Nếu không, nhiều sự cố khác sẽ tiếp diễn ở các bệnh viện và ngành y tế sẽ rơi vào khủng hoảng.
Nhiều sự cố chỉ mang tính... “lưu hành nội bộ”
Bác sĩ điều trị ở một bệnh viện (BV) tiết lộ: “Tại TP.HCM, mỗi BV tiếp nhận vài ngàn người đến khám mỗi ngày nên sự cố y khoa xảy ra như cơm bữa. Lỗi đến từ hệ thống, quy trình BV và có cả lỗi cá nhân do điều trị sai, chăm sóc không đúng cách...
Nhưng các BV e ngại không dám báo cáo, chỉ làm hời hợt vài ca cho có... vì sợ bệnh nhân kiện tụng hoặc lo đồng nghiệp chê cười. Vì vậy, chỉ ca nào xảy ra sự cố trầm trọng như để quên dao, kéo trong bụng sau ca mổ, biến chứng nhìn thấy được như cắt mất tay, chân hay bệnh nhân bức xúc, không đồng ý thương lượng mới được công khai”.
|
Sau ca mổ, các bác sĩ thường kiểm tra lại đủ số lượng dao kéo, tránh để sót trong bụng bệnh nhân |
Vị bác sĩ này cũng kể rằng ngay tại BV của ông, cách đây vài tháng có 2 bệnh nhân cùng tên Nguyễn Thị H., đều 52 tuổi, ở cùng đường, chung quận nên xảy ra tình huống nhân viên phát nhầm thuốc. Một người chỉ bị cảm ho thông thường nhưng đưa nhầm thuốc trị cao huyết áp, tiểu đường của bệnh nhân kia.
Vài giờ sau, người còn lại đến lấy thuốc tiểu đường, cao huyết áp không có nên BV mới phát hiện ra. Cả khoa dược lẫn nhân viên phát thuốc phải chia nhau truy tìm địa chỉ của bệnh nhân. May mắn, khi nhân viên tới nhà thì bệnh nhân vừa ăn cơm trưa chuẩn bị uống thuốc.
“Đặt trường hợp, nếu bệnh nhân này uống thuốc huyết áp và tiểu đường xong rất có thể bị hạ huyết áp và tụt đường huyết dẫn đến ngất xỉu, nặng hơn rơi vào hôn mê. Nhưng BV chỉ thông báo tin này để lưu hành nội bộ, chứ không lan ra ngoài vì sợ người bệnh mất niềm tin. Rõ ràng, các BV khác sẽ không học hỏi được kinh nghiệm chết người này”, vị bác sĩ lo lắng.
|
Bệnh viện quá tải nhưng phân luồng bệnh đúng vẫn khó để xảy ra sai sót |
Còn phó giám đốc một BV lớn tại TP.HCM kể, cách đây vài ngày ông bị viêm tụy, nhập viện ở BV trực thuộc Bộ Y tế có dịch vụ rất tốt. Thế nhưng, sau khi điều trị viêm tụy tạm ổn, nhân viên y tế cho ông uống thuốc xảy ra phản ứng phụ khiến ông không nói được, khó thở, bác sĩ nhận định ông viêm phổi nặng.
Ngay lập tức, ông được chuyển đi chụp phim vẫn không ra kết quả. BV đẩy ông qua phòng có nhiều bệnh nhân viêm phổi nặng để điều trị. Lúc này, ông ý thức được bác sĩ điều trị sai nên chờ khi nhân viên nghỉ ngơi, ông lén cắn ống chèn ở đường thở để không phải thở ô-xy. Ngồi dậy, ông phát hiện cô y tá thay túi nước tiểu nhưng không mở khóa khiến ông không tiểu được. Sau khi tự cấp cứu mình, hôm sau ông khỏe hẳn và xin xuất viện.
Ông cho rằng, nếu bệnh nhân nằm bất động hoặc tin bác sĩ rõ ràng có thể bị nhiễm trùng phổi, viêm phổi nặng vì nhiễm chéo trong BV. Còn không may nếu xảy ra tử vong thì BV cũng giải thích hợp lý do viêm phổi mà chết. Hoặc bệnh nhân bất động cũng sẽ không phát hiện được túi nước tiểu bị khóa. Lúc đó, bệnh nhân bể bàng quang, còn bác sĩ nghĩ bệnh nhân suy thận, không lọc được nước tiểu.
Bác sĩ Nguyễn Duy Thuận - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế y tế và quản trị BV TP.HCM - chia sẻ: một trong những nguyên nhân khiến các BV ngại công bố sự cố y khoa vì nhân viên y tế “bảo vệ” nhau. Nhưng cách bảo vệ này khiến cho sai sót sẽ tiếp diễn, vì nhiều BV khác không được rút kinh nghiệm.
Mặt khác, ở các BV công, khi nhân viên gây ra sự cố thì chính BV sẽ đền bù cho người bệnh, trong khi ở BV tư thì bác sĩ phải bỏ tiền túi để “chuộc lỗi” nên họ rất sợ sai phạm. Do đó, bác sĩ ở BV công càng dễ để xảy ra sai sót y khoa. Chưa kể, không chỉ BV tư cần doanh số mà ngay cả BV công đang tự chủ về tài chính nên họ cũng cần nguồn thu. Vì vậy, họ càng ngại công bố vì sợ người bệnh... tẩy chay.
Lỗi của bệnh viện này sẽ nhắc bệnh viện khác
Bác sĩ Thuận cho rằng, sự cố y khoa sẽ không bao giờ chấm dứt, do đó ngành y tế nên công bố để học hỏi, rút kinh nghiệm lẫn nhau. Hiện nay, các phòng mổ chỉ mới quan tâm bệnh nhân từ khoa khác chuyển tới trước cửa phòng mổ mà không quan tâm bên trong phòng mổ. Trong các phòng mổ, người bệnh thường được “lùa” vào cả chục người nên việc nhầm lẫn rất dễ xảy ra. Lẽ ra, bệnh nhân được đánh số thứ tự trước khi vào phòng mổ.
Bất cứ ca mổ nào trước khi đụng dao kéo lên người bệnh đều phải trả lời hết 14 câu hỏi của bảng kiểm phẫu thuật theo tiêu chí của Bộ Tiêu chí chất lượng BV Việt Nam hoặc các tiêu chuẩn của Mỹ, Pháp... như: “Đúng tên tuổi bệnh nhân chưa? Đã xác định đúng phương pháp phẫu thuật? Xác định đúng vị trí mổ chưa?...”. Sau khi đúng quy chế, quy trình thì phòng mổ tiếp tục tuân thủ quy tắc “năm kiểm tra, ba đối chiếu” của ngành y một lần nữa.
Nhiều trường hợp, bệnh nhân bị thoát vị bẹn bên phải nhưng không kiểm tra sẽ mổ bên trái. Ngoài ra, bác sĩ cần đánh dấu lên vị trí mổ. Nếu không sẽ xảy ra tình trạng mổ mắt phải thành ra mắt trái. Nếu BV nào không tuân thủ 14 câu hỏi này và để xảy ra sai phạm thì đó là lỗi của hệ thống vận hành không tốt, trách nhiệm đầu tiên thuộc về ban giám đốc BV.
Tại TP.HCM, BV Trưng Vương có lẽ là đơn vị đầu tiên dám công bố sự cố y khoa của BV mình cho nhân viên lẫn đồng nghiệp ở các BV khác học hỏi. Bác sĩ Lê Thanh Chiến - Giám đốc BV - chia sẻ: hiện nay, Việt Nam ít có BV thực hiện các khảo sát, nghiên cứu, báo cáo các tình huống gây sự cố y khoa. Một trong những vấn đề khiến nhân viên y tế né báo cáo sự cố y khoa vì thiếu kinh nghiệm, thiếu đào tạo, huấn luyện; thậm chí do khối lượng công việc lớn, tình trạng căng thẳng, thiếu giao tiếp và thiếu kiến thức y khoa dẫn đến xảy ra sự cố y khoa.
Mặt khác, văn hóa buộc tội, nỗi sợ bị trừng phạt do sai sót y khoa cũng là một trong những rào cản lớn hạn chế báo cáo các sự cố y khoa ở nhân viên. Cụ thể, 50,3% nhân viên ở BV Trưng Vương còn lo lắng khi báo cáo sự cố sẽ bị trừng phạt, 67% nhân viên lo bị bêu tên chứ BV không phân tích tìm nguyên nhân. Do đó, hầu hết báo cáo sự cố y khoa hiện nay phụ thuộc nhiều vào bác sĩ trưởng khoa, điều dưỡng trưởng, những người có kinh nghiệm làm việc lâu năm.
Thạc sĩ - dược sĩ Lê Phước Thành Nhân - Trưởng khoa Dược, BV Quận 2 - nhận định: hiện ngành y tế có những bước đột phá về các phương tiện chẩn đoán và điều trị, chăm sóc. Tuy nhiên, trong y khoa luôn tiềm ẩn nguy cơ gây tai biến trong và sau chẩn đoán, điều trị. Vì vậy, sự cố y khoa là một trong những vấn đề liên quan đến chất lượng điều trị và chăm sóc người bệnh đang được cả thế giới quan tâm. Nhiều bác sĩ, điều dưỡng không thích báo cáo sự cố vì sợ bị chú ý, khiển trách.
Hiện nay, dường như chỉ có BV Từ Dũ là báo sự cố y khoa nhiều nhất, còn các BV khác rất ít. Nguyên nhân do các khoa không chịu báo cáo lên. Sắp tới, không chỉ BV Quận 2 mà ngay cả các BV khác sẽ có nhiều giải pháp tăng cường hơn để bác sĩ tăng số lượng báo cáo sự cố y khoa như: cam kết lãnh đạo không xử lý kỷ luật, buộc tội, tăng cường khen thưởng người phát hiện...
Cần báo cáo sự cố y khoa để nhận diện và phòng ngừa
Bác sĩ Lê Thanh Chiến cho biết: “Năm 2016, BV Trưng Vương có tổng cộng 82 sự cố được báo cáo, trong đó có 5 sự cố đặc biệt nghiêm trọng, 14 sự cố suýt xảy ra. Trước tình hình này chúng tôi phải nghiêm túc thực hiện báo cáo sự cố y khoa nhằm giúp nhận diện những nhóm nguyên nhân cơ bản, cũng như yếu tố thuận lợi cho sự cố xảy ra.
Từ đó làm dữ liệu để có thể đề ra biện pháp phòng ngừa sự cố xảy ra và các biện pháp can thiệp làm giảm thiểu tác động của sự cố đến người bệnh cũng như các đối tượng có liên quan đến sự cố”.
|
Các sự cố y khoa được ghi nhận đều do chủ quan
Một báo cáo đầu năm 2019 về sự cố y khoa của 164 điều dưỡng đang công tác tại 20 khoa lâm sàng của BV Nguyễn Trãi TP.HCM (từ tháng 7-9/2016), cho thấy: các sự cố y khoa được ghi nhận đều do chủ quan, thiếu kiểm tra, đối chiếu khi thực hiện. Sự cố y khoa liên quan đến công tác chăm sóc của điều dưỡng chiếm 35,4%.
Trong 2.178 sự cố y khoa thì sự cố liên quan đến dùng thuốc cao nhất (555 lần), chiếm tỷ lệ 25,5% như: đọc nhầm tên thuốc, sao chép sai y lệnh của bác sĩ, nhầm đường tiêm, quên thực hiện do y lệnh miệng, còn thuốc trong lọ sau khi rút, quên thực hiện y lệnh thuốc bổ sung, để dịch truyền chảy nhanh so với y lệnh.
|
Văn Thanh