Tại sao chúng ta bị giãn tĩnh mạch?

10/03/2018 - 13:30

PNO - Bệnh suy giãn tĩnh mạch rất thường gặp. Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc bệnh có khi lên đến 30% dân số trưởng thành, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Tuy nhiên, trước các triệu chứng của bệnh suy giãn tĩnh mạch, người bệnh thường tưởng nhầm là mình bị đau cơ xương khớp hay thần kinh tọa. Ngay cả sau khi được bác sĩ chẩn đoán bệnh, nhiều người vẫn chưa hiểu được suy tĩnh mạch là bệnh gì, tại sao mình lại mắc và có nghiêm trọng không… 

Hiểu rõ nguyên nhân gây ra bệnh suy giãn tĩnh mạch chân và các yếu tố nguy cơ gây bệnh có thể giúp chúng ta phòng ngừa và tuân thủ điều trị tốt hơn.

Tĩnh mạch chi dưới là gì? 

Trong cơ thể con người có hai loại mạch máu chính: động mạch và tĩnh mạch. Động mạch dẫn máu có ô-xy và chất dinh dưỡng từ tim đi nuôi các cơ quan trong cơ thể. Khi các cơ quan nhận hết chất dinh dưỡng và ô-xy, máu sẽ theo hệ tĩnh mạch để trở về tim.

Hệ thống tĩnh mạch chân bao gồm: tĩnh mạch nông, sâu và xuyên. 

Tĩnh mạch nông là các tĩnh mạch nằm ở dưới da và bên ngoài các khoang cơ của chân. Các tĩnh mạch sâu nằm sâu trong các khoang cơ của chi dưới. Tĩnh mạch nông và sâu sẽ thông nối nhau qua các tĩnh mạch xuyên. 

Bình thường, máu tĩnh mạch chảy theo chiều từ dưới lên trên và từ các tĩnh mạch nông về các tĩnh mạch sâu qua các nhánh xuyên. 

Hệ tĩnh mạch nông của chân có hai tĩnh mạch chính dễ bị bệnh, đó là tĩnh mạch hiển lớn và bé. Ở người gầy, một phần của các tĩnh mạch này có thể nhìn thấy ở mắt cá chân trong và ngoài (hình 1).

Tai sao chung ta bi gian tinh mach?
Tĩnh mạch hiển lớn, hiển bé 1: Tĩnh mạch hiển lớn 6: Tĩnh mạch hiển bé

Tại sao chúng ta mắc bệnh giãn tĩnh mạch?

Bình thường, trong lòng tĩnh mạch chân có các van tĩnh mạch. Các van này được cấu tạo bởi hai lá van hình túi hoặc như tổ chim, với mặt lõm hướng lên trên. Hai lá van này có một phần dính vào thành tĩnh mạch, phần còn lại tự do trong lòng tĩnh mạch (hình 2).

Khi chúng ta đứng thẳng, máu trong tĩnh mạch phải thắng trọng lực để chảy về tim. Điều này nhờ vào lực hút từ lồng ngực qua hoạt động hít thở và sự phối hợp hài hòa của các van tĩnh mạch với các nhóm cơ chi dưới.

Cụ thể, khi cơ ở chân co, các van trong tĩnh mạch sẽ mở ra, máu được bơm về tim. Khi cơ ở chân thả lỏng, các van sẽ đóng lại, giúp máu không chảy ngược xuống dưới. Toàn bộ tiến trình này được gọi là bơm tĩnh mạch (hình 2 - hàng trên).

Khi van bị hư, sẽ xuất hiện dòng máu chảy ngược với thông thường (hình 2 - hàng dưới). Thay vì chỉ đi từ bàn chân lên tim, một phần máu sẽ đi theo chiều ngược lại. Hậu quả là làm ứ đọng, tăng áp lực trong tĩnh mạch, gây nên tình trạng viêm tĩnh mạch, giãn các tĩnh mạch.

Những yếu tố nguy cơ của bệnh suy giãn tĩnh mạch

Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh suy giãn tĩnh mạch. Trong đó có những yếu tố không thể thay đổi được, ví dụ như giới tính, tuổi tác, di truyền… Bên cạnh đó, có nhiều yếu tố nguy cơ có thể thay đổi để giúp cho việc phòng bệnh và chữa bệnh được tốt hơn.

Di truyền: các nghiên cứu cho thấy, bệnh suy tĩnh mạch có liên quan đến di truyền. Những người có cha và mẹ cùng bị bệnh này, nguy cơ mắc bệnh lên đến 90%; nếu chỉ cha hoặc mẹ bị bệnh, nguy cơ giãn tĩnh mạch là 25% đối với nam và 62% đối với nữ. 

Tai sao chung ta bi gian tinh mach?
Cơ chế suy tĩnh mạch chi dưới Hàng trên - cơ chế hoạt động của van tĩnh mạch bình thường Hàng dưới - khi tĩnh mạch giãn hay các van bị hư hại


Mang thai: liên quan mật thiết với bệnh suy tĩnh mạch. Nghiên cứu cho thấy, phụ nữ mang thai mắc bệnh suy tĩnh mạch cao. Bởi khi mang thai, sự gia tăng nội tiết tố trong cơ thể sẽ làm cho các tĩnh mạch giãn. Ở đa số thai phụ, các tĩnh mạch giãn xuất hiện trong ba tháng đầu thai kỳ. Đôi khi, suy tĩnh mạch còn là triệu chứng đầu tiên báo hiệu có thai. Ở những người sinh nhiều con, khoảng cách giữa các lần sinh ngắn, nguy cơ bị suy tĩnh mạch càng cao.

Tuổi cao: tần suất mắc bệnh suy tĩnh mạch tăng theo tuổi. Khi chúng ta già, các tĩnh mạch cũng già theo. Có những biến đổi ở thành tĩnh mạch được ghi nhận bắt đầu ở tuổi 50 và tăng dần theo tuổi.

Giới nữ: giới nữ mắc bệnh suy tĩnh mạch cao hơn nam giới, nguyên nhân có thể do sự khác nhau về nội tiết tố, quá trình mang thai, nghề nghiệp…

Béo phì: nhiều nghiên cứu cho thấy béo phì có liên quan đến bệnh suy giãn tĩnh mạch. Bệnh suy giãn tĩnh mạch thứ phát từ yếu tố ít vận động và những vấn đề kèm theo của người béo phì.

Ngoài ra còn một số yếu tố nguy cơ khác như đứng lâu, ngồi lâu hay ngồi chéo chân, mặc quần áo bó sát ở phần trên cơ thể, thường xuyên đi giày cao gót, chế độ ăn ít chất xơ gây táo bón… có thể được xem là các yếu tố nguy cơ của bệnh suy giãn tĩnh mạch.

 Bác sĩ Lê Thanh Phong 
Bệnh viện Đai học Y Dược TP.HCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI