Tại sao COVAX là từ viết tắt quan trọng nhất trong năm 2021?

06/02/2021 - 21:31

PNO - Kế hoạch COVAX không chỉ nắm giữ chìa khóa quyết định sự thành bại trong việc ngăn chặn và kiểm soát đại dịch COVID-19 mà thông qua đó, còn phản ánh những khó khăn và bất cập trong việc triển khai tiêm chủng vắc-xin toàn cầu.

Ý nghĩa trọng yếu

COVAX là cụm từ chỉ kế hoạch phân phối vắc-xin công bằng trên toàn cầu do Liên minh vắc-xin Gavi và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều hành, được tài trợ bởi các khoản đóng góp từ các chính phủ, các tổ chức đa phương, nhằm mang đến hy vọng giúp tất cả mọi người có thể tiếp cận và chủng ngừa vắc-xin COVID-19.

Kế hoạch COVAX dự kiến sẽ phân bổ ít nhất 330 triệu liều vắc-xin COVID-19 trong tháng 2.
Kế hoạch COVAX dự kiến sẽ phân bổ ít nhất 330 triệu liều vắc-xin COVID-19 trong tháng 2

Tính đến nay, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,3 triệu người và lây nhiễm cho hơn 105 triệu trường hợp.

Theo CNN, với tính chất trọng yếu quyết định đến sự thành công hay thất bại của việc kiểm soát đại dịch của kế hoạch giúp COVAX được xem là cụm từ viết tắt quan trọng nhất của năm 2021. Khi mà chủ nghĩa dân tộc vắc-xin (các nước giàu hiện thâu tóm hầu hết nguồn cung vắc-xin) gây nên không ít tranh cãi, buộc hàng trăm triệu người từ các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình chỉ còn biết trông chờ vào COVAX.

Theo đó, COVAX đã đảm bảo gần 2,3 tỷ liều để phân phối trong năm 2021, với hơn 1,8 tỷ liều vắc-xin sẽ được cung cấp cho 92 quốc gia nghèo nhất trên thế giới - phần lớn 1,3 tỷ liều được miễn phí.

Các lô hàng vắc-xin dự kiến bắt đầu phân bổ trong tháng này. Các quốc gia ở Mỹ Latinh và Caribe nằm trong số những nước đầu tiên nhận được 35 triệu liều vắc-xin Pfizer-BioNTech và AstraZeneca vào cuối tháng 6. Trong khi đó, Đông Nam Á dự kiến nhận 695 triệu liều vào cuối năm 2021 và châu Phi là 540 triệu liều. 

Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) nhấn mạnh sẽ không có sự phân biệt nào giữa các quốc gia đang trả tiền cho vắc-xin và những quốc gia được nhận miễn phí.

Nhắc nhở những thách thức mang tính toàn cầu

Bên cạnh ý nghĩa tích cực mà kế hoạch phân phối vắc-xin công bằng mang lại thì COVAX cũng chỉ ra không ít thách thức cho các nhà tổ chức.

Liên minh vắc-xin Gavi cảnh báo những bất ổn lớn về năng lực, kinh phí và sự sẵn sàng của các quốc gia: “Các chính phủ phải đệ trình các kế hoạch chi tiết để cho thấy họ có thể phân phối số lượng vắc-xin nhận được và xác định chính xác các khu vực trọng yếu cần giúp đỡ kịp thời”.

Công tác hậu cần sẽ do Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc - một trong những nhà phân phối chính - đang cố gắng tăng gấp đôi năng lực vận chuyển trong năm nay, để có thể hoàn thành mục tiêu vận chuyển 850 tấn vắc-xin COVID-19 mỗi tháng.

Các nước nghèo chưa được tiếp cận nguồn cung vắc-xin COVID-19.
Các nước nghèo chưa được tiếp cận nguồn cung vắc-xin COVID-19

Ngoài ra, một rào cản lớn hơn mà COVAX phải đối mặt chính là vấn đề nguồn vốn (tiền). Cho đến nay, kế hoạch đã được tài trợ hơn 6 tỷ USD nhưng đang tìm cách huy động thêm 2,8 tỷ USD trong năm 2021, trong đó 800 triệu USD dùng cho nghiên cứu, còn 2 tỷ USD trang trải chi phí thu mua vắc-xin cho các nước có thu nhập thấp.

Các nhà tài trợ lớn cho COVAX đến nay gồm có Anh (750 triệu USD), Liên minh châu Âu (gần 600 triệu USD) và Canada (250 triệu USD). Tổng thống Joe Biden cũng cam kết tái gia nhập kế hoạch COVAX, điều mà chính quyền cựu Tổng thống Trump đã bác bỏ trước đó.

Aurelia Nguyen, Giám đốc điều hành của COVAX, nói với CNN "nếu không có nỗ lực phối hợp, các nước có thu nhập thấp hơn sẽ bị bỏ lại phía sau do hạn chế về khả năng tài chính của họ".

Tương tự, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói thêm các thỏa thuận song phương đã đôn giá vắc-xin lên cao: “Nhiều quốc gia phát triển đã mua nhiều vắc-xin hơn mức họ cần, khiến phần lớn thế giới có thể  đối mặt nguy cơ bị bỏ lại phía sau”.

Ông nói rõ có những suy nghĩ lệch lạc đến từ những nước giàu có khi những người trẻ, khỏe mạnh ở các nước này đều được tiêm vắc-xin, trong khi đội ngũ nhân viên y tế và người lớn tuổi ở các nước nghèo hơn phải chiến đấu với dịch bệnh, khi mà các biến thể mới của virus xuất hiện ngày càng nhiều và tốc độ lây lan ngày càng nhanh.

"Mỗi khi một thỏa thuận song phương (giữa các nước phát triển và công ty sản xuất vắc-xin) được ký kết, nó sẽ làm giảm nguồn cung tiềm năng cho COVAX, vì vậy chúng tôi tiếp tục thúc giục các nhà sản xuất và chính phủ tạo điều kiện cho kế hoạch chung".

Chung Thu Hương (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI