Các hội nghề nghiệp từng một thời là khát khao, vinh dự đối với nhiều người và việc sở hữu chiếc thẻ hội viên là chuyện không hề dễ dàng. Thế nhưng, nhìn vào thực tế hôm nay, vai trò của các hội nghề nghiệp ngày càng mờ nhạt. Trước hàng loạt lùm xùm thuộc lĩnh vực của mình, các hội gần như mất tích. Thậm chí, ngay chính các hội cũng góp thêm những ồn ào vào bức tranh xấu xí của văn hóa nghệ thuật.
|
Gala Âm nhạc tỏa sáng - một trong những nỗ lực của Hội Âm nhạc TP.HCM - nhằm phổ biến sáng tác của các nhạc sĩ trong hội đến công chúng, nhưng không mấy hiệu quả
|
Vào Hội để làm gì?
Được kết nạp vào Hội Nhà văn TP.HCM, nhưng cây bút trẻ Anh Khang hiếm khi tham gia những chuyến đi thực tế, trại sáng tác hay các hoạt động văn chương với hội. Ngay cả kỳ hội nghị viết văn trẻ TP.HCM lần IV (tháng 6/2017), Khang cũng không dự. Trong khi đó, sách của Khang vẫn đều đặn ra mắt, và anh thường xuyên có “tour” giao lưu với độc giả tại các tỉnh, thành phố lớn.
Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Nguyễn Thị Thu Huệ nói hội cần mở rộng sự tiếp nhận đối với những người viết trẻ, dù họ theo dòng văn học nào; cần phải tìm kiếm những gương mặt mới, “mời họ vào hội” thay vì đợi họ tự tìm đến.
Nhưng, vào hội để làm gì? “Việc của nhà văn là viết ra tác phẩm. Vào mà không có tác phẩm thì cũng không có ý nghĩa” - một cây bút trẻ nêu ý kiến. Nhiều hội viên (cả già lẫn trẻ) Hội nhà văn hầu như không có sách mới trong nhiều năm. Trong khi đó, có một đội ngũ người viết trẻ khác lại ồ ạt ra sách, làm chủ văn đàn.
Nhiều năm về trước, Hội Nhà văn là nơi mà các nhà văn có thể gặp gỡ, giao lưu, là cái nôi tiếp sức sáng tạo. Được kết nạp vào hội là một vinh dự. Ngày nay, sự tín nhiệm đối với hội đã ít nhiều sụt giảm. Trong buổi ra mắt tác phẩm Ngụy ở Đường sách TP.HCM, nhà văn Nguyễn Trí đã nói điều ít người dám nói: “Tôi từng tưởng văn chương là một thánh đường mà ở đó các nhà văn, nhà thơ đều là những vị thánh; bởi họ là những người đã viết ra những điều đẹp đẽ, nhân văn. Nhưng khi bước vào rồi tôi mới thấy nơi đó cũng đâu khác gì một vũng lầy”.
Bạn đọc có thể không hiểu hết ẩn ý này, nhưng người trong cuộc hiểu. Có rất nhiều thị phi quanh Hội Nhà văn. Không ít người đã xem hội như nơi đấu đá, tranh giành quyền vị.
Thuở internet còn khó khăn, mạng xã hội chưa phổ biến, những kỳ hội nghị viết văn trẻ là dịp để các tác giả giao lưu, học hỏi, trải nghiệm. Nhưng hôm nay, mô hình này đã lỗi thời. Người trẻ bây giờ kết nối dễ dàng với nhau và với thế giới qua mạng. Họ cũng tự mình trải nghiệm, vượt khỏi phạm vi Việt Nam thay vì chờ được dịp có tên trong danh sách đi thực tế, tham gia các trại sáng tác. Họ không vào hội mà vẫn có sách bestseller, vẫn có những kênh quảng bá tác phẩm rộng rãi và có lượng bạn đọc đông đảo.
|
Từ ồn ào vụ "đạo thơ" và trao giải thưởng cho thơ của Hội Nhà văn TP.HCM mấy ngày qua, nhiều người cho rằng cách ứng xử của Hội Nhà văn này chưa phù hợp |
Trong nhiều cuộc họp, hội, chỉ thấy những mái đầu bạc ngồi với nhau. Khoảng cách thế hệ, tư tưởng chênh lệch quá xa hay “lợi ích nhóm” đã sinh hệ lụy. Những cuộc họp, “đấu tố” trước kia chỉ trong khuôn khổ nội bộ, nay tràn ra khắp mạng xã hội. Người viết trẻ không cần những điều này.
“Có Hội Âm nhạc sao?”
Tại hội thảo 60 năm đồng hành cùng dân tộc do Hội nhạc sĩ Việt Nam tổ chức đầu tháng 12/2017, vấn đề nổi bật là tác phẩm không tìm được đầu ra. Số lượng các gương mặt trẻ trong Hội Âm nhạc TP.HCM cũng chỉ lác đác.
Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, vai trò của hội, theo định hướng, là giúp các nhạc sĩ trau dồi kiến thức chuyên môn, hỗ trợ động viên, tạo điều kiện để nhạc sĩ hoàn thành tác phẩm. Việc phổ biến tác phẩm rộng rãi do các lực lượng khác đảm nhận như các đoàn nghệ thuật, Sở Văn hóa Thể thao…
“Lứa nhạc sĩ trẻ sau này như Nguyễn Văn Chung, Hoài An đều tự thân vận động, dù các bạn là thành viên của Hội Âm nhạc TP.HCM. Thời bao cấp đã kết thúc từ năm 1985 nhưng nhiều anh em 60, 70 tuổi vẫn quen với tinh thần đó. Trước sự vận động của cơ chế thị trường, họ không quen được” - nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện nói.
Theo nhạc sĩ Trần Viết Bính, các nhạc phẩm không tìm được đường đến với đại chúng vì thiếu kênh công bố, thiếu chương trình hỗ trợ. Các đài tỉnh ủng hộ tác phẩm mới, điển hình như tỉnh Đồng Nai, nhưng rất hạn chế (4 - 5 bài hát mỗi tháng) và hầu như nhạc sĩ phải tự bỏ tiền làm nhạc. Chương trình văn nghệ của các đài lớn như VTV, HTV gần như chỉ có đất cho game show. Ngay cả những tác phẩm đoạt giải thưởng hằng năm của hội cũng không được phổ biến.
Có thể thấy, những sáng tác của các nhạc sĩ trong Hội Âm nhạc làm tốt vai trò định hướng nhưng thiên về tuyên truyền, xa rời cuộc sống nên khó phổ biến rộng rãi. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhấn mạnh: “Hội hỗ trợ các nhạc sĩ rất tốt về nội dung, giáo dục về tư tưởng để nhạc sĩ nhận thức vai trò của họ với xã hội, quê hương, đất nước. Tuy nhiên, nếu xét về thị trường âm nhạc thì hội chưa sâu sát. Nhạc sĩ muốn thành công trên thị trường đều phải tự thân vận động về hòa âm, sản xuất, kết nối với ca sĩ chứ không thể ngồi chờ”.
|
Thời gian qua, Hội Âm nhạc gần như đứng ngoài lề tất cả các diễn biến của thị trường âm nhạc (ảnh minh hoạ) |
Điều này lý giải một phần vì sao các nhạc sĩ trẻ không mặn mà gia nhập hội. Thậm chí, không ít nhạc sĩ trẻ, khi được hỏi về Hội Âm nhạc thì giật mình: “Có Hội Âm nhạc sao?”.
“Để rút ngắn khoảng cách giữa người trẻ và hội cần có những thay đổi nhất định. Nhưng những thay đổi này đã thuộc về cơ chế, không thể một sớm một chiều là làm ngay được. Tôi nghĩ, cần phải có một cuộc nói chuyện thẳng thắn và chân thành giữa lớp nhạc sĩ đi trước và lớp nhạc sĩ trẻ. Các bác các chú lắng nghe các cháu cần gì để hỗ trợ kịp thời mà cũng là để cập nhật tình hình âm nhạc giải trí. Các cháu lắng nghe các bác các chú để hoàn thiện sáng tác hơn” - nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đề xuất.
Trách ai vô tình?
Khi bị nhắc nhở vì đã chuyển thể tác phẩm Đời cô Lựu của cố soạn giả Trần Hữu Trang mà không xin phép gia đình tác giả, diễn viên Hồng Trang cho biết mình không biết hỏi ai ở Hội Sân khấu và cũng không biết, Hội Sân khấu gồm những ai, ngoài đơn vị Nhà hát kịch Sân khấu Nhỏ hiện đã “đóng cửa, tắt đèn”.
Nghe chuyện, nhiều người trách Hồng Trang “làm nghề mà không có tổ chức”. Nhưng câu hỏi là Hội Sân khấu đang hoạt động ra sao để những diễn viên trẻ như Hồng Trang quên luôn cả sự tồn tại của nó?
Suốt năm 2017, thực trạng ăn cắp bản quyền của các diễn viên trẻ trong các chương trình game show phổ biến đến mức không thể nhớ hết mà hội vẫn khoanh tay. Những vụ việc được hội lên tiếng thường chỉ liên quan đến chuyện tác quyền của các thành viên trong ban chấp hành hội hoặc tác giả đã ủy quyền cho người của hội.
Trong vụ việc diễn viên Ngọc Trinh kiện Nhà hát Kịch TP.HCM, nhiều ý kiến cho rằng, Hội Sân khấu đã rất thiếu trách nhiệm khi đứng ngoài cuộc. Với tư cách của mình, lẽ ra hội cần có tiếng nói bảo vệ cái đúng. Nếu có sự can thiệp kịp thời và phối hợp tốt với Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM để hòa giải ngay từ đầu, rất có thể các nghệ sĩ đã không phải dẫn nhau ra hầu tòa, trở thành một sự vụ ầm ĩ không đáng có.
Quá nhiều việc diễn ra trong thực tế cho thấy Hội Sân khấu đã bỏ quên nhiệm vụ, quyền hạn của mình: từ việc phát hiện, bồi dưỡng các tài năng trẻ đến đề đạt ý kiến trong việc xây dựng các chủ trương, chính sách nhằm phát triển sân khấu.
|
Khi bị chỉ trích vì chuyển thể tác phẩm Đời cô Lựu mà không xin phép, diễn viên Hồng Trang cho rằng mình không biết hỏi ai
|
Tại đại hội Hội Sân khấu TP.HCM lần VII, từng có ý kiến nhắc lại việc Nhà nước hỗ trợ cho các sân khấu xã hội hóa - diện mạo chính của sân khấu TP.HCM trong nhiều năm gần đây. Ý kiến được ghi nhận với những lời hứa hẹn từ Ban chấp hành Hội Sân khấu nhiệm kỳ 2015-2020, nhưng cho đến tháng 9/2017, những trao đổi ngoài hành lang với một số người có trách nhiệm của Ban Văn hóa - Xã hội - HĐND TP.HCM, giữa những buổi làm việc với các đơn vị nghệ thuật công lập, những vấn đề của sân khấu xã hội hóa vẫn còn rất mông lung. Điều này cho thấy Hội Sân khấu vẫn chưa có những kiến nghị cần thiết hoặc đủ mạnh mẽ với các cơ quan có thẩm quyền.
Chưa hết, khi dư luận phản ứng mạnh mẽ với những tiếng cười nhảm nhí, dung tục phát sóng nhan nhản trên truyền hình; dù nghệ sĩ, kịch bản, chương trình đều liên quan đến sân khấu; Hội Sân khấu vẫn lặng yên như thể đó chẳng phải việc của mình. Các “ông bà bầu” sân khấu tư nhân hiện nay, khi được hỏi, đều có chung lời đáp: “Chúng tôi chỉ dựa vào sức mình, cố gắng duy trì sân khấu. Từ lâu, chúng tôi đã quên ở thành phố còn có Hội Sân khấu”.
Ngoài giải thưởng Trần Hữu Trang đã tổ chức được 12 mùa, Hội Sân khấu từng thể hiện được vị trí, vai trò và tiếng nói riêng. Đơn cử vụ việc nghệ sĩ Xuân Hương phản ứng việc thương hiệu Những người thích đùa của chị bị sử dụng làm tên cho một chương trình hài. Hội Sân khấu đã gửi công văn cho Đông Tây Promotion và Đài Truyền hình TP.HCM với yêu cầu “lấy đạo nghĩa làm trọng”, không sử dụng tên Những người thích đùa đặt tên cho chương trình hài phát sóng trên HTV7. Từ sự can thiệp này, chương trình đã được đổi tên.
Trước đó, sau sự việc tác phẩm Tô Ánh Nguyệt bị bôi bẩn và bị dư luận phản ứng, hội thảo Tác giả và khán giả do Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức cũng đã thu hút đông đảo sự quan tâm của những người làm nghề và những nhà quản lý sân khấu.
|
Diệp Nguyễn - Lê Phan - Quân Nguyễn