizer và Moderna có thể được tiêm trong vòng sáu tuần (42 ngày) sau mũi tiêm đầu tiên.

Thanh Vân (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI