Không ít bậc cha mẹ phàn nàn rằng con cái sống thiếu cởi mở, ít khi thổ lộ những chuyện thầm kín với người thân trong gia đình.
Nhưng chính những phụ huynh này cũng sẽ ngạc nhiên khi biết rằng, cách ứng xử thiếu tế nhị, thiếu thân thiện của mình đã đẩy con ngày càng xa khỏi tầm tay mình.
|
Ảnh minh họa.Nguồn: Internet |
Gần về không gian, xa trong tâm hồn
Cách đây hai tháng, sau khi nghe thông tin phản ánh từ phía giáo viên chủ nhiệm rằng con gái anh chị có gia nhập nhóm bạn lớp 8 tổ chức đánh hội đồng một bạn học cùng khối, chị Hồng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chưa rõ đầu đuôi câu chuyện ra sao, không cần quan tâm đến việc phân trần của con, đã về quát tháo ầm ĩ, đánh con gái một trận cho nó “biết thân biết phận”.
Con gái chị (Minh Sa, 14 tuổi), vốn là một cô bé nhanh nhẹn, lém lỉnh, luôn biết chia sẻ, nay trở thành người im lặng đến mức lì lợm, cứ đi học về là trốn vào phòng, đến giờ ăn cơm chỉ lặng lẽ ăn vội rồi lẩn trốn ánh nhìn của mọi người, cha mẹ gặng hỏi gì cũng câm như hến khiến không khí gia đình rất ngột ngạt.
Khi sự việc được làm rõ, gia đình chị Hồng mới biết là có một sự nhầm lẫn đáng tiếc. Sự thật là bé Minh Sa chỉ vì muốn giúp các bạn hòa giải mối xung đột nên bị hiểu nhầm. Từ việc cha mẹ thiếu sự thấu hiểu, đã đẩy xa con hơn và việc giáo dục con cũng trở nên khó khăn, vất vả hơn.
Gần con để hiểu con hơn
Khi giáo dục con cái, cha mẹ nên biết gần gũi lắng nghe con để hiểu và đặt mình vào vị thế của con để biết con nhìn nhận vấn đề đó như thế nào, vì sao lại có cách hành động như thế. Từ đó, cha mẹ mới có cơ sở để lý giải thế giới nội tâm của trẻ trong hoàn cảnh cụ thể.
Cha mẹ hãy mạnh dạn cho con nhiều cơ hội để trải nghiệm, bởi kỹ năng sống chỉ thật sự được hình thành và trở nên thuần thục, nhuần nhuyễn trong vận dụng, khi trẻ được tự mình giải quyết. Để giáo dục con hiệu quả, cha mẹ phải cho trẻ được thể hiện mình, tận tình giãi bày, giúp đỡ con khi chúng thắc mắc và chia sẻ với con khi chúng gặp thất bại.
“Trẻ con không phải là người lớn thu nhỏ”. Có những tình huống, người lớn xử lý rất dễ dàng, nhưng với trẻ, có thể đó là một thử thách đầy chông gai. Nên khi được trẻ tin tưởng, nhờ cậy, cha mẹ hãy đứng ở địa vị của con để biết con suy nghĩ ra sao, nếu có vẻ non nớt, ngây ngô, xin đừng cười chê, nhạo báng. Bởi khi bạn bằng tuổi bé, chưa chắc bạn đã có cách giải quyết như bé.
Hãy cho trẻ tự mình giải quyết vấn đề, trẻ sẽ có 50% cơ hội thành công. Còn nếu cấm đoán, trẻ không có cơ hội nào để thể hiện mình.
Chẳng hạn với tình huống của gia đình chị Hồng, thay vì giận dữ, tức tối khi biết con có liên quan đến vụ ẩu đả ở trường, anh chị cần ân cần trao đổi xem vì sao Minh Sa lại xuất hiện trong vụ xung đột đó, xuất hiện với vị thế như thế nào, để bé được dốc bầu tâm sự; gia đình chị Hồng sẽ hiểu rõ vấn đề và còn có thể tư vấn cho bé cách giải quyết tình huống cụ thể, chẳng hạn như: “Nếu mẹ là con, mẹ sẽ hành động như thế này, con thấy có hợp lý không?”, hoặc: “Bố sẽ trao đổi thêm với cô giáo chủ nhiệm chứ không hành động một mình”.
Giữa các thành viên có sự trao đổi và lắng nghe sẽ đoàn kết hơn và việc giáo dục, định hướng trở nên nhẹ nhàng hơn, không khí gia đình vì thế càng cởi mở, gần gũi hơn.
Học cách bước vào thế giới nội tâm của trẻ
Thông thường, cha mẹ hay trách phạt hành vi của con là do chúng không thực hiện theo cách mà cha mẹ mong muốn. Vậy có khi nào cha mẹ thử đặt câu hỏi: tại sao trẻ lại đi ngược mong muốn của gia đình, không chịu chia sẻ những tâm tư nguyện vọng của mình?
Vấn đề này đáng để các bậc phụ huynh suy ngẫm, để có cách tác động đến trẻ cho phù hợp. Nếu bản thân trẻ vốn kín đáo, ít chia sẻ thì cha mẹ cần khéo léo đặt mình vào vị trí là bạn của con, kể những câu chuyện mình gặp phải khi bằng tuổi chúng, những vụng về hay thất bại thời niên thiếu mà mình đã gặp phải.
Ngược lại, nếu con bạn vốn là một đứa trẻ vui vẻ, cởi mở nhưng do cách giáo dục quá nghiêm khắc dẫn đến cứng nhắc của gia đình đã khiến trẻ trở nên lì lợm, khó bảo, thì cha mẹ phải thẳng thắn nhìn nhận những sai lầm của mình trong cách giáo dục con.
Thậm chí, cha mẹ cần phải hạ mình để xin lỗi con nếu đã có những hành động xúc phạm đến danh dự của chúng. Khi trẻ biết được thành ý và nguyện vọng của cha mẹ là chỉ muốn cho trẻ trưởng thành, trẻ sẽ hiểu và mở lòng hơn.
Con trai anh Vinh (Q.3, TP.HCM) ở nhà được gọi là cu Bum, mới bảy tuổi mà đã thủ thỉ với bố mẹ rằng rất yêu bạn Hoa cùng lớp. Cu Bum luôn mong muốn làm sao để được ở cùng nhà, ăn cùng bàn với bạn Hoa.
Nếu không ít bậc phụ huynh tức giận chuyện trẻ con mới “nứt mũi” mà bày đặt chuyện yêu đương và sẽ quát tháo, đánh mắng con thì anh Vinh đã khéo léo đặt mình vào vị thế của con, hỏi Bum những lý do nào khiến cậu bé “thích” bạn Hoa, vì sao con lại muốn cùng bạn sống chung một nhà?
Từ đó, vợ chồng anh mới biết được lý do: con trai mình rất hay để ý, nhạy cảm và rất giàu lòng nhân ái, nên khi biết bạn Hoa học rất giỏi nhưng lại có hoàn cảnh rất khó khăn thì Bum rất thương bạn Hoa. Từ đó, gia đình anh đã giải quyết tình huống theo một cách ngây thơ, trong sáng, đúng với cách của con trẻ, đó là Chủ nhật hàng tuần, anh chị đưa bé Hoa về nhà chơi với cu Bum thật thoải mái.
Mỗi đứa trẻ có một xu hướng phát triển khác nhau tùy theo cá tính, năng lực và khí chất. Do đó, cha mẹ cần đứng ở góc độ của trẻ để suy nghĩ, hiểu trình độ của con để nhìn nhận những sai sót nảy sinh trong quá trình giáo dục, tìm ra căn nguyên của vấn đề. Trong mọi lúc mọi nơi, rất cần sự tôn trọng dành cho trẻ. Khi trẻ cảm thấy mình được quan tâm, được lắng nghe và ghi nhận, chúng sẽ vững tin để bước ra cuộc sống.
Thạc sĩ tâm lý
Nguyễn Văn Công