Tại sao nên đối xử với trẻ như người lớn?

02/11/2015 - 07:40

PNO - Một phương pháp giáo dục độc đáo và hữu hiệu là: Đừng đối xử với bé như trẻ con. Có lẽ bạn sẽ nghĩ điều này thật vớ vẩn...

Nhưng chính việc áp đặt vị thế “trẻ con” lên con cái mang lại nhiều tác hại, nhất là với trẻ nhỏ. Trẻ sẽ chỉ có thể hành động khi bố mẹ cho phép, bị hạn chế tư duy lập luận và trí tò mò bởi người lớn thường không đưa ra lý do “tại sao” mà chỉ ra lệnh. Công việc của bố mẹ là dạy trẻ trở thành những người lớn chín chắn, thông minh, chứ không phải chỉ “chăn” trẻ trong một vòng khép kín.

Tai sao nen doi xu voi tre nhu nguoi lon?
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Giới hạn của "trẻ con"

Có bao giờ bạn thử đặt mình vào góc nhìn của con trẻ? Bạn sẽ thấy cách đối xử của người lớn với trẻ rất vô lý. Chẳng hạn, trẻ nhỏ thường mày mò, táy máy với những thứ mà chúng thấy lạ - đó là cách bé khám phá thế giới xung quanh.

Khi đó, bố mẹ thường bảo vệ trẻ bằng những mệnh lệnh rất độc đoán như “Đừng động vào!”, mà không giải thích lý do. Thậm chí, nếu trẻ muốn tự tay làm một việc gì đó rất bình thường, bố mẹ cũng có thể ngăn cản với lý do: “Con làm hư bây giờ, để mẹ làm cho”.

Còn khi trẻ đưa ra ý kiến, bày tỏ ý muốn, thì bé vẫn không được quyền lựa chọn - “Con không thích ăn cũng phải ăn!”. Tệ hơn, bố mẹ còn ra lệnh ngăn cản việc bày tỏ cảm xúc: “Đừng khóc nữa!”. Ngay cả giọng điệu “kỷ luật” mà bố mẹ thường sử dụng cũng rất khó chịu: “Con còn làm vậy nữa là sẽ bị phạt đấy!”, hay “Con trai mà khóc à ?”.

Nếu một người lớn khác đối  xử với bạn như thế, làm sao bạn có thể giữ vững một mối quan hệ bền vững và tin cậy? Với trẻ, làm sao bé có thể học được khả năng suy nghĩ, lý luận, phán xét và đặt ra quyết định của riêng chúng?

Hãy thử bỏ cách đối xử với bé như “trẻ con” và nghiêm túc khi ứng xử với trẻ hàng ngày, bố mẹ không những nhận được những phản ứng tích cực hơn từ con mà còn hiểu được tính cách của trẻ hơn trước.

Giải thích bằng lý do

Trẻ hỏi “Tại sao?” bởi bé muốn học hỏi thế giới xung quanh. Đây là cơ hội rất tốt để bố mẹ dạy trẻ. Đừng để phí những dịp này chỉ vì bạn cảm thấy bực mình khi trẻ hỏi về những điều đơn giản nhất. Hãy kiên trì, tìm cách trả lời trẻ một cách đơn giản và dễ hiểu nhất.

Cũng đừng tìm cách đưa ra những câu trả lời sai sự thật, hoặc trả lời một cách hời hợt - đến một lúc nào đó trẻ sẽ không hỏi nữa bởi chúng biết bạn không muốn trả lời một cách nghiêm túc. Đặc biệt, những lúc trẻ đặt ra câu hỏi với mệnh lệnh của bố mẹ, đó là lúc tốt nhất để dạy bé vâng lời.

Khi bạn đưa ra lý do cho một luật lệ hay mệnh lệnh, là đã trao cho trẻ một công cụ để xây dựng chuẩn mực đạo đức của riêng bé, giúp bé biết tại sao nên và không nên. Ngược lại, luôn tìm cách đưa ra lý do với trẻ sẽ giúp bố mẹ tự đánh giá mệnh lệnh của mình, nếu bạn không đưa ra được lý do tốt, có nghĩa mệnh lệnh của bạn không hợp lý.

Đặt câu hỏi cho trẻ

Tâm trí của một đứa trẻ rất thú vị, chúng chứa đầy hình ảnh tưởng tượng, trí tò mò và những suy nghĩ ngộ nghĩnh. Đôi khi, thay vì giải thích ngay cho trẻ lý do, bố mẹ hãy thử đặt câu hỏi ngược về phía trẻ: “Thế tại sao con nghĩ vậy là sai?”.

Hãy tạo ra những cuộc bàn luận một cách nghiêm túc và bình đẳng về những gì bố mẹ và trẻ quan tâm. Chắc chắn bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy trẻ sẵn sàng nói và tranh luận với người lớn một cách hăng hái. Những cuộc tranh luận như thế giúp bố mẹ hiểu về tính cách của trẻ hơn, cũng như cho bé thấy sự quan tâm của người lớn đến ý kiến của mình.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI