Tại sao không tố nhau 'tác phong be bét, không xứng đáng là lãnh đạo'?

22/05/2019 - 16:38

PNO - “Trước đây, với chuyện sinh con thứ ba, chúng ta chống rất hăng; gần mỗi kỳ đại hội, ai có con thứ ba là bị tố tùm lum hết. Sao bây giờ không tố nhau vụ rượu chè, tác phong be bét, không xứng đáng là lãnh đạo”?

“Chưa say bét nhè, chưa tha cho nhau”

Ngày mai 23/5, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trao đổi bên lề kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) thừa nhận, sau mỗi lần đưa ra trao đổi, nhiều điều khoản bị bỏ bớt đi khiến có ý kiến cho rằng dự luật đang trở nên yếu hơn.

“Mọi người đòi hỏi cần phải có những biện pháp cực đoan hơn, nhưng tôi lại thiên về ý làm sao để thực hiện được những điều đó. Chúng ta có bài học về Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, trên luật ghi rất hay nhưng đưa vào thực tế thì thế nào?” - bà Phạm Khánh Phong Lan đặt dấu hỏi.

"Thậm chí, nếu nói Luật Phòng, chống tác hại rượu bia yếu, chúng ta có làm được những điều khoản quy định trong dự luật khi đưa vào thực tế hay không?" - nữ đại biểu này băn khoăn.

Tai sao khong to nhau 'tac phong be bet, khong xung dang la lanh dao'?
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ, ngay cả phụ nữ đi công tác cũng bị ép uống rượu chứ không chỉ nam giới.

Theo bà, vấn đề mấu chốt nhất là phải thay đổi được “văn hóa uống rượu bia” của người Việt.

Bà chỉ ra hàng loạt câu chuyện về bia, rượu mà ai cũng có thể chứng kiến, ở bất cứ đâu: “Tôi thấy có tình trạng khi đi học thì chưa biết uống rượu bia, nhưng đã vào công sở thì kiểu gì cũng phải liên hoan, hội họp, chè chén… Nếu chỉ một, hai lon bia để lấy vui, có thể tạo sự hưng phấn thì có thể chấp nhận được, đằng này đa số lại biến tướng, ép nhau uống, chưa say bét nhè thì chưa tha cho nhau”.

Bản thân bà trong nhiều lần công tác, đặc biệt là đến các tỉnh vùng sâu vùng xa, dù phụ nữ nhưng vẫn bị ép uống. “Thậm chí trong cơ quan, có những người không uống rượu bia thì bị coi là lập dị. Nhưng cái đó không đưa vào luật được mà phải dùng nghị quyết, và thực hiện gương mẫu từ trên để cấp dưới từ từ noi theo” - bà Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ.

Bà đề nghị, việc kiểm soát rượu bia phải được thực hiện nghiêm túc trong hệ thống quản lý nhà nước. Từng ngành, từng cấp phải đưa ra nghị quyết chính trị để cán bộ, viên chức làm gương, từ đó dần dần thay đổi văn hóa uống rượu bia.

“Tại sao trước đây, với chuyện sinh con thứ ba, chúng ta chống rất hăng hái. Gần kỳ đại hội, ai có con thứ ba là bị tố cáo tùm lum hết mà nay không tố cáo nhau việc uống rượu, tác phong be bét, không xứng đáng là lãnh đạo? Làm được như vậy là sợ liền” - đại biểu Phạm Khánh Phong Lan thẳng thắn.

Uống rượu gây tai nạn là hành vi giết người

Liên quan tới vấn đề này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp - cho rằng, hành động uống rượu bia, sử dụng chất kích thích khi tham gia giao thông rồi gây tai nạn chết người là giết người chứ không phải là hành động bất khả kháng.

Theo ông Hòa, để loại bỏ tình trạng này, ngoài các hình thức tuyên truyền, vận động không lạm dụng rượu bia, cần phải có chế tài nghiêm khắc. Cụ thể, cần nâng mức xử phạt hành chính với các trường hợp vi phạm, phạt tù ở mức án cao hơn. Có thể phân chia các mức xử phạt: xử phạt lần đầu, xử phạt lần hai hoặc tước bằng lái xe vĩnh viễn...

Tai sao khong to nhau 'tac phong be bet, khong xung dang la lanh dao'?
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa khẳng định, sử dụng rượu bia gây tai nạn chết người là hành vi giết người, không phải do bất khả kháng

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng đề nghị tăng mức xử phạt hành vi uống rượu bia khi tham gia giao thông; xử phạt không chỉ bằng tiền mà còn phải bằng các biện pháp ngăn ngừa để “không cho họ ra đường giết người”. Bà Phong Lan bày tỏ sự ủng hộ với việc lực lượng chức năng thường xuyên ra quân kiểm tra tại quán nhậu, ai vi phạm thì không cho lái xe.

Bức xúc trước hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trong thời gian vừa qua mà nguyên nhân xuất phát từ việc sử dụng rượu bia, đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (tỉnh Thanh Hóa) cho rằng, trong khi chờ ban hành Luật Phòng, chống tác hại rượu bia, nên có một nghị quyết chuyên đề hoặc nghị quyết kinh tế - xã hội để hạn chế những hệ lụy từ rượu bia. Theo đại biểu này, nghị quyết của Quốc hội sẽ có hiệu lực ngay khi ban hành nên tác động vào xã hội nhanh hơn luật. 

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI