Tại sao độc tố Botulinum sử dụng trong làm đẹp?

07/09/2020 - 23:08

PNO - Để trở thành thuốc, độc tố Botulinum phải được phân lập, tinh chế và cố định với quy trình rất nghiêm ngặt khi ứng dụng trong y học giúp điều trị một số bệnh lý về mắt, nội thần kinh, niệu khoa, da liễu...

 

Chị T.T.G. bị ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay đang có sự phục hồi tích cực, ảnh BVCC.
Chị T.T.G. bị ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay đang có sự phục hồi tích cực. Ảnh: BVCC

Trước hiện tượng nhiều người ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay do có vi khuẩn Clostridium botulinum mang độc tố Botulinum gây bệnh, nhiều người đặt câu hỏi liệu Botulinum sử dụng trong thẩm mỹ có an toàn hay không?

Bác sĩ Lê Vi Anh - khoa Da liễu Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho rằng: Vi khuẩn Clostridium botulinum có tới 7 type (A, B, C, D, E, F và G), tuy nhiên chỉ có 2 type A và B được ứng dụng trong y học. Botulinum type A (botox) là chất làm đầy sử dụng trong thẩm mỹ; còn Botulinum type B gây ngộ độc thực phẩm có trong pate Minh Chay.

ThS.BS Trần Nguyên Ánh Tú – Phó khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TPHCM cho biết: “Thực phẩm nhiễm khuẩn chứa Botulinum (0,004μg/kg cân nặng) có thể gây ngộ độc, dẫn đến tử vong. Bởi độc tố Botulinum khi vào đường tiêu hóa với lượng lớn sẽ gây ngộ độc toàn thân. Trong khi đó, Botulinum dùng trong thẩm mỹ lại rất an toàn bởi được chỉ định sử dụng đường tiêm tại chỗ với liều lượng rất thấp. Vì vậy, hầu như Botulinum chỉ tác động đến lớp cơ và các tuyến tại chỗ, không ảnh hưởng toàn thân. Hơn nữa, liều tiêm Botulinum vào da thường không vượt quá 1/30 liều gây ngộ độc”.

Theo bác sĩ Ánh Tú, để trở thành thuốc, Botulinum phải được phân lập, tinh chế, cố định với quy trình rất nghiêm ngặt và đã được ứng dụng trong y học giúp điều trị một số bệnh lý về mắt, nội thần kinh, niệu khoa, da liễu… hơn 30 năm qua. 

Năm 2002, độc tố Botulinum được chính thức sử dụng trong xoá nếp nhăn vùng mặt, đặc biệt là giảm nếp nhăn giữa 2 cung mày, nếp nhăn đuôi mắt, vùng trán, điều trị tăng tiết mồ hôi, trẻ hoá làn da, làm thon gọn khuôn mặt… rất hiệu quả. 

Kể từ đó, tiêm Botulinum trở thành kỹ thuật được ưa chuộng và sử dụng nhiều nhất trong ngành thẩm mỹ trên thế giới nhờ tính an toàn, hiệu quả, dễ thực hiện và chi phí hợp lý. Từ nhiều năm qua, Botulinum cũng được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong thẩm mỹ và một số chuyên ngành khác.

"Dù vậy, người sử dụng Botulinum để làm đẹp cũng sẽ có nguy cơ bị tác dụng phụ nhưng thường mang tính tạm thời và phục hồi sau vài tuần đến vài tháng. Nhưng điều đáng lo ngại là người tiêm Botulinum làm đẹp nếu chưa được huấn luyện bài bản, không nắm vững cấu trúc giải phẫu vùng mặt cũng dễ gây tai biến” - bác sĩ Ánh Tú khuyến cáo.

1 - 2 tháng nữa, 2 bệnh nhân ở Đồng Nai mới phục hồi một phần sức cơ

Chiều tối 7/9, bác sĩ Nguyễn Lý Minh Duy - khoa Hồi sức cấp cứu và bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang - khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy đã đến Bệnh viện Đồng Nai để hỗ trợ hội chẩn cho 2 bệnh nhân ngộ độc Botulinum do ăn pate Minh Chay. Theo đó, tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân như sau:

Chị T.T.G. (26 tuổi) đã tỉnh táo hoàn toàn,  sức cơ còn yếu, có thể làm theo y lệnh của bác sĩ, không ghi nhận nhiễm trùng phổi thêm. Bệnh nhân đang trong quá trình tập hồi phục sức cơ, đang tự thở qua mở khí quản. Thời gian tới, chị G. sẽ tiếp tục được tập vật lý trị liệu 2 lần/ngày, kèm theo đó là cung cấp các chất dinh dưỡng cho chị. Nếu chị tiếp tục tiến triển tốt như hiện tại sẽ có thể cai máy thở trong vài ngày tới.

Chị N.T.T. (20 tuổi) bị rối loạn tri giác, hội chẩn xác định do hạ natri máu. Ngoài ra, sức cơ của bệnh nhân còn yếu dẫn đến tình trạng hô hấp chưa được đảm bảo. Bệnh nhân được chuyển vào Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để bồi hoàn natri máu và cho thở máy trở lại. Hiện tại, bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, làm theo y lệnh của bác sĩ. Bệnh nhân sẽ được tăng cường tập vật lý trị liệu, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, phòng ngừa nhiễm trùng, tiến đến cai máy thở.

Trước đây, hai bệnh nhân N.T. T. và T. T.G. (cùng ngụ Nhơn Trạch, Đồng Nai) từng được điều trị ở khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy trước khi chuyển về lại địa phương là Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để tiếp tục theo dõi và điều trị. Tiên lượng khoảng 1-2 tháng nữa thì bệnh nhân có thể hồi phục một phần sức cơ.

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI