Nhảy lầu, đưa tay vào điện... vì rối loạn lưỡng cực
Một trong những bệnh nhân khiến bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM ấn tượng nhất là trường hợp của anh H.D.Q. làm nghề thiết kế quần jeans khá nổi tiếng ở Quận Tân Bình, TP.HCM.
Anh phát bệnh lần đầu lúc 25 tuổi nhưng không điều trị, bệnh tự thuyên giảm. Cách đây 15 năm, anh bỗng lên cơn kích động, hoang tưởng cho rằng mình là nhà thiết kế tài ba.
Người nhà nghĩ anh bị tâm thần vì thường bỏ ăn, đam mê làm việc không chịu ngủ, cho mình tài giỏi, thường coi khinh đồng nghiệp… nên đưa anh đi điều trị và được chẩn đoán bị tâm thần phân liệt.
Sau 5 năm điều trị không giảm, anh Q. có ý định tự sát đến 3 lần, có lần đưa tay vào ổ điện và nhảy lầu. Anh được người nhà đưa đến bệnh viện tâm thần và được chẩn đoán “rối loạn lưỡng cực”.
Hay như trường hợp của chị Đ.Th.L. (36 tuổi, nhân viên thiết kế nội thất văn phòng) đến điều trị vì bị bạn bè chọc "tính cách tưng tửng”. Bác sĩ Trần Duy Tâm, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM kể, chị L. bị bạn bè phàn nàn nói quá nhiều, nói liên tục và nói chuyện không “ăn nhập”, lạc đề so với thường ngày.
Có lần, thấy khách hàng mặc áo xanh, chị lại khuyên khách hàng đi biển và khi đi biển nên đến vùng biển ở Hawaii, rồi chị lại “liên đới” nói về nước Mỹ. Đặc biệt, giữa giờ làm, chị lại hứng lên rủ đồng nghiệp đi mua quần áo, giày dép, trong khi ngày thường chị rất tiết kiệm...
Một thời gian sau, bạn bè lại thấy chị khép kín, không muốn nói chuyện với người khác. Cuối cùng, các bác sĩ chẩn đoán chị bị rối loạn lưỡng cực!
Người bị rối loạn lưỡng cực (Bipolar Disorder) nghĩa là người có 1 cực hưng cảm và 1 cực trầm cảm xen kẽ nhau do rối loạn cảm xúc (còn gọi là rối loạn khí sắc). Đây là 1 thể bệnh thuộc nhóm bệnh rối loạn khí sắc. |
Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển giải thích, người mắc rối loạn này có cảm xúc không ổn định. Những người này thường khá thông minh và có tính sáng tạo cao.
Y học ghi nhận những người này thường có sở thích làm các nghề liên quan đến nghệ thuật như: thiết kế, vẽ, diễn viên, kiến trúc, nhà văn…. Điều này có nghĩa, bản thân nghề nghiệp không gây ra bệnh.
Do cảm xúc thất thường nên tỷ lệ ly hôn của người rối loạn lưỡng cực thường cao gấp 4-6 lần so với dân số chung và họ cũng dễ rơi vào tình trạng nghiện ngập hơn (ma túy, rượu).
Buồn có chừng vui đúng lúc
Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển cho rằng, đã là con người phải có lúc vui, lúc buồn nhưng niềm vui và nỗi buồn phải nằm trong giới hạn cho phép. Bác sĩ Hiển ví von: “Cảm xúc biến thiên như 1 đồ thị trong toán học với thang dao động +/- 10. Nếu số 0 (trục hoành) là trạng thái không vui không buồn, thì dưới 0 là buồn, còn trên 0 là vui. Ở người bình thường, biên độ vui buồn sẽ được dao động ở mức +/-3. Còn người có cảm xúc rơi ra khỏi “quỹ đạo” này gọi là rối loạn lưỡng cực”.
Nếu hưng – trầm cảm rối loạn ở biên độ +/- 5: được gọi là giai đoạn rối loạn lưỡng cực nhẹ. Nếu rơi vào trạng thái hưng cảm, lúc này người bệnh khá thông minh và sáng tạo. Họ làm việc năng nổ, nhiệt tình, vui vẻ, hoạt bát… giúp công việc hiệu quả. Còn nếu bị trầm cảm, người bệnh gần như chán nản, cảm giác mất năng lượng, không muốn làm việc.
Nếu như hưng – trầm cảm rối loạn ở biên độ lớn hơn +-5: được gọi là giai đoạn nặng. Nếu hưng cảm, bệnh nhân rơi vào tình trạng nói nhiều, nói liên tục, vui vẻ, ngủ ít, làm việc không biết mệt, sáng tạo ở giai đoạn này rất hiệu quả nhưng người bệnh hay tự cao.
Họ luôn khẳng định cái tôi rất giỏi, do đó, họ dễ làm mếch lòng người xung quanh và đồng nghiệp. Người bệnh thường có hoang tưởng tự cao và kèm theo là hoang tưởng bị hại. Ở một số bệnh nhân, nhất là phụ nữ thường xài tiền rất nhiều, mua sắm vô tội vạ, nhiều khi mua 10 đôi giày nhưng chỉ xài 1 đôi, thậm chí không xài đến.
Và khi rơi vào giai đoạn trầm cảm, người bệnh ngủ nhiều, ăn nhiều, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, cho rằng bản thân vô dụng, có thể bỏ việc, có ý định tự sát.
Điều trị khi nào?
Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, ở bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc, bác sĩ e dè nhất là giai đoạn người bệnh đảo cực từ hưng cảm sang trầm cảm. Khoảnh khắc này, người bệnh có ý định tự sát rất cao nhưng thường người thân không nhận ra.
Dấu hiệu hội chứng rối loạn lưỡng cực rất dễ nhận ra: ngủ ít, nói nhiều, ăn ít, xài tiền như nước...
Mặt khác, bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực thường phủ nhận bản thân đang mắc bệnh.
|
Hiện y học chưa tìm được nguyên nhân rối loạn lưỡng cực nhưng người ta nhận thấy cha hoặc mẹ bị rối loạn lưỡng cực thì con có nguy cơ bị rối loạn cao hơn dân số chung. Điều này có nghĩa, bệnh có mang yếu tố gia đình. Và y học xếp triệu chứng này là một dạng rối loạn, chứ không phải bệnh.
Người bệnh sẽ có giai đoạn bị trầm cảm hoặc hưng cảm trong khoảng giai đoạn nào đó trong năm. Thường mỗi chu kỳ kéo dài từ vài tuần đến vài tháng.
Một số bệnh nhân sẽ có xu hướng xuất hiện hưng cảm nhiều hơn gọi là Rối loạn lưỡng cực tuýp I, nếu những người có xu hướng trầm cảm nhiều hơn gọi là Rối loạn lưỡng cực tuýp II.
Theo bác sĩ Hiển, ở những bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc nhẹ, người bệnh nên đến bác sĩ tư vấn, theo dõi, còn ở giai đoạn nặng buộc phải điều trị. Với những bệnh nhân nặng, nếu rối loạn cảm xúc mỗi năm dưới 3 chu kỳ thì chỉ cần điều trị khi lên cơn rối loạn cảm xúc. Còn nếu nhiều hơn 3 chu kỳ/năm, buộc phải uống thuốc suốt đời.
Tuy nhiên, bác sĩ phải khéo léo “kéo” bệnh nhân về mức độ cảm xúc vừa phải từ +2 đến + 3; tránh điều trị mạnh tay, khiến cảm xúc bệnh nhân rơi vào trầm cảm (âm) sẽ bỏ điều trị hoặc có ý định tự sát.
Văn Thanh